Ngành giấy trước nguy cơ thiếu hụt nguồn cung

Tình trạng khan hiếm nguyên liệu tiếp tục là câu chuyện nóng bỏng, đẩy ngành giấy đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn cung, giá cả mỗi ngày một tăng.
Ngành giấy trước nguy cơ thiếu hụt nguồn cung

Ngành giấy Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào nhập khẩu, kể cả nhập nguyên liệu lẫn thành phẩm. Nguồn nhập khẩu lớn nhất đến từ Trung Quốc. Năm 2017, Việt Nam nhập khẩu giấy và các sản phẩm giấy từ các nước xấp xỉ 2,5 tỷ USD, trong đó riêng Trung Quốc là khoảng 600 triệu USD.

Vì thế, những biến động từ thị trường Trung Quốc từ giữa năm 2017 đến nay đã đẩy ngành giấy Việt Nam vào tình trạng khan hiếm, giá cả tăng cao. Hiện giá giấy in báo đang giữ mức 17,5-18,5 triệu đồng/tấn (tùy định lượng, tùy nơi bán), tăng 1,5-2,5 triệu đồng/tấn so với thời điểm tháng 12/2017. Giấy viết khoảng 19,5 triệu đồng/tấn từ trước Tết Nguyên đán hiện vọt lên khoảng 23,5-24 triệu đồng/tấn, tùy định lượng.

Theo ông Hàn Vinh Quang, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, Trung Quốc đang siết chặt hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất giấy với việc đóng cửa nhiều nhà máy sản xuất giấy công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Việc đóng cửa các nhà máy này đã khiến nguồn cung hụt đi khoảng 26 triệu tấn giấy/năm.

Từ tháng 5/2017, Trung Quốc cũng đưa ra quy định cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu, trong đó có mặt hàng giấy phế liệu là một trong những nguyên liệu chính để sản xuất ra giấy cuộn carton, đã khiến cho hàng loạt doanh nghiệp Trung Quốc thiếu nguyên liệu đã tràn sang Việt Nam thu mua, khiến nguồn nguyên liệu trong nước vốn đã thiếu hụt lại càng thiếu hụt hơn, đẩy giá lên cao.

Theo ghi nhận của Thương Gia, không chỉ giấy in báo, giấy viết tăng giá mà các loại giấy bao bì cũng tăng do nhu cầu tăng mạnh khi xu hướng chuyển từ bao bì nhựa sang bao bì giấy ngày càng phổ biến. Các doanh nghiệp sản xuất bao bì cho biết: Tình trạng khan hiếm và giá giấy tăng cao đã khiến họ gặp khó khăn. Có loại đã tăng đến 50% nhưng các doanh nghiệp vẫn phải “bấm bụng” để làm, giao hàng đúng cam kết với đối tác để giữ quan hệ.

Giải pháp đặt ra hiện nay là ngoài việc các doanh nghiệp phải tự mình đầu tư, đổi mới dây chuyền sản xuất, công nghệ, tiết giảm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm; xây dựng vùng nguyên liệu để có thể chủ động, ổn định cho sản xuất thì Nhà nước cần có chính sách quản lý, kiểm soát các việc các doanh nghiệp Trung Quốc ồ ạt sang Việt Nam thu gom cả nguyên liệu lẫn giấy thành phẩm.

Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2020, có xét đến năm 2025 nêu rõ quan điểm chủ đạo là phát triến ngành công nghiệp giấy theo hướng hiện đại, bền vững gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

Theo đó, ngành giấy cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm; giảm tiêu hao nguyên nhiên vật liệu, tiết kiệm năng lượng; tập trung xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Huy động mọi nguồn lực xã hội để đầu tư, sản xuất; xây dựng các tập đoàn đủ mạnh, có tiềm năng tài chính, nhà máy có công suất lớn và chất lượng sản phẩm cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, tăng khả năng xuất khẩu; xây dựng được vùng nguyên liệu nhằm chủ động cung cấp đủ, ổn định nguồn nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất bột giấy theo quy hoạch phát triển ngành.

Quy hoạch cũng đặt ra các mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ thu hồi giấy các loại trong nước đạt 65%; đáp ứng khoảng 75-80% nhu cầu tiêu dùng trong nước, giảm tỷ lệ nhập khẩu; không cấp phép và dần loại bỏ các nhà máy giấy và bột giấy lạc hậu đang tồn tại với quy mô dưới 10.000 tấn/năm.

Muốn thực hiện được điều này, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi trong việc tiếp cận vốn để đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại đồng bộ, đào tạo, nghiên cứu thị trường, thuế…và tạo điều kiện cho vay vốn đầu tư tín dụng, vốn ODA để phát triển các vùng nguyên liệu…

Có thể bạn quan tâm