Nghệ nhân Phạm Bá Ngọc: Người thợ làm NGHÊ

Nghệ nhân Phạm Bá Ngọc là cái tên nổi tiếng trong giới nghệ sĩ sáng tác. Anh nổi tiếng cả bởi tay nghề tài hoa đầy sáng tạo, cả bởi thiên phú kinh doanh trên kho tàng di sản văn hóa dân tộc.
Nghệ nhân Phạm Bá Ngọc: Người thợ làm NGHÊ

Anh hay được gọi là Ngọc Nghê, cái tên khẳng định tình yêu của Phạm Bá Ngọc với linh vật này. Nhưng anh tự nhận mình là người thợ làm Nghê, bởi danh xưng “Người thợ” giản dị mà chính xác, hợp với tinh thần gần gũi của linh vật rất Việt Nam này.

Nghê có phải là linh vật thuần Việt?

Một nghiên cứu mới nhất của học giả Kiều Quang Chẩn trong ấn phẩm “Vang vọng từ trống Đông Sơn” đã giới thiệu hình Nghê chân đèn. Như vậy có thể nói, Nghê đã đồng hành cùng lịch sử dân tộc qua một nghìn năm Bắc thuộc. Sau đó, Nghê được bắt gặp ngày một nhiều hơn khi đất nước giành được quyền tự chủ. Từ trong từng gia đình đến làng xóm, từ thôn quê đến thị thành, từ dinh quan đến cung vua phủ chúa; từ vì kèo gác mái đình làng nhảy cả vào chốn hậu cung tế lễ, từ bia đá đến trang phục… đâu đâu cũng có thể bắt gặp hình tượng linh vật Nghê. Ngay tại nơi thiêng liêng nhất làng là ngôi đình, người ta bắt gặp Nghê đang trêu ghẹo chàng trai ngắm trộm thiếu nữ khỏa thân… Với người nghệ sĩ chạm khắc đó, có lẽ họ thấy chính mình trong Nghê, họ mang những ước vọng dấu kín của bản thân vào từng mảng chạm. Để rồi nó lại lồ lộ ra với hậu thế.

Nghê chơi đàn đáy – Một biểu tượng đỉnh cao cho sự nhân cách hóa Nghê của người Việt. Thế kỷ 19 – Đình Cung Chúc – Hải Phòng

Mỗi linh vật thường mang một chức năng văn hóa, một ý nghĩa biểu tượng. Nhưng Nghê thì đa dạng hơn nhiều. Nghê tượng trưng cho ánh sáng nên thường được làm giá đèn, cột trụ chân đèn; Nghê tượng trưng cho trí tuệ nên được khắc trên bia tiến sĩ; Nghê tượng trưng cho sức mạnh huyền thoại siêu nhiên nên mang nhiều yếu tố tạo hình của rồng; Nghê ngậm ngọc tượng trưng cho sự khôn ngoan… Nhiều, nhiều lắm những ước vọng được người Việt gửi gắm vào hình tượng Nghê. Các thế hệ người Việt bồi đắp lên tạo hình Nghê bởi tất cả những hình tượng có thật và không có thật mà họ yêu mến: rồng, cá chép, chó, cá sấu, chim ưng, dê…

Nghệ nhân Phạm Bá Ngọc và nhà nghiên cứu văn hoá Trần Hậu Yên Thế cạnh Nghê đá cổng đền Vua Đinh

Vô tình hay hữu ý, Nghê được trao sứ mệnh không phải là sư tử, cũng chẳng phải kỳ lân, mà trở thành một biểu tượng linh vật thuần Việt trong sức ép đồng hóa của những nền văn hóa lớn. Nhỏ bé nhưng lại có chỗ đứng vững chắc trong hệ thống văn hóa biểu tượng. Ngay tại đền vua Đinh, vị vua khởi phát nền quân chủ Việt Nam, Nghê đã thay thế Lân để đứng vào hàng tứ linh. Như vậy, Nghê đã trở thành biểu tượng cho tư duy độc lập, tự chủ của văn hóa Việt.

"Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ từng đặt một vấn đề rất thú vị: Tại sao chỉ nói “cười như Nghê” mà không nói cười như rồng hay như phượng? Có lẽ bởi chỉ có Nghê mới được nhân cách hóa gần với con người nhất. Nghê cười đủ kiểu: Cười khúc khích có, toe toét có, ngặt nghẽo hả hê có, sằng sặc cũng có. Cha ông chúng ta đó. Những điệu cười như vậy là cách bao thế hệ đối diện với cuộc đời khi vui lúc buồn.

Người thợ làm Nghê

Đền vua Đinh là nơi nghệ nhân Phạm Bá Ngọc tìm đến rất nhiều trong hành trình tìm hiểu về Nghê. Mỗi lần đến, anh lại như được linh ứng, được “mở mắt” cho nhìn thấy những tinh hoa nằm lẩn khuất đâu đó chờ người hữu duyên.

Nghê cõng chân đèn, chất liệu gốm thế kỷ 17, được xếp hạng Bảo vật quốc gia

Với con mắt một nhà điêu khắc, anh bị đôi nghê đá đền vua Đinh hớp hồn. Đó thực sự là kiệt tác về Long Nghê, càng nhìn càng thấy đẹp, càng thấy vỡ ra những ẩn ý của nghệ nhân xưa. Đôi Nghê một đực một cái được tạo hình uy nghiêm mà gần gũi, linh thiêng mà thân thuộc, không quá bé nhỏ nhưng cũng chẳng to lớn kềnh càng, rất Việt Nam. Các nhà nghiên cứu xem đây là mẫu mực của tạo hình Nghê chầu ở Việt Nam. Phạm Bá Ngọc quyết định nhân mẫu đôi Long Nghê đền vua Đinh, với mong muốn người Việt sẽ dùng Nghê thay thế cho những con sư tử đá dữ tợn đang đặt ở nhiều đền, chùa, công trình kiến trúc... Từ đôi Nghê to, anh thu nhỏ lại, biến thành vật phẩm phong thủy, trang trí, đốt trầm... để đưa Nghê đến gần hơn với cuộc sống.

Cha ông chúng ta bao đời qua đã chấp nhận và yêu mến, đồng hành cùng Nghê, đưa Nghê vào cả kho tàng folklore tục ngữ ca dao, đưa Nghê náo nức nhập thân vào các mảng chạm khắc đình chùa. Nghê đã từng mang rất nhiều ý nghĩa biểu tượng, hóa thân vào nhiều hình thái văn hóa khác nhau. Bởi vậy người thợ làm Nghê Phạm Bá Ngọc tìm thấy trong Nghê cảm hứng sáng tạo bất tận trong hành trình ứng dụng Nghê vào cuộc sống đương đại. Nghê đang dần thay thế những con sư tử đá hợm hĩnh trước những không gian linh thiêng. Nghê trở lại những nơi tế tự để đội bài vị. Nghê lại nhảy vào những mảng chạm khắc gỗ để hí lộng câu chuyện đời đương đại.

Văn hóa là hành trình tiếp biến và sáng tạo. Tại sao không suy nghĩ đến việc sáng tạo con Nghê đội giá văn thành con Nghê là chiếc hộp bút, bởi Nghê cũng tượng trưng cho ánh sáng trí tuệ. Cũng con Nghê trí tuệ đó có thể sáng tạo thành công cụ đánh dấu trang sách. Và con Nghê may mắn có thể “nhảy” lên chiếc khánh treo trên xe ô tô như một biểu tượng thượng lộ bình an. Bộ mặt ngộ nghĩnh không lẫn đi đâu của Nghê có thể sáng tạo thành những chiếc mặt nạ, để đeo hoặc để làm deco. Nhắc đến deco, Nghê vốn hội tụ nét đẹp của tất cả những vật linh, chẳng có lý gì không bước vào không gian deco cả trong cuộc sống và phong thủy… Từng chút một như vậy là đủ để Nghê đi dần vào cuộc sống, đem sự vui tươi chân thật và đầy năng lượng tích cực tiếp tục phục vụ cho cuộc đời, như đã làm cả nghìn năm nay với bao thế hệ người Việt.

Mới đây nghệ nhân Phạm Bá Ngọc và nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế đã phát hiện trên cột trụ đèn lồng lối vào đền vua Đinh, Nghê đã thay thế Lân để đứng vào bộ tứ quý kinh điển Long – Nghê – Quy – Phượng, thậm chí còn ở vị trí mặt tiền, nhiều người nhìn vào nhất. Tư duy tự chủ về văn hóa được gửi gắm vào hình tượng Nghê.

Nghê trêu gẹo chàng trai ngắm trộm thiếu nữ khỏa thân – chạm khắc đình làng

Có lẽ, chính tư duy ấy là sợi dây kết nối người nghệ nhân tâm huyết với linh vật Nghê. Một người nghệ nhân phải lòng với những tinh hoa của cha ông, tìm thấy niềm tự tôn dân tộc trong hình tượng một linh vật. Một người nghệ nhân đau lòng khi thấy những sản phẩm văn hóa ngoại lai như cơn bão tràn vào khắp thị thành đến nông thôn, những người nghệ nhân thu mình lại, những làng nghề ngày một bớt tiếng lao xao... “Tay nghề thợ mình đâu có kém cha ông, thậm chí còn được hỗ trợ bởi máy móc công nghệ cao, tại sao lại thua ngay trên sân nhà, khi sở hữu có một nguồn tài nguyên văn hóa di sản vô tận?!” Đó là câu hỏi lớn mà Phạm Bá Ngọc quyết tìm lời giải, bắt đầu bằng câu chuyện tình yêu với Nghê.

“Không gian văn hóa Hoa Lư” được Phạm Bá Ngọc - Giám đốc Công ty Vạn Bảo Ngọc, tạo nên với triết lý như huyền tích ấy, giản dị gần gũi mà lắng đọng sâu sắc, từng câu chuyện nhỏ rì rầm kể lại chuyện nghìn năm. Anh muốn các du khách dành chút thời gian ngồi họa lại mầu cho từng hoa văn Hoa Lư xưa, những hoa văn không trộn lẫn với bất cứ nền văn hóa nào, ắt hẳn sẽ nghe được tiếng tiền nhân kể chuyện chiếc sập đá bảo vật quốc gia sao lại có bàn tay phụ nữ vuốt râu rồng, sao bên cạnh rồng biểu tượng cho vương quyền lại có chim-chuột-tôm-cá… Du khách có thể trải nghiệm bắt cá rô Tổng Trường, loại cá tiến vua thơm ngon nức tiếng trong những hang núi đá vôi ngập nước. Và khi ngồi xuống nâng chén rượu trong tiệc cờ lau, có thể nghe câu chuyện nhà nước non trẻ mới ra đời đã đúc tiền đồng, đã đặt tên nước là Đại Cồ Việt với biết bao ẩn ý thâm sâu về Phật Giáo, về khát vọng độc lập…

Không gian văn hóa Hoa Lư của Phạm Bá Ngọc được tạo nên bởi những gam mầu sáng tối, thịnh suy, vui buồn suốt nhiều nghìn năm lịch sử, chắt lọc lại mà thành. Trong hành trình đi tìm và khôi phục những giá trị nghìn năm của văn hóa Hoa Lư, anh đã bắt gặp tình yêu của đời mình – một linh vật vô tình hay hữu ý, lại mang đầy đủ bản sắc văn hóa vừa cung đình, vừa bình dân, vừa cao sang, lại vừa gần gũi của Hoa Lư. Đó là linh vật Nghê.

Bài: Trương Công
Ảnh: Quang Nam + TL

Có thể bạn quan tâm