Nhật ký chống dịch Covid-19: Ngồi trong nhà mát nhìn ra ngoài nắng!

Nắng thì ngồi nhà như một bản ngã tự nhiên. Nhưng khi đại dịch bùng khắp thế giới và Việt Nam không là ngoại lệ, chúng ta được ngồi trong phòng mát còn bên ngoài trời nắng gắt, có những người đang nhọc nhằn làm nhiệm vụ . Họ là những chiến sĩ chống dịch.

Bình yên trong mỗi căn nhà

Hè bỏng rát này, cái nắng như muốn thiêu đốt vạn vật và sinh linh. Hà Nội đã qua 5 ngày trong giãn cách. Đường phố vắng tanh. Rất ít người qua lại. Thảng hoặc có tiếng còi xe cấp cứu gấp gáp. Đâu đó tại các chốt canh gác, những chiến sĩ cảnh sát, dân phòng…căng mắt dõi theo từng động thái trên phố. Mồ hôi không kịp lau, chảy từng giọt trên những gương mặt sạm đen thiếu ngủ vì lo lắng và căng thẳng. Tôi cảm nhận được điều này khi sáng nay mang chục thùng nước Lavie đến phục vụ anh em giữ chốt trên địa bàn phường Yên Phụ.

Những con phố Hà Nội vắng lặng trong đại dịch (Ảnh Ngô Thị Thúy)
Những con phố Hà Nội vắng lặng trong đại dịch (Ảnh Ngô Thị Thúy)

Phố Hà Nội vắng. Chỉ có cây xanh và chim vô tư ríu rít. Người đâu hết cả rồi? Gần như tất cả đang ngồi yên trong mỗi căn nhà. Khi lệnh của thành phố được ban hành vào 6 giờ sáng ngày 24 tháng 7, người Hà Nội lúc đầu có bối rối đôi chút, nhất là đội ngũ anh em chạy xe giao hàng công nghệ…nhưng mọi thứ vẫn nhanh chóng đi vào quy lát. Ai ngồi đâu thì yên ở đó. Bên cạnh lực lượng tiên phong chống dịch như đội ngũ thầy thuốc, lực lượng vũ trang và các đội dân phòng, bảo vệ… là những chiến sĩ tình nguyện lao vào tâm dịch, đội ngũ thanh niên, anh chị em làm công việc thiện nguyện âm thầm hỗ trợ các bệnh nhân, người thuộc diện Fo, F1… những người đặc biệt khó khăn, vì ngồi nhà mà đứt bữa...

Người dân nghiêm túc chấp hành theo chỉ thị 17 của UBND TP. Hà Nội (Ảnh Ngô Thị Thúy)
Người dân nghiêm túc chấp hành theo chỉ thị 17 của UBND TP. Hà Nội (Ảnh Ngô Thị Thúy)

Chúng ta ngồi trong nhà. Nếu thích thì có thể bật điều hòa. Thích nữa thì bật nhạc, mở Youtube, Netflex.. xem phim, nghe nhạc hay nhún nhảy, hát hò, lên facebook “chém gió” hay chat chit với bạn bè… Ngành điện đang căng mình để cung cấp đủ điện cho các khu dân cư trong những ngày nắng nóng. Các đơn vị cung cấp dịch vụ internet, cáp truyền hình, viễn thông hình như chưa bao giờ phục vụ tốt như hiện nay. Dịch vụ banking của các ngân hàng phát huy hết công suất khi mà bạn, tôi, chúng ta cần thanh toán các khoản tiền điện, nước, internet, đồ ăn và nhận cả lương tháng…Thời công nghệ 4.0 quả là cho chúng ta những giá trị to lớn, nếu không thì, trong những ngày hè nắng nóng điên người này, nếu chỉ ngồi nhà đã được coi là yêu nước thì tình yêu của chúng ta có lẽ cũng không được tròn đầy như đang có.

Những người “đội cả trời nắng to”

Lướt một vòng quanh phố, có thể thấy nhiều người đang vật lộn với đại dịch để giữ sự bình yên cho tất cả những ai đang ngồi mát, bật nhạc đu đưa trong phòng. Trong trang phục cảnh sát màu xanh lá mạ hay dân phòng màu xanh sẫm…cứ cách một đoạn vài trăm mét là lại gặp chốt. Có chốt chỉ 1 người với đoạn đường vắng nhưng có chốt tới vài ba người tại những địa điểm đông dân cư. Nắng có vỡ đầu hay mưa có sập xuống thì các chiến sĩ vẫn phải bám chốt – cứ như trong thời chiến.

Bàn tay của một bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch (Ảnh lấy từ Facebook)
Bàn tay của một bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch (Ảnh lấy từ Facebook)

Mà đúng là trận chiến thật. Trận chiến đấu với con covid vô hình – không nhìn thấy hình hài, không rõ mặt kẻ thù để “đòm” cho nó một phát. Kẻ thù này âm thầm phát tán dịch bệnh qua giọt bắn giọt rơi, từ nơi xuất phát là thành phố Vũ Hán ở tận Trung Quốc lan ra toàn thế giới, lại còn biến hình biến thể để dễ dàng xuyên qua hàng rào miễn dịch của con người. Một trận chiến vô hình, khốc liệt mà ở chỗ này chỗ kia, lúc này lúc khác, con người từng phải buông tay bất lực. Con covid gieo chết chóc kinh hoàng cho toàn thế giới và cho đến lúc này, chỉ có vaccine mới thực sự cứu thế giới ra khỏi thảm họa. Tiếc thay tỷ lệ tiêm vaccine trên thế giới vẫn chưa cao và người ta vẫn phải chứng kiến những cái chết âm thầm trong nỗi đau bóp nghẹt lồng ngực bao người.

Trong kinh doanh, người ta đưa ra lời khuyên là bất kể người nào, dù là người thân thì khi giao dịch, hãy coi họ là người mới quen biết. Còn trong tình cảnh dịch đang bùng phát nghiêm trọng như hiện nay, với những người làm nhiệm vụ giữ chốt, kiểm soát lượng người qua lại theo lệnh của thành phố thì bất kể người nào trong mắt họ cũng có thể đang ủ mầm virus SART – COVID 2 - để có thể tỉnh táo mà xử lý tình huống. Cảnh giác cao độ đến thế là cùng!

Một số người dân trong phường Yên Phụ cũng tìm cách mua nước và cho shiper chở đến công an phường, phục vụ các chiến sĩ giữ chốt. Họ cũng như tôi, như bạn – đang ngồi trong phòng mát, muốn bày tỏ sự biết ơn với anh em giữ chốt đang đội trên đầu “cả một trời nắng to” để giữ cho chúng ta sự bình yên.

Thương lắm Sài Gòn ơi

Hà Nội – Sài Gòn là hai trọng điểm quan trọng nhất cả nước. Khó khăn của đầu này luôn là nỗi lo lắng của đầu kia, đặc biệt là trong đại dịch covid 19. Người Hà Nội vừa lo chống dịch, vừa căng mình dõi theo mọi tin tức, biến động của Sài Gòn. Hôm nay nghe tin buồn từ TP. Hồ Chí Minh: Một em tình nguyện viên bị covid đốn ngã và em đã không qua khỏi. Lúc này, bố mẹ em còn đang trong khu cách ly… Em nhiễm covid từ những chuyến nấu ăn, chuyển đồ vào các khu cách ly. Sự ra đi của em khiến lòng người se sắt lại vì đau. Như chiếc lá xanh lìa cành khi thân cây còn nguyên sức sống… mỗi người ra đi vì covid đều để lại cho chúng ta cảm giác đau đớn, tiếc nuối, thậm chí tức giận vì bất lực. Con số đáng ghét ấy cũng chưa thể dừng lại khi chúng ta chưa đủ vaccine. Cuộc chiến vì thế còn cam go, phức tạp.

Cây gạo ATM ở sài Gòn (Ảnh: Internet)
Cây gạo ATM ở sài Gòn (Ảnh: Internet)

Sài Gòn mấy ngày nay, 2.000 rồi 3.000 rồi 4.000… những con số nhảy nhót hàng ngày khiến lòng người cả nước thêm lo lắng. Các bệnh viện chật cứng người. Các thầy thuốc làm việc gấp đôi sức lực nhiều ngày, nhiều giờ trong điều kiện căng thẳng, nóng bức tồi tệ. Không ít người đã gần như kiệt sức và cần đến sự trợ giúp y tế của đồng nghiệp. Các khu cách ly đều đã quá tải và quá sức chịu đựng của mọi người…

Trong tình cảnh cam go và gấp gáp ấy, trong tiếng còi cứu thương hú liên tục trên đường phố Sài Gòn, có rất nhiều, rất nhiều các nhóm tình nguyện viên vẫn đi chợ giúp dân, nấu các suất ăn cho người đứt bữa, trao suất ăn miễn phí cho người nghèo, hỗ trợ người dân trong các khu cách ly... Nhiều đường dây nóng, sẵn sàng giúp những ai thiếu thực phẩm hay cần sự trợ giúp khác được lập ra. Đến cuộc thi ảnh online Hoa hậu vì môi trường Việt Nam 2021 do tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp cùng Công ty Q-Talent đồng tổ chức cũng lấy tâm điểm giúp người khó khăn trong đại dịch covid 19 ở TP. Hồ Chí Minh làm hoạt động chính.

Các đội tình nguyện viên phát cơm, khẩu trang miễn phí cho dân Sài Gòn (Ảnh: Vnexpress)
Các đội tình nguyện viên phát cơm, khẩu trang miễn phí cho dân Sài Gòn (Ảnh: Vnexpress)

Người Sài Gòn vẫn vậy, luôn mở rộng tấm lòng giúp người hoạn nạn – không phân biệt người đó từ đâu đến, mang màu da nào, cứ ai khó khăn ắt có “ông Bụt” nào đó xuất hiện. Từ lòng nhân ái tuyệt vời đó, người Sài Gòn đã có nhiều sáng chế mang lại cho người ta rất nhiều cảm xúc: Máy ATM gạo miễn phí xuất hiện đầu tiên tại địa chỉ 204B đường Vườn Lài, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh và đã lan ra khắp Sài Gòn, Hà Nội và nhiều thành phố trong cả nước; Thùng bánh mì, sách vở áo quần trên các phố… rồi đến các bếp ăn miễn phí, mỗi suất ăn còn nóng sốt được trao tận tay người nghèo, người sa cơ lỡ bước trên các phố. Đi Đông đi Tây đã nhiều mà mỗi khi về lại Sài Gòn, tôi chưa bao giờ hết cảm động và ngạc nhiên về những nghĩa cử của người dân thành phố dành cho những người gặp khó khăn.

Hy vọng

Nhìn lại các nước phương Tây vào thời gian đầu khi dịch covid 19 ập đến, chính phủ các nước đều vô cùng bối rối và lúng túng khi xử lý dịch. Người dân cũng chưa thể quen với cái khẩu trang bịt miệng, mũi, lại phải ngồi nhà khi chân tay trở nên thừa thãi và buồn chán… Họ cũng đã phải trả những cái giá rất đắt với số người nhiễm, người chết thật đáng sợ, mặc dù các nước phát triển đều có hạ tầng cơ sở y tế rất hiện đại. Nhưng rồi họ đã “túm được đuôi” con covid, đang từng bước triệt hạ nó bằng việc tìm ra vaccine và nhanh chóng thực hiện chiến dịch tiêm chủng cho toàn dân.

Việt Nam ta đã vượt qua cả một chặng đường dài hơn 1 năm với 3 lần chống dịch thành công, được coi là điểm sáng số 1 trên thế giới. Số người chết chỉ dừng ở con số 36 mà hầu hết là các bệnh nhân có bệnh nền nặng ở Đà Nẵng. Điều đó có được nhờ vào sự đồng lòng, quyết tâm dập dịch của chính phủ và người dân. Bên cạnh đó cũng phải thừa nhận là ta có sự may mắn khi sức đề kháng với chủng covid 19 thời kỳ đó của người Việt rất tốt.

Khi chủng virus biến thể Delta xuất hiện vào đầu tháng 5 năm nay, dẫu có những lúng túng, chịu mất mát, thậm chí “vỡ trận” cục bộ nhưng về cơ bản, cho đến nay, các cấp chính quyền đang thể hiện quyết tâm, từng bước không chế dịch bệnh. Giãn cách, khoanh vùng và cách ly để cầm cự, giảm tải cho các bệnh viện song song với việc khẩn trương tiêm vaccine trên diện rộng... Theo suy nghĩ của tôi, đó là hướng đi phù hợp trong tình hình hiện nay. Ai có biện pháp nào hay hơn xin chỉ giáo.

Phố Hà Nội không một bóng người tạo nên một cảm giác thật khác lạ nhưng cũng tràn đầy hy vọng rằng Hà Nội và Việt Nam sẽ nhanh chóng chiến thắng đại dịch (Ảnh Ngô Thị Thúy)
Phố Hà Nội không một bóng người tạo nên một cảm giác thật khác lạ nhưng cũng tràn đầy hy vọng rằng Hà Nội và Việt Nam sẽ nhanh chóng chiến thắng đại dịch (Ảnh Ngô Thị Thúy)

Ở góc độ khác, bệnh dịch tuy đang bùng phát mạnh nhưng loài người đã có chiếc “đập” ngăn chặn hữu hiệu. Đó chính là vaccine. Nhiều nước đã triển khai tiêm vaccine trên diện rộng. Việt Nam cũng đang dồn dập nhận vaccine từ Mỹ, Nhật, Anh, Nga và đang tiến hành những chiến dịch tiêm chủng “lớn chưa từng có” cho toàn dân. Nga đã chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Sputnik V cho Việt Nam. Những lô hàng đầu tiên đã được sản xuất và gửi về Nga kiểm định. Hai nước Mỹ, Nhật ngoài việc khẩn trương bán/tặng vaccine cho Việt Nam cũng đang nhanh chóng chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine chống covid để Việt Nam tự sản xuất tại chỗ. Bên cạnh đó, vaccine nội của ta đã được nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm thành công trên hàng chục ngàn người với kết quả rất khả quan - chưa ghi nhận bất cứ phản ứng tiêu cực nào.

Chúng ta chia sẻ nỗi buồn, đau với những gia đình có người mất vì covid 19, với những người vì đại dịch mà quá khó khăn về kinh tế. Chúng ta đều chung cảnh ngộ, đều khó khăn ở mọi góc độ khác nhau nên luôn biết dựa vào nhau mà sống, mà chiến đấu với đại dịch. Mỗi người tự bảo vệ chính mình. Nếu không thể “xông ra trận chiến chống dịch” thì kiên nhẫn ngồi nhà theo lệnh của chính quyền. Ai cũng có thể góp sức mình cho cuộc chiến chống lại kẻ thù vô hình này bằng những việc làm thiết thực khác.

Có ngồi nhà, nắm tình hình qua các phương tiện truyền thông mới thấy mình còn may mắn hơn hàng ngàn hàng vạn người đang chiến đấu với đại dịch covid 19 trong những điều kiện cực kỳ khắc nghiệt.

Có thể bạn quan tâm