Nhà đầu tư nước ngoài đặt mua hơn 1,2 tỷ USD mua cổ phiếu VPBank

Ông Tô Hải, giám đốc VCSC cho biết khối lượng đặt mua cổ phiếu VPB của nhà đầu tư nước ngoài rất lớn, lên tới 1,2 tỷ USD
Nhà đầu tư nước ngoài đặt mua hơn 1,2 tỷ USD mua cổ phiếu VPBank

Sáng nay 17/8 VPBank sẽ niêm yết hơn 1,3 tỷ cổ phiếu trên HoSE với giá khởi điểm 39.000 đồng/cổ phiếu. Ở vùng giá này, vốn hóa của ngân hàng vào khoảng hơn 2,3 tỷ USD, dẫn đầu trong nhóm các ngân hàng cổ phần tư nhân hiện nay.

VPBank vừa tổ chức buổi hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu VPBank ngày 15/8 thu hút sự quan tâm của giới đầu tư trong và ngoài nước.

Ông Hải cho biết, trong quá trình làm công tác dựng sổ, đơn vị tư vấn đã tiếp cận với hơn 80 nhà đầu tư nước ngoài và hầu hết họ đều đặt mua cổ phiếu VPBank với khối lượng đặt mua lên tới 1,2 tỷ USD. Đây là điều chưa có tiền lệ trong lịch sử, các ngân hàng và thị trường chứng khoán ở Việt Nam mà chưa có công ty nào đạt được điều này, kể cả giai đoạn nóng năm 2007.

Hiện, VPBank có 78 nhà đầu tư nước ngoài sở hữu hơn 22% vốn VPBank còn lại là nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong nước, không có nhà đầu tư nào sở hữu quá 5% vốn điều lệ.

Trong nhóm cổ đông nội bộ, hiện ông chủ tịch HĐQT Ngô Chí Dũng cùng người nhà đang sở hữu 14,5% vốn VPBank, ông Lô Bằng Giang - phó chủ tịch HĐQT và người nhà sở hữu hơn 13,6%, ông Bùi Hải Quân - phó chủ tịch và người nhà cũng sở hữu lượng cổ phiếu tương đối lớn. Cá nhân ông Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh và cả người nhà không hề có một cổ phiếu VPB nào dù rằng ông đã gắn bó với ngân hàng một chặng đường không ngắn.

Tại thời điểm năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) của VPBank là quanh 27 - 28%, gấp trên dưới 4 lần so với của 3 ngân hàng lớn nhất là Vietcombank, BIDV và VietinBank và gấp cả chục lần so với các ngân hàng khác.

Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) của VPBank cũng là mức cao nhất. Tổng hợp số liệu từ báo cáo năm 2016 cho thấy ROA của ngân hàng này khoảng 1,7%.

Với kết quả kinh doanh đạt được sau quý 2/2017, VPBank đã trở thành ngân hàng có lợi nhuận cao thứ tư tại thị trường Việt Nam, chỉ đứng sau BIDV, Vietcombank và Vietinbank, trong khi tổng tài sản và vốn chủ sở hữu thấp hơn nhiều lần.

Cập nhật kết quả kinh doanh 7 tháng, VPbank ghi nhận luỹ kế lợi nhuận trước thuế (hợp nhất) 7 tháng năm nay ước đạt 4.100 tỷ đồng. Kế hoạch lợi nhuận cả năm 6.800 tỷ đồng song lãnh đạo VPBank dự kiến có thể đạt 7.000 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của VPbank vài năm gần đây ghi nhận mức tăng trưởng vượt hai con số. Cụ thể, trong giai đoạn 2015-2016, tín dụng ngân hàng tăng trưởng cao đạt 116,8 nghìn tỷ đồng (tăng 48,7%) và 144,7 nghìn tỷ đồng (tăng 23,9%), riêng 6 tháng đầu năm 2017 đạt 162,1 nghìn tỷ đồng dư nợ (tăng 12%). Tỷ lệ nợ xấu đến cuối 2016 kiểm soát ở mức an toàn 2,91%, và giảm về 2,81% cuối tháng 6/2017 (dư nợ xấu 2.515 tỷ đồng).

Năm 2015, huy động tiền gửi tăng mạnh lên 130,3 nghìn tỷ đồng, và giảm còn 123,8 nghìn tỷ đồng vào năm 2016, riêng nửa đầu năm 2017 tiền gửi đạt 129,6 nghìn tỷ đồng.

Tổng tài sản hợp nhất tăng trưởng 18%, đạt 228.771 tỷ đồng vào cuối năm 2016, và tăng mạnh lên mức 248.713 tỷ đồng tính đến hết tháng 6/2017. Vốn chủ sở hữu của VPbank hiện đạt 19.523 tỷ đồng.

VPBank hiện có hệ số ROA và ROE lớn nhất trong ngành ngân hàng, tính đến cuối năm 2016, ROA đạt 1,9% và ROE đạt 25,7% vượt xa các ngân hàng trong nước (ROA trung bình 2016 là 0,8% và ROE 12,5%).

>> Đầu tư cổ phiếu ngân hàng cần nhìn vào đâu?

Có thể bạn quan tâm