Nhà máy đóng tàu Dung Quất sẽ phải phá sản nếu không ai mua

PVN kiến nghị Chính phủ cho phép bán Nhà máy đóng tàu Dung Quất (DQS), trường hợp bán không thành công sẽ triển khai ngay phương án phá sản đấu giá tài sản.
Nhà máy đóng tàu Dung Quất sẽ phải phá sản nếu không ai mua

Tại báo cáo về tình hình xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án gửi Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, ngày 25/7/2017 Tập đoàn đã có báo cáo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Bộ Công Thương về phương án xử lý các khó khăn đối với Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủ Dung Quất (DQS).

Theo đó, PVN đưa ra 4 kiến nghị. Một là cho phép Tập đoàn bán doanh nghiệp theo hành lang quy định của Nghị định 128 ngày 31/12/2014 của Chính phủ về bán, giao và chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Trường hợp bán không thành công sẽ triển khai ngay phương án phá sản đấu giá tài sản.

PVN đề nghị Hội đồng thành viên của Tập đoàn sẽ được ủy quyền quyết định toàn bộ vấn đề liên quan đến quá trình triển khai thực hiện phương án được duyệt.

Đồng thời kiến nghị có cơ chế giao cho Nhà máy đóng tàu Dung Quất thực hiện các công việc khi PVN và các đơn vị trong tập đoàn này có nhu cầu, đảm bảo đời sống, việc làm và ổn định tư tưởng, tâm lý cho cán bộ, nhân viên.

Trong văn bản gửi đến Bộ Công thương về tình hình xử lý các nhà máy thua lỗ, yếu kém, PVN đề nghị Bộ chủ quản sớm có văn bản kiến nghị Thủ tướng giao Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toàn hồ sơ đối với tàu 104.000 DWT để xác định giá trị bàn giao nhằm xử lý dứt điểm việc bàn giao.

Đồng thời thực hiện quyết toán hợp đồng EPC trên cơ sở kiểm toán, kiểm định thiết bị của hợp đồng, từ đó sớm thống nhất được phương án thuê tư vấn.

Đề xuất này được đưa ra sau nhiều năm PVN tiếp nhận nhà máy đóng tàu Dung Quất từ Tổng công ty công nghiệp tàu thủy (SBIC, tên cũ là Vinashin) và đã đầu tư trên 5.000 tỉ đồng để nỗ lực cứu nhà máy.

Thậm chí, ngay khi nhận Nhà máy đóng tàu Dung Quất thì PVN còn cam kết là có thể phục hồi sản xuất, gắn với một loạt các kiến nghị về cơ chế tài chính. Song nhà máy Dung Quất hiện đang sản xuất khá cầm chừng, hầu như không có hợp đồng mới và gánh hàng nghìn tỷ đồng nợ, âm vốn chủ sở hữu.

Bộ Công thương cùng từng đánh giá, với tình hình tài chính hiện nay Nhà máy đóng tàu Dung Quất đã lâm vào tình trạng phá sản.

Công ty công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) được thành lập ngày 20/2/2006, là thành viên của Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Năm 2010, nhà máy được chuyển giao về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) quản lý, khai thác. Sau khi chuyển giao về Vinashin, suốt nhiều năm qua nhà máy này vẫn chìm trong thua lỗ, nợ nần và chưa khắc phục được khoản lỗ lũy kế lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Đến cuối năm 2015, PVN vẫn nắm 100% vốn tại công ty này, tương ứng 1.990 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhà máy liên tục thua lỗ khiến PVN phải trích lập dự phòng rủi ro đầu tư 100%.

>> Thoái vốn, cổ phần hóa tại PVN còn nhiều khó khăn

Có thể bạn quan tâm