Nhà sáng lập Phở 24 Lý Quý Trung: “Trong kinh doanh, mất hứng là mất hết”

Hơn 20 năm vật lộn trong lĩnh vực F&B, nếm trải bao nhiêu cú ngã đau đớn sau mỗi lần thất bại, nhà sáng lập phở 24 Lý Quý Trung đã rút ra được nhiều bài học xương máu trên con đường tìm đến thành công
Nhà sáng lập Phở 24 Lý Quý Trung: “Trong kinh doanh, mất hứng là mất hết”

Nhà sáng lập Phở 24 Lý Quý Trung chia sẻ về những kinh nghiệm trong lĩnh vực F&B cho những bạn trẻ bắt đầu khởi nghiệp

Những dấu mốc thất bại đau đớn...

Tại một sự kiện mới đây, khi chia sẻ về những kinh nghiệm trong lĩnh vực F&B cho những bạn trẻ bắt đầu khởi nghiệp, ông Lý Quý Trung - CEO Aka Furniture Group đã “móc ruột gan” tâm sự về những chuỗi ngày vất vả, nếm trải mùi thất bại không dưới 10 lần khi bắt đầu bước chân vào thương trường.

Năm 1996 – 1999, ông Trung khởi nghiệp mô hình quán bar Jazz Club nhưng không thành công do xây dựng mô hình quán bar nhỏ nhưng chi phí đầu tư lớn. “Lúc đó quán cũng đông khách nhưng thu không đủ bù chi. Tiền lãi nhiều nhưng không đủ để trả các chi phí như nhân viên, mặt bằng và cuối cùng phải đóng cửa”, ông Trung nói.

Năm 2007, ông Trung tiếp tục khởi nghiệp với chuỗi Gloria Jeans Coffee nhưng cũng chỉ cầm cự chưa đầy 1 năm và tiếp tục đóng cửa. Lý do là mô hình chỉ bán đồ uống chứ không bán thêm đồ ăn, cộng thêm mô hình kinh doanh thiếu uyển chuyển khi vào Việt Nam đã khiến ông Trung nếm mùi thất bại thêm lần nữa.

Năm 2009, ông tiếp tục bắt đầu mô hình Yagen Fruz và cũng phải bán cổ phần để chạy nợ. Mặc dù món này rất ngon và mới lạ nhưng giá quá cao, cộng thêm việc quán chỉ đông đúng vào thời điểm buổi chiều tối nên không đủ chi trả các khoản.

Một năm sau đó, người đàn ông này cũng mở thêm hai nhà hàng phở tại Singapore nhưng đều phải đóng cửa nhanh chóng do không nghiên cứu kỹ thị trường và nhu cầu của khách hàng. Đặc thù của mặt hàng phở thường chỉ bán được vào buổi sáng hoặc trưa, buổi tối gần như không có khách ăn trong khi đó người chủ phải trả phí mặt bằng và nhân viên cho cả ngày. Đến khi quán hoạt động, ông Trung mới nhận ra buổi tối cần phải bán thêm gì đó để đủ chi phí hoạt động nhưng do mô hình được thiết kế nhỏ hẹp, chỉ phù hợp để nấu phở nên không thể bày vẽ thêm được món gì khác.

Cùng năm 2009, ông Trung khởi nghiệp với quán Viva Saigon nhưng lại thất bại do ham mặt bằng rẻ. Quán nằm trên tầng lầu nên kén khách đến ăn, trong khi đối tượng khách hàng nhắm đến là người giàu có hoặc khách Tây nhưng chủ yếu họ tập trung ở Q.1. Trong khi đó, dân cư  tại Q.7 đa số là khách bình dân nên quán nhanh chóng đóng cửa vì không đủ chi phí hoạt động.

Nhà sáng lập Phở 24 Lý Quý Trung: “Trong kinh doanh, mất hứng là mất hết” ảnh 1

Ông Lý Quý Trung trầm ngâm khi kể về những khó khăn trên con đường khởi nghiệp...

Từ năm 2007 – 2015, ông Trung tiếp tục trải qua ba lần thất bại nữa tại thị trường nước ngoài. Đó là một lần mở nhà hàng Đào Viên tại Thái Lan nhưng chọn sai vị trí nên không thành công như mong đợi. Tiếp đến là nhà hàng Bon Bistrong ở Sydey - Úc được mở vào năm 2015 và cũng đóng cửa sau đó 2 năm. Lần này ông Trung đã chọn đúng vị trí là trường học nhưng lại mở vào mùa hè, học sinh nghỉ hè 4 tháng nên quán vắng hoe và sau đó đóng cửa do lỗ quá nhiều.

Đừng để mất hứng trong kinh doanh

Ông Trung khởi nghiệp từ năm hơn 20 tuổi nhưng phải đến năm 36 tuổi mới bắt đầu có thành công bước đầu. Trên con đường đi hơn 10 năm gian nan ấy, vị doanh nhân trải qua hàng chục lần thất bại đau đớn, tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền bạc. Thậm chí, có lần ông Trung phải bán đi nhà cửa, toàn bộ tài sản của gia đình để trả nợ. Khi nhà hết sạch tiền, ông Trung từng bay qua Úc bán luôn căn nhà mới mua để gom tiền về kinh doanh.

Sự liều lĩnh và vội vàng của vị doanh nhân khiến bà xã không ít lần rơi nước mắt và than phiền rằng, "sao anh cứ suốt ngày mang tiền đi hết”. Thế nhưng, chính niềm đam mê với lĩnh vực F&B đã giúp vị doanh nhân trẻ không bỏ cuộc. Ông Trung cho rằng trong kinh doanh phải luôn giữ được “ngọn lửa đam mê”, đam mê ở đây không chỉ đơn thuần là mình thích lĩnh vực này mà phải thật sự ăn ngủ với nó, luôn nghĩ về nó và phải luôn giữ được “hứng” dù có thất bại bao nhiêu lần đi chăng nữa.

Đau chứ, cái cảm giác phải thuê người gỡ đi từng mảng tường, từng khối gỗ do mình tự lên ý tưởng thiết kế cho nhà hàng, rồi lại còn phải bỏ chi phí rất nhiều cho việc tháo gỡ nó đau đớn lắm. Nhưng tính tôi quên rất nhanh, hôm trước buồn nhưng hôm sau quên sạch để bắt đầu cái mới. Thua keo này, tôi lại bày keo khác, tôi bày cho đến khi nào không thể thất bại nữa thì thôi". 

 - Ông Lý Quý Trung -

Niềm đam mê mãnh liệt với lĩnh vực F&B chính là yếu tố giúp ông Trung chạm đến thành công

Khi được hỏi vì sao có thể vượt qua nhiều cú ngã đau đớn như vậy, ông Trung cho biết chính là niềm đam mê: “Tôi có niềm đam mê vô cùng lớn với lĩnh vực F&B. Tôi luôn nghĩ mình phải làm được, nếu bỏ cuộc có nghĩa là từ bỏ đam mê. Tôi vẫn hay nói với nhân viên của mình rằng, làm F&B chỉ cần mất hứng là mất hết. Tôi thất bại nhiều, cũng từng vài lần mất hứng nhưng sau đó phải tìm lại ngay để còn tiếp tục với hướng đi mới. Tôi không cho phép bản thân từ bỏ cái đam mê vốn đã hình thành từ khi còn rất trẻ. Đam mê giúp tôi giữ được niềm cảm hứng với nghề. Khi bạn có khát khao, có đam mê thì sẽ luôn hăng say với nó”.

Vượt qua thất bại như thế nào?

Từ những thất bại đã trải qua, cha đẻ phở 24 dành những lời khuyên “gan ruột” cho thế hệ trẻ khởi nghiệp ở lĩnh vực F&B.

"Muốn làm F&B, phải có khả năng huy động vốn và khả năng trả nợ nếu thất bại. Nếu muốn khởi nghiệp phải xác định trong tay mình có vốn bao nhiêu, có thể huy động thêm bao nhiêu. Và phải xác định bản thân có khả năng trả nợ hay không rồi hãy bắt tay vào làm.

“Đừng nghĩ thất bại nhiều là thành công mà hãy cố gắng tránh được cái nào hay cái đó. Thất bại nhiều thì nợ càng nhiều, nếu không có khả năng trả nợ thì coi như chấm hết. Nếu chưa có kinh nghiệm thì hãy thực tập trên tiền của người khác trước để tích lũy kinh nghiệm. Và nhớ là phải bình tĩnh để chuẩn bị thật tốt trước khi khởi nghiệp”, ông Trung nhắn nhủ.

"Vị trí quyết định 50% thành công" - trong kinh doanh F&B, vị trí là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Nếu muốn kinh doanh cà phê, nhà hàng thì phải tìm vị trí có sẵn lượng khách hàng cố định như bệnh viện, trường học, bến xe bus… Còn nếu không tìm được vị trí đẹp thì người chủ phải trả lời được câu hỏi “Mặt hàng anh bán có gì đặc biệt, khác những quán đang hoạt động ở điểm nào, lấy gì để hút khách?”.

“Vị trí giúp quyết định 50% khả năng thành công”, ông Trung nhấn mạnh. Nếu một nhà hàng hội đủ các yếu tố như đồ ăn ngon, nhân viên phục vụ chu đáo, thiết kế bắt mắt nhưng không nằm ở vị trí tốt thì không ai biết đến. Chọn vị trí sai cũng là lý do khiến cha đẻ của Phở 24 từng thất bại khi mở nhà hàng Đào Viên tại Thái Lan.

Nhà sáng lập Phở 24 Lý Quý Trung: “Trong kinh doanh, mất hứng là mất hết” ảnh 3

Ông Trung khuyên các bạn trẻ cứ mạnh dạn... mắc sai lầm!

“Mắc sai lầm là một điều thú vị. Tôi cứ ngẫm mãi câu nói này của Warren Buffett. Rõ ràng ông ấy là một doanh nhân tài giỏi nhưng sẵn sàng cho phép mình mắc sai lầm. Warren Buffett từng đánh giá thấp Google và Amazon, cho rằng 2 đơn vị này sẽ phá sản trong tương lai gần nên không đầu tư. Rõ ràng, một tỷ phú như  Warren Buffett vẫn có lúc mắc sai lầm khó tin như vậy thì tại sao tôi lại không?”, ông Trung chia sẻ.

"Các bạn trẻ mới khởi nghiệp hãy cứ để bản thân mắc sai lầm, nhưng phải nhớ được mình sai ở đâu để mà thấm. Thất bại giúp ta khắc cốt ghi tâm để thành công nhưng đừng quá lệ thuộc vào nó”, CEO Aka cho lời khuyên.

Có thể bạn quan tâm