Nhật ký chống dịch Covid-19: Khi hơi thở hóa thinh không

Chứng kiến những khó khăn vất vả để giành giật sự sống cho bệnh nhân không phải để chúng ta sợ hãi mà chúng ta có thể nhận ra cuộc sống này đáng giá và đáng quý đến nhường nào, chúng ta biết cách sẽ phải sống như thế nào…

Tôi xin được lấy tựa đề “Khi hơi thở hóa thinh không”, cuốn hồi ký nổi tiếng của bác sỹ Paul Kalanithi để viết về bạn bè tôi, những tình nguyện viên đang làm nhiệm vụ tài trợ, chuyên chở ô xy cung cấp cho các bệnh viện khắp TP. Hồ Chí Minh cũng như trao tận tay người bệnh F0 trở nặng tại nhà.

Căn bệnh ung thư phổi ập đến không một thông báo như dập tắt hết tất cả dự định của bác sỹ Paul Kalanithi. Nhưng cách mà anh đối diện với cái chết làm cho ai trong mỗi chúng ta đều phải nể phục, bệnh tật không đánh gục tinh thần của anh, nó làm anh trân trọng cuộc sống, trân trọng mỗi ngày trong cuộc đời để làm được những điều ý nghĩa. Được sống là một điều tuyệt vời nhất. Cuộc chạy đua với thời gian để đẩy lùi bệnh tật, để tất cả chúng ta đều được sống là điều giản dị vĩ đại nhất.

Chung tay và hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, ban lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh và Bộ Y tế, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh về việc vận động các nguồn lực xã hội hóa, chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, rất nhiều tổ chức, cá nhân đã cùng nối vòng tay lớn để san sẻ khó khăn cho người dân thành phố nói chung, bệnh nhân nghèo nói riêng và lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Tôi tình cờ được tham gia cùng nhóm “Điều phối ô xy” do doanh nhân Nguyễn Tuấn Anh sáng lập tập hợp những tình nguyện viên đủ mọi ngành nghề từ doanh nhân, kỹ sư, nhân viên kinh doanh, nhà báo... cùng chung một mục tiêu cuộc chạy đua với thời gian nhanh nhất, tăng tốc cung cấp ô-xy, một vấn đề vô cùng thiết yếu cho các bệnh viện trong toàn thành phố. Đặc biệt là các bệnh viện đang điều trị bệnh nhân nặng nhằm đẩy lùi bệnh tật, giành sự sống cho các bệnh nhân.

Thật khó có thể kể hết những khó khăn vất vả mà những tình nguyện viên trong nhóm đã và đang thực hiện. Những thông tin cần gấp mỗi ngày nhóm nhận được càng nhiều. “Dạ, bệnh viên quận 8 đang cần gấp 30 bình ô xy”, “bệnh viện Cần Giuộc cần 20 bình ô xy lớn và 30 bình nhỏ các anh chị ơi”, “Bệnh viện dã chiến thu dung số 11 cầu cứu gấp ô xy ạ”, “nhờ các anh chị chuyển gấp cho bệnh viện Củ Chi 30 chai ô-xy lớn và 10 chai nhỏ để cung cấp thêm cho khu mới 200 giường”…. Nhiều lắm, rất nhiều tin nhắn, cuộc gọi điện từ các y, bác sỹ đến với nhóm mỗi ngày. Và cũng bàng hoàng lắm khi nhận được thông tin số ca tử vong vẫn tăng lên, những bạn bè, người quen thân yêu đã trở bệnh nặng và không may qua đời.

Để rồi nhận tin nhắn, dù sáng sớm hay đêm khuya, mỗi một tình nguyện viên lại nỗ lực hết sức mình để làm sao đó đi tìm nguồn cung cấp, anh em góp tiền lại mua ô xy rồi lại lên đường.

Đi làm thiện nguyện mùa dịch đâu đơn giản. Tự mình vất vả bốc xếp, vận chuyển, tự mình giao hàng thật nhanh, trên đường lại phải dùng mọi kỹ năng để giải thích với các chốt kiểm tra. May mắn là tất cả đều hiểu và giúp đỡ nhóm tình nguyện để hoàn thành tốt công việc ý nghĩa này. Vất vả như vậy, nhưng không thấy thành viên nào trong nhóm than vãn, chỉ thấy mỗi ngày qua đi, mỗi thành viên lại năng nổ làm việc hơn, lại mong muốn có thêm thật nhiều người chung tay nữa để tiếp sức cho lực lượng y tế.

May mắn được chung tay với nhóm, người viết bài này thực sự cảm động với sự nỗ lực của mỗi tình nguyện viên. Cung cấp ô xy, tiếp thêm hơi thở cho bệnh nhân kịp thời, hành động giản dị mà cao cả. Nhiều người cứ nghĩ rằng tiền tài danh vọng mới là tất cả nhưng khi đổ bệnh rồi mới nhận ra sức khỏe và mạng sống mới là yếu tố quan trọng nhất trong cuộc đời. Chỉ khi con người giã từ sự sống để hòa vào vòng tay cõi chết thì chúng ta mới đứng tại lằn ranh đó để nhận ra ý nghĩa cuộc đời, mới vứt bỏ mọi phù phiếm, đi sâu vào nội tâm mình và sống trọn vẹn khi còn có thể.

Mỗi một ngày hòa chung với không khí chống dịch của toàn thành phố, tôi lại ngẫm nghĩ rất nhiều về việc làm sao cho cuộc sống trở nên đáng sống. Là một người cầm bút, tôi muốn ghi lại những cảm nhận trong thời khắc khó khăn này: “Xin cảm ơn các bạn tình nguyện viên, chứng kiến cái chết để chúng tôi học được cách sống”.

Và xin lấy lời của tác giả cuốn hồi ký “Khi hơi thở hóa thinh không” của bác sỹ Paul Kalanithi để kết thúc bài viết: “Ai cũng có khát khao, mơ ước, và không phải ai cũng sống mãi cả. Nếu ngày mai có điều gì đó không hay xảy đến, thì tại sao không bắt tay vào làm những điều ý nghĩa, và mình từng mơ ước ngay từ bây giờ.

Chia sẻ từ nhà báo Hoàng Anh

Có thể bạn quan tâm