Nhiều doanh nghiệp Việt đang mắc kẹt ở thế "dưới các đại gia nhưng trên Start-up"

Các doanh nghiệp này đang phải đối diện với nhiều rủi ro. Nếu không nhanh chân đổi mới - sáng tạo, họ sẽ luôn nằm ở thế dưới các “đại gia” và bị các Start-up vượt mặt.
Nhiều doanh nghiệp Việt đang mắc kẹt ở thế "dưới các đại gia nhưng trên Start-up"

Các chuyên gia thảo luận tại Diễn đàn kinh tế số Việt Nam 2018

Đây là đánh giá của ông Chawapol Jariyawwiroj, GĐ quốc gia, Amazon Web Services (Thái Lan & Việt Nam) tại Diễn đàn kinh tế số Việt Nam 2018 tổ chức sáng nay 1/11 tại TP.HCM.

Sự kiện năm nay mang chủ đề “Thách thức và giải pháp chiến lược cho DN vừa và nhỏ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” do Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), cụ thể là mạng lưới chuyên gia Kinh tế số Việt Nam (VDE) phối hợp cùng công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) và Viện nghiên cứu phát triển TP (HIDS) tổ chức dưới sự chỉ đạo của UBND TP.HCM.

Nhiều chuyên gia đánh giá, thế mạnh công nghệ hiện nay chắc chắn sẽ giúp cho các DN khởi nghiệp tư nhân giành lợi thế trên các lĩnh vực công nghiệp truyền thống. Chính những xu thế này đã tạo ra những thay đổi quan trọng trong chuỗi giá trị các ngành công nghiệp cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, đánh giá mặt bằng chung của các DN Việt Nam, ông Chawapol Jariyawwiroj, GĐ quốc gia, Amazon Web Services (Thái Lan & Việt Nam) cho hay, DN Việt Nam đang nằm ở vị thế khá đặc biệt, dưới các DN “đại gia” nhưng trên “Start-up”. Chính vì thế mà họ phải đối diện với nhiều rủi ro và nếu không nhanh chân hơn nữa sẽ bị mắc kẹt, bị các start-up sẽ vượt mặt và có khi  dẫn đến thất bại.

“Các DN Việt Nam cần đổi mới sáng tạo nhanh, thay đổi mô hình kinh doanh, tận dụng những công nghệ, phải nhìn nhận thế cuộc để có sự lựa chọn phù hợp, bằng mọi cách phải nâng cao đổi mới – sáng tạo”, ông Chawapol nhấn mạnh.

Các nhà nghiên cứu tại đại học Oxford và tập đoàn tư vấn McKinsey đưa ra dự báo về việc 50% công việc tại các nước phát triển sẽ được thay thế bởi các quy trình tự động hóa trong 15 năm tới.

Tỷ lệ này cao hơn các nước đang phát triển như Việt Nam, vì giá trị gia tăng của lực lượng lao động trong nước là rất thấp so với mức tung bình của thế giới. Do đó, nhu cầu đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số ngày càng trở nên cấp bách.

Mô hình kinh tế số đang trở thành xu hướng sống động, đòi hỏi các tổ chức, DN và mô trình truyền thống phải có những thay đổi mạnh mẽ để tiếp tục tồn tại và phát triển trong bối cảnh ngày nay.

Chia sẻ kinh nghiệm từ nước Pháp, ông Vũ Ngọc Anh, sáng lập viên của Diễn đàn kinh tế số Việt Nam dẫn chứng, từ một hệ thống kinh tế tập trung đầu tư vào các tập đoàn công nghiệp và dịch vụ liên quốc gia, Chính phủ Pháp và các đô thị lớn như Paris, Lyon, Lille đã mạnh dạn thí điểm triển khai các sáng kiến và dự án về luật, đầu tư, công nghệ, quản lý đổi mới sáng tạo, hướng đến việc đưa các DN vừa và nhỏ thành động lực phát triển của nền kinh tế Pháp trong quá trình phát triển kinh tế số.

Còn ông Vũ Minh Trí, Phó Chủ tịch mảng Dịch vụ Điện toán đám mây - VNG, thì cho rằng, phải đảm bảo các DN thay đổi từ bên trong lẫn bên ngoài, nếu cả hai không đồng nhất sẽ gây khó khăn trong việc phát triển của DN.

Nhiều công ty nhận biết khách hàng mình ở đâu trên mạng xã hội với nhiều cách tiếp cận khác nhau, cả hệ thống giao hàng họ cũng mua để tiện lợi hơn trong việc di chuyển các đơn hàng nhằm giảm chi phí và đôi khi là ứng dụng hoàn toàn trí tuệ nhân tạo (AI)... càng ngày doanh số sẽ tăng lên theo cấp số nhân, có những shop mặc dù có quy mô nhỏ nhưng doanh thu hàng tỷ đồng là chuyện bình thường.

Ông Ludovic Bodin, Đại sứ đầu tư quốc tế, France AI nhận định, công nghệ trí tuệ nhân tạo đang thay đổi sâu sắc đến cách xã hội vận hành cũng như vận mệnh của các DN. Do đó, cần có chiến lược phát triển tổng thể và đồng nhất giữa các cơ quan hoạch định chính sách, các tổ chức nghiên cứu, các quỹ đầu tư công nghệ cũng như các DN lớn, vừa và nhỏ ứng dụng dữ liệu và công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Có thể bạn quan tâm