Những cổ phiếu nào hưởng lợi từ giá dầu giảm?

Theo đánh giá của Chứng khoán BIDV (BSC), ngành vận tải, săm lốp, điện, nhựa sẽ được hưởng lợi , ngành phân bón trung lập và ngành dầu khí sẽ chịu tác động tiêu cực từ việc giá dầu giảm.
Những cổ phiếu nào hưởng lợi từ giá dầu giảm?

Mới đây, BSC vừa đưa ra báo cáo đánh giá tác động sụt giảm của giá dầu lên nhóm ngành cổ phiếu. Theo công ty chứng khoán này, bất đồng trong việc cắt giảm sản lượng giữa nhóm OPEC+, đặc biệt là giữa Saudi Arabia và Nga đã đẩy giá dầu xuống mức thấp tương tự đợt khủng hoảng năm 2008.

Dự báo của các tổ chức lớn trên Thế giới cho biết giá dầu sẽ giảm mạnh trong quý II và hồi phục vào quý III, quý IV. Sau sự kiện đàm phán thất bại giữa OPEC và Nga, giá dầu thô được dự đoán nằm trong khoảng từ 32-44,8 USD/thùng.

BSC nhận định, với ngành vận tải, giá xăng Jet A1 và dầu DO/FO để vận hành máy bay và tàu biển có tương quan thuận chiều với giá dầu thô. Theo ước tính, chi phí nhiên liệu chiếm 30 - 50% giá vốn của các doanh nghiệp vận tải 2 loại hình này.

Có thể kể đến nhóm vận tải hàng không gồm Vietnam Airlines (mã: HVN), Vietjet Air (mã: VJC) và CTCP Vận tải và Thuê tàu (mã: VFR), Tàu cao tốc Superdong – Kiên Giang (mã: SKG) khi giá nhiên liệu chiếm tới 30%-40% chi phí đầu vào của doanh nghiệp nên giá dầu giảm sẽ có tác động tích cực đến biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, dịch bệnh và cạnh tranh tạo áp lực lớn lên giá vé/giá cước, làm biên lợi nhuận tăng chậm hơn so với tốc độ giảm của giá nhiên liệu. Còn đối với doanh nghiệp vận tải biển hàng lỏng như PV Trans (mã: PVT) sẽ có tác động 2 chiều.

Theo đó, giá nhiên liệu giảm khiến giá vốn giảm nhưng các tàu quốc tế ký hợp đồng định hạn T/C nên giá cước cho thuê tàu sẽ diễn biến thuận chiều với giá nhiên liệu. Bên cạnh đó, giá dầu giảm cũng khiến mảng dịch vụ vận hành dầu khí đứng trước rủi ro ký lại hợp đồng với giá thấp hơn vào tháng 5/2020.

Với ngành săm lốp, giá dầu giảm khiến giá cao su tổng hợp giảm - sản phẩm thay thế cao su tự nhiên. Đây là 2 nguyên vật liệu đầu vào chính chế tạo săm lốp (cao su tự nhiên - 35% giá vốn, cao su tổng hợp - 11 - 15% giá vốn). Do đó, dự báo giá dầu giảm sẽ có giúp chi phí nguyên vật liệu các doanh nghiệp săm lốp được tiết giảm. Tính đến 11/03/2019, giá cao su đang ở mức 164 JPY/kg, giảm -12% so với trung bình 2019.

Ngành điện cũng được BSC đánh giá tích cực do giá dầu giảm kéo theo giá khí giảm giúp các doanh nghiệp sản xuất điện khí được hưởng lợi. Tuy nhiên BSC cho rằng tác động của giá khí lên lợi nhuận của các doanh nghiệp điện khí không quá lớn với 85% biến động giá nguyên liệu đầu vào được chuyển sang cho EVN, chỉ có 15% sản lượng điện từ việc giá nguyên vật liệu khí thấp.

Ngành nhựa cũng được đánh giá tích cực do hạt nhựa là chế phẩm dầu mỏ, nên có tương quan cao với giá dầu, đặc biệt là với hạt nhựa PE và PP. Đối với PVC, tương quan với giá dầu ở mức trung bình, tuy nhiên nhạy hơn với những đoạn giảm của giá dầu.

Tính từ đầu năm 2020, giá dầu Brent giảm 34,4% YTD, HDPE và PP cũng giảm tương ứng 5%, nhưng PVC tăng 14% YTD. Xét biến động so với cùng kỳ, giá dầu Brent bình quân tính đến 11/3/2020 giảm 7,5% so với cùng kỳ; giá HDPE và PP giảm lần lượt 20% và 30% so với cùng kỳ. Trái lại, PVC trong 3 tháng năm 2020  tăng nhẹ 2,5% so với cùng kỳ.

Ngành phân bón được đánh giá trung lập do giá dầu giảm giúp các doanh nghiệp phân bón được hưởng lợi theo hai hướng: giá khí đầu neo theo giá dầu FO giảm sẽ giảm ngay lập tức và giá xăng dầu giảm giúp chi phí vận chuyển, chi phí bán hàng giảm. Dù vậy, tình trạng hạn nặng và ngập mặn tại Đồng bằng Sông Cửu Long có thể khiến biên lợi nhuận doanh nghiệp khó có thể cải thiện.

Trong khi đó, ngành dầu khí bị đánh giá tiêu cực do việc giá dầu ở mức thấp sẽ có tác động trực tiếp đến ngành, làm giảm đơn giá bán cũng như các nhu cầu dịch vụ dầu khí.

Có thể bạn quan tâm