Nợ xấu đang “đoàn tụ” với ngân hàng

Đến nay, đã có 8 thành viên trong hệ thống các ngân hàng xóa sạch số dư nợ xấu từng bán lại cho VAMC giai đoạn trước đây.
Nợ xấu đang “đoàn tụ” với ngân hàng

Ngày 17/12, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước thông báo việc Kienlongbank đã tất toán trước hạn toàn bộ trái phiếu VAMC. Trước đó, tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2019, Kienlongbank đặt mục tiêu tất toán toàn bộ trái phiếu đặc biệt VAMC trước ngày 31/12.

Tại thời điểm 31/12/2018, Kienlongbank ghi nhận còn 153 tỷ đồng trái phiếu VAMC, trong đó đã trích lập dự phòng 94 tỷ đồng. Sau khi tất toán trước hạn toàn bộ trái phiếu VAMC, Kienlongbank sẽ không phải trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC kể từ ngày 1/1/2020, qua đó góp phần gia tăng lợi nhuận cho ngân hàng trong thời gian sắp tới.

Trước Kienlongbank, Vietcombank, VIB, Techcombank, TPBank, MB, OCB, Nam A Bank cũng là những ngân hàng đã tất toán trước hạn các khoản nợ xấu tại VAMC.

Ngoài ra, theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của BIDV, ngân hàng này cho biết sẽ tăng cường các biện pháp thu hồi nợ tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu nội bảng, nợ ngoại bảng, nợ đã bán cho VAMC và tất toán toàn bộ số trái phiếu VAMC trong năm nay.

Kết thúc 2019, hệ thống ngân hàng Việt Nam bước sang năm 2020 với những mốc hẹn đáng chú ý. Bên cạnh yêu cầu tuân thủ vốn theo Basel II, lượng lớn nợ xấu bán sang VAMC trước đây có cuộc đoàn tụ để nhận về.

Theo nhận định của một số chuyên gia ngân hàng, việc mua lại nợ xấu đã bán sẽ giúp các ngân hàng có thể chủ động xử lý các khoản nợ xấu này nhanh hơn, nhất là khi hàng loạt quy định về giải pháp xử lý nợ xấu đột phá đã được chính thức ban hành qua Nghị quyết 42 của Quốc hội. Xu hướng này cũng đang tiếp tục lan rộng, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ nợ xấu nội bảng về mức thấp, các ngân hàng có được lợi nhuận khá cao trong những năm qua.

VAMC bắt đầu mua nợ xấu của các ngân hàng từ năm 2013, nhưng phải đến nửa đầu năm 2015 mới thực sự là mùa cao điểm. Khi đó Ngân hàng Nhà nước đặt yêu cầu các thành viên phải đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% trước 30/9/2015. Giải pháp chủ lực khi đó là dồn bán cho VAMC.

Theo cơ chế đã định, nợ bán sang đây và nhận trái phiếu đặc biệt có kỳ hạn 5 năm. Tính từ mốc mùa cao điểm trên, 5 năm đã gần trôi qua, cuộc đoàn tụ lớn của nợ xấu, trở về với các ngân hàng thương mại đã trước mặt.

Được biết, VAMC có kế hoạch thu hồi 50.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2019, phát hành trái phiếu đặc biệt 20.000 tỷ đồng và mua nợ xấu theo giá thị trường 4.500 tỷ đồng. Theo lãnh đạo VAMC, sẽ tiếp tục làm việc với các bộ, ngành có liên quan để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng trong việc mua nợ.

Có thể bạn quan tâm