Nợ xấu ngân hàng (Bài cuối): Cần hành lang pháp lý cao hơn!

Hiện chính sách pháp luật vẫn có nhiều hạn chế nên cần phải hoàn thiện để bảo đảm việc xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng tốt hơn, đồng thời bản thân các ngân hàng cũng phải chủ động trích lập quỹ dự phòng...

Những việc cần làm ngay!

Trước tình hình hiện nay, các chuyên gia đều cảnh báo về việc nợ xấu có nguy cơ bùng phát trở lại do đại dịch COVID-19. Dự báo về tình hình nợ xấu ngân hàng từ nay đến cuối năm, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nếu Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh trong vòng 2 tháng tới, chậm nhất là cuối tháng 10, thì tình hình nợ xấu có thể được cải thiện vào những tháng cuối năm. Các ngân hàng cũng sẽ có một mức lợi nhuận, có thể không bằng năm ngoái nhưng cũng có thể còn tương đối khả quan.

Tuy nhiên, chiều ngược lại nếu đến cuối tháng 10 mà chưa kiểm soát được tình hình của ngành ngân hàng sẽ rất khó khăn. Nhưng khó khăn đến mức độ nào thì có lẽ chúng ta chưa thể biết được. Các doanh nghiệp, khách hàng cá nhân trong trường hợp bị đóng băng sẽ không có tiền trả nợ, nợ xấu sẽ tăng lên rất nhanh. Tình hình nợ xấu sẽ trở nên rất nghiêm trọng nên rất có thể sẽ đảo ngược tình hình lợi nhuận. Các ngân hàng báo lãi có thể bị đảo ngược trở lại báo lỗ, ngay cả khi ngân hàng báo lãi nhưng lỗ thực tế cũng sẽ xảy ra nếu không kiểm soát dịch bệnh.

Các ngân hàng phải chủ động trích lập quỹ dự phòng
Các ngân hàng phải chủ động trích lập quỹ dự phòng

Trước tình hình đó Phó Giáo sư – Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh khuyến cáo trong thời gian tới các ngân hàng phải phải chủ động trong việc trích lập quỹ dự phòng rủi ro, đây là một việc hết sức quan trọng. Nhưng trước hết, ngân hàng phải tìm được những khoản nợ và xem xét đánh giá khả năng tái cấu trúc những khoản nợ đó.

Theo PGS - TS Thịnh, theo quy định tại Thông tư 03, các ngân hàng chỉ được phép tái cấu trúc các khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát lại kể từ cuối tháng 4 đến nay và chưa có dấu hiệu dừng lại, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng lại không đáp ứng được điều kiện để tái cấu trúc khoản nợ. Đặc biệt, đối với các khoản nợ giải ngân từ ngày 10/6/2020 rất nhiều khả năng bị chuyển thành nợ xấu.

Bên cạnh đó, theo quy định hiện nay lộ trình trích lập quỹ dự phòng rủ ro là 3 năm. Tuy nhiên, với thời hạn 3 năm như hiện nay theo vị chuyên gia này sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh cũng như những hoạt động trên hệ thống ngân hàng, vì chi phí cho trích lập dự phòng hàng năm sẽ rất lớn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các ngân hàng.

Chính vì vậy, ông Thịnh đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước và Ngân hàng Nhà nước cần xem xét kéo dài thời gian tái cấu trúc đối với các khoản vay ít nhất đến giữa năm 2022 để mở rộng đối tượng. Đồng thời nâng thời hạn trích lập quỹ phòng rủi ro lên 5 năm thay vì 3 năm như hiện tại.

Tình hình từ nay cho đến cuối năm vẫn chưa thấy “ánh sáng cuối dường hầm” nên theo Tiến sỹ Hiếu tất cả những biệp pháp đang thực hiện (từ khoản nợ, giãn nợ, giảm lãi…) đều là chưa đủ. Giải pháp duy nhất để ngành ngân hàng vừa đồng hành, hỗ trợ được doanh nghiệp, nhưng cũng vừa hạn chế được rủi ro, kiểm soát được tình hình nợ xấu không bùng phát đó chính là tất cả hệ thống ngân hàng phải thành lập ra một tổ hợp tín dụng có hạn mức lên đến 300.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay từ 3 -5%/năm. Tất cả các ngân hàng nội, ngoại có mặt ở Việt Nam đều phải tham gia với mức trung bình từ 3 - 3,5%/tổng dư nợ của mỗi ngân hàng.

Tổ hợp tín dụng này phải do Ngân hàng Nhà nước đứng ra làm đầu mối. Ngân hàng Nhà nước phải cùng các ngân hàng xây dựng bộ tiêu chí phù hợp để thẩm định khả năng trả nợ của doanh nghiệp vay vốn, giúp các doanh nghiệp còn đủ sức tồn tại, có thể phục hồi sau dịch bệnh và có thể đóng góp được cho đất nước sau dịch bệnh, Tiến sỹ Hiếu nói.

Công cụ quan trọng để hạn chế rủi ro cho ngân hàng là cơ chế bảo lãnh tín dụng. Chính phủ đã có Quyết định 34/2018/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng trong đó chỉ mới đề cập đến quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương. Cần phải có quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia và có vốn điều lệ lớn đủ để bảo lãnh cho tất cả các ngân hàng tham gia tổ hợp tín dụng.

Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Việc sớm luật hoá Nghị quyết 42 của Quốc hội sẽ giúp các quy định về xử lý nợ xấu có giá trị pháp lý cao hơn
Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Việc sớm luật hoá Nghị quyết 42 của Quốc hội sẽ giúp các quy định về xử lý nợ xấu có giá trị pháp lý cao hơn

Cần hành lang pháp lý cao hơn để xử lý nợ xấu

Trước những lo ngại nợ xấu tăng cao, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến cho dự thảo chính sách xử lý nợ xấu. Ngân hàng Nhà nước cho rằng, trải qua gần 05 năm đi vào thực tiễn, các giải pháp nêu tại Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và góp phần không nhỏ vào kết quả công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên, đây là Nghị quyết thí điểm nên hiệu lực chỉ kéo dài 5 năm, đến ngày 15/8/2022 sẽ hết hiệu lực thi hành. Khi đó, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 đang được thực hiện sẽ chấm dứt, việc xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan, không được ưu tiên áp dụng một số chính sách được quy định tại Nghị quyết 42.

Ngoài ra, trong quá trình triển khai Nghị quyết 42, vẫn còn tồn tại các khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ sở pháp lý cũng như quá trình thực thi. Nguyên nhân của các khó khăn, vướng mắc tập trung ở việc áp dụng pháp luật còn thiếu đồng bộ do có sự khác nhau giữa nội dung Nghị quyết số 42 với pháp luật chuyên ngành.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đề xuất Quốc hội xem xét xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo hướng tiếp tục kế thừa các quy định về xử lý nợ xấu tại Nghị quyết số 42 còn phù hợp đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị quyết số 42 mà thực tiễn triển khai trong thời gian qua gặp khó khăn, vướng mắc.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, việc xây dựng Luật xử lý nợ xấu rất quan trọng đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tuy nhiên, Tiến sỹ Hiếu khuyến nghị cần phải bổ sung rất nhiều điều, cụ thể như bổ sung các quy định trong việc thu hồi nợ, quy định về thành lập cái sàn mua bán nợ, các quy định liên quan hoạch toán nợ… đặc biệt, các quy định về đấu giá, xử lý tài sản đảm bảo phải thông thoáng hơn.

Đồng quan điểm, PGS – TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, các quy định pháp luật đã có tác dụng rất tốt trong việc xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, hiện nay chính sách vẫn có nhiều hạn chế nên cần phải hoàn thiện để bảo đảm việc xử lý nợ xấu nói chung của nền kinh tế và nợ xấu nói riêng của ngành ngân hàng tốt hơn. Vì vậy, việc sớm luật hoá Nghị quyết 42 của Quốc hội sẽ giúp các quy định về xử lý nợ xấu có giá trị pháp lý cao hơn, giúp cho ngành ngân hàng và các cơ quan Nhà nước liên quan phối hợp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.

Đặc biệt các chuyên gia đều cho rằng cần sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng tăng nặng hơn các chế tài đối với tội phạm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và sửa các qui định tố tụng hình sự nhằm giúp các cơ quan tố tụng có biện pháp ngăn chặn , thu hồi dòng tiền thất thoát từ các đại án xảy ra trong ngành ngân hàng!

Có thể bạn quan tâm