Nới room tín dụng: Tiền không dành cho số đông

Cơ quan quản lý và bản thân các chuyên gia đều chung quan điểm rằng, “chiếc áo” tín dụng vừa được nới nên dành cho phân khúc bất động sản giá rẻ và nhà ở xã hội.

Thời gian qua, các doanh nghiệp bất động sản rơi vào trình trạng vô cùng khó khăn. Đây cũng là nhóm doanh nghiệp mong muốn các ngân hàng được nới room nhiều nhất. Bởi lẽ, họ nghĩ rằng, khi các ngân hàng được nới room thì việc tiếp cận vốn tín  dụng sẽ thuận lợi hơn. Song, kênh vốn này chỉ dành cho một phân khúc nhỏ trong ngành bất động sản.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Vừa qua, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã gửi báo cáo tới Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và Uỷ ban nhân dân TP.HCM về một số vướng mắc, khó khăn của thị trường bất động sản. Cụ thể, thị trường bất động sản phát triển chưa ổn định, bền vững do nguồn vốn chưa phát triển đồng bộ, tương xứng. Do doanh nghiệp cần nguồn vốn đầu tư trung, dài hạn, nhưng phụ thuộc quá lớn vào vốn tín dụng, nhất là vốn huy động tiết kiệm ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn nên tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hệ thống tín dụng.

bất động sản
Ảnh minh họa.

Hiệp hội ngành nghề này cũng cho biết thêm, TP.HCM có nhiều dự án treo, phần lớn là các dự án “đầu tư công”, do phụ thuộc vào việc cân đối nguồn vốn của chủ đầu tư, trong đó chủ yếu do vướng mắc về phương án giá bồi thường. Ngoài ra, còn có khoảng 143 dự án bị “vướng mắc pháp lý” chưa thực hiện được hoặc chỉ thực hiện được một phần dự án hoặc phải tạm dừng dự án.

Trước đó, tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản do Văn phòng Chính phủ tổ chức, Bộ Xây dựng cho biết, 9 tháng đầu năm, thị trường bất động sản gặp khó khăn về huy động vốn, khan hiếm về nguồn cung. Nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà công nhân đều ít có nguồn cung mới; lượng giao dịch thành công giảm; giá bất động sản chưa giảm sâu, vẫn neo ở mức cao, người dân vẫn khó tiếp cận nhà ở…

Bên cạnh đó, Bộ xây dựng còn cho biết thêm, việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào bất động sản chưa chặt chẽ, tiềm ẩn rủi ro. Cơ cấu nguồn vốn bất động sản còn hạn chế, nguồn cung vốn trung và dài hạn đang thiếu. Người mua nhà vẫn gặp khó trong tiếp cận nhà ở phù hợp với nhu cầu, vẫn còn tình trạng đầu cơ, găm hàng bất động sản. Thị trường bất động sản còn thiếu công khai, minh bạch do hệ thống thông tin chưa được cập nhật đầy đủ….

Từ các báo cáo trên có thể dễ dàng nhận thấy, vướng mắc lớn nhất của doanh nghiệp bất động sản hiện tại chính là nguồn vốn.

Đưa dòng tiền vào đúng chỗ

Hiện tại, sau nhiều cuộc họp bàn Ngân hàng Nhà nước đã quyết định mở room 1,5-2%. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là: Việc nới room tín dụng này có thực sự là một luồng “oxy” cho doanh nghiệp bất động sản không?

Để trả lời cho câu hỏi trên, Thương gia xin chia sẻ lại lời của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại một buổi họp Chính phủ gần đây: “Chính phủ luôn quan tâm đến lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là lĩnh vực giúp cho người dân có tiền mua nhà ở xã hội cũng như nhà ở phục vụ thực sự cho nhu cầu đời sống của người dân. Từ trước đến nay, Ngân hàng Nhà nước luôn coi đây là một trong những lĩnh vực quan tâm và vẫn chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho những lĩnh vực mua nhà ở xã hội của người dân được khơi thông cũng như có nguồn lực để người dân mua nhà”.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhìn nhận, động thái của ngân hàng, rõ ràng rất tích cực tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, chỉ một phân khúc  và một bộ phận nhỏ doanh nghiệp được hưởng lợi.

bất động sản
ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam.

Bởi lẽ, nếu dòng tiền không được kiểm soát, chạy vào những người đầu cơ sẽ rất lãng phí trong lúc khó khăn. Khi đó, dòng tiền sẽ không kích thích được tính phát triển bền vững của thị trường. Vì vậy, ngân hàng nhà nước cần phải kiểm soát dòng vốn đi trúng và đúng.

Còn việc thế nào đúng và trúng, ông Đính cho rằng, ngân hàng cần quản lý, để nguồn vốn chảy vào những dự án xã hội, phục vụ cho phát triển kinh tế theo hướng bền vững tránh tình trạng ăn xổi ở thì. 

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách đồng bộ, quy định về pháp luật và xem xét tháo gỡ những khó khăn rào cản về vốn, đồng thời, phải có những chính sách phát triển nhiều kênh huy động vốn, không nên chỉ trông chờ vào mỗi tín dụng. Về trái phiếu cần phải xem lại và hoạt động tốt hơn, các dòng vốn  khác như quỹ đầu tư, nhà ở cần được triển khai, doanh nghiệp cũng nên tìm các quỹ từ nước ngoài để mang tính đồng bộ.

“Khi dòng vốn đang khó khăn, hạn chế thì doanh nghiệp cần sử dụng vốn hợp lý, hiệu quả cao hơn. Những dự án không phù hợp, doanh nghiệp cần phải cân nhắc, nên đưa dòng vốn vào phát triển dự án xã hội cần thiết sẽ kích thích được các hoạt động mang tính bền vững. Thực tế, đây cũng là thông điệp của Chính phủ khi quyết định nới room tín dụng vừa qua”, ông Đính nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm