Nữ tướng Vietjet: 'Tôi cảm thấy sức sống của nền kinh tế Việt Nam đang rất dồi dào'

Tổng giám đốc hãng hàng không Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo cho rằng sân bay là nơi mang lại cảm xúc thật nhất về nền kinh tế Việt Nam.
Nữ tướng Vietjet: 'Tôi cảm thấy sức sống của nền kinh tế Việt Nam đang rất dồi dào'

Sau đây là những chia sẻ của nữ tỷ phú tự thân Nguyễn Thị Phương Thảo về vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế Việt Nam tại Diễn đàn kinh doanh 2018 do Forbes tổ chức mới đây.

Bà đánh giá như thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam thời điểm hiện tại?

Câu chuyện chứng khoán của chúng ta đi xuống là theo xu hướng toàn cầu, không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia. Theo đánh giá của tôi, tôi cảm thấy sức sống của nền kinh tế Việt Nam đang rất dồi dào.

Điều đó thể hiện rõ nhất ở các sân bay. Hiện tại, 21 sân bay thương mại ở Việt Nam luôn tấp nập hành khách. Nếu có ai đó nói nhiều sân bay Việt Nam ‘không bao giờ ngủ” cũng chẳng sai! Chỉ mới cách đây 2 năm thôi, các sân bay như Tuy Hòa, Chu Lai dường như ngủ quên. Sân bay có lẽ là nơi mang lại cảm xúc thật nhất về nền kinh tế Việt Nam.

Các con số nghiên cứu chỉ ra, ngành hàng không tăng trưởng 1% tương ứng GDP sẽ tăng 0,4% - 0,5%. Nếu so với thực tế Việt Nam, con số này tương đối chính xác. Ví dụ, trong 6 tháng đầu năm 2018, ngành hàng không Việt Nam tăng trưởng 12% đến 10%, tương ứng GDP tăng gần 7%, một con số rất tích cực. Dự báo trong 6 tháng cuối năm, kinh tế Việt sẽ giữ được vững đã tăng trưởng đó, khoảng 6,8%.

Theo bà, nền kinh tế Việt Nam đang gặp những thách thức và thuận lợi gì?

Tình hình kinh tế của chúng ta đang gặp nhiều thách thức nhưng cũng lắm cơ hội.

Chúng ta chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và biến động tỷ giá, nhưng không nhiều. Việt Nam cũng đã sẵn sàng ứng phó với những tác động đó. Khi thấy đồng Nhân dân tệ đã mất giá, Chính phủ vừa tự điều chỉnh giảm nhẹ VND để kiểm soát tỷ giá một cách có định hướng.

Một vấn đề quan trọng nữa đó là FDI. Hiện tại, nền kinh tế của chúng ta vẫn phụ thuộc rất nhiều vào thành phần FDI. Xu hướng tương lai, các công ty nước ngoài có thể rút khỏi các thị trường mới nổi như Việt Nam để quay về cố quốc. Với robot và những công nghệ tiên tiến trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ Mỹ đang kêu gọi các tập đoàn đa quốc gia của mình hồi hương sản xuất.

Tiếp theo là nguy cơ tụt hậu về mặt công nghệ. Hiện đang có trào lưu và làn sóng áp dụng công nghệ vào công việc quản lý - kinh doanh. Trong ngành ngân hàng, ngoài thanh toán bằng thẻ, còn thanh toán bằng các loại ví điện tử, qua internet. Thế nên, nếu không có sự tham gia tích cực của doanh nhân và doanh nghiệp vào sự chuyển đổi này, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng.

Nhưng, người ta thưởng bảo, trong nguy có cơ. Tốc độ tăng trưởng GDP ấn tượng, sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô là nền tảng vẫn chắc giúp các doanh nghiệp tiến lên phía trước. Đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp tư nhân đầu tư nguồn lực về con người, công nghệ: để không chỉ vượt qua thử thách, mà còn duy trì tăng trưởng. Thành phần kinh tế tư nhân chính là người nắm giữ tương lai tươi sáng của Việt Nam.

Việt Nam có một thị trường tiêu dùng nội địa tuyệt vời, với gần 100 triệu dân, dân số trẻ chiếm đa số, thu nhập bình quân tăng nhanh nhất khu vực ASEAN, chịu chi. Chưa nói đến chuyện xuất khẩu, chỉ cần biết cách khai thác tốt thị trường nội địa, các doanh nghiệp đã sống khỏe.

Trong thời buổi kinh tế có nhiều xáo trộn như thế, Vietjet có sợ hay không?

Chúng tôi không sợ! Vietjet đã trải qua rất nhiều thời điểm còn khó khăn hơn hiện tại, mà chúng tôi vẫn sống sót, nên không việc gì phải sợ.

Theo tôi, những thời điểm như thế này thường phát sinh rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân, vì đây là lúc thị trường được sắp xếp lại. Vietjet và các doanh nghiệp tư nhân có thể tìm được cơ hội trong thời buổi thách thức như thế này.

Để hỗ trợ thành phần tư nhân, theo bà, Chính phủ cần có những hành động cụ thể như thế nào?

Muốn các doanh nghiệp phát huy năng lực đổi mới sáng tạo, cần sự khai thông cơ chế, đổi mới thể chế từ Chính phủ.

Tinh thần tạo ra một Chính phủ kiến tạo, trong sạch dường như chỉ nằm ở chỗ lãnh đạo cấp cao, vẫn chưa lan tỏa theo chiều sâu và rộng đến từng bộ, ngành, cơ sở. Doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa hưởng thụ được những thành quả của chủ trương đổi mới, thông thoáng về cơ chế, thuế hay các chương trình hỗ trợ về nhân lực, vốn, thị trường.

Thủ tướng từng nói, việc nào cho tư nhân làm thì hãy để tư nhân làm. Bản thân tôi thấy, chiến lược này vô cùng đúng đắn.

Sân bay Vân Đồn được doanh nghiệp tư nhân xây dựng hoàn thành trong 2 năm. Nhà ga mới của sân bay Đà Nẵng hay sân bay Cam Ranh cũng được tư nhân xây trong 18 tháng. Trong khi, để dời một cái vách ngăn trong phòng chờ của Vietjet, giúp không gian của hành khách thông thoáng hơn, chúng tôi mất 2 năm chờ đợi.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện tại, công việc Chính phủ giao cho tư nhân vẫn chưa tới tay tư nhân, vẫn chỉ là định hướng ở trên, chưa xuống dưới. Chính phủ cần quyết liệt hơn nữa trong việc cải cách cơ chế, thủ tục hành chính, có những hành động thiết thực hơn nữa giúp đỡ doanh nghiệp.

Quá trình tái cơ cấu ngân hàng cần phải khẩn trương tiến hành, mới có thể tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế, khi họ được đối xử bình đẳng lúc tiếp cận nguồn vốn.

Về phía doanh nghiệp, như Vietjet, thì nên có những bước đi như thế nào để có thể biến nguy thành cơ, thưa bà?

Bản thân khối doanh nghiệp tư nhân cũng phải đổi mới mình, không chỉ thu hút, cải tạo nhân lực trong nước mà cả nước ngoài. Bây giờ là thời đại của nhân sự đa quốc gia.

Doanh nghiệp nên nhanh chóng ứng dụng công nghệ, cải cách quy trình, bước qua thời gian quá độ để thực sự ứng dụng các loại công nghệ vào công việc kinh doanh, đời sống. Doanh nghiệp cần chú ý tới thị trường sản phẩm ngách, nơi vừa có lãi cao mà rủi ro lại thấp; khai thác triệt để thị trường nội địa.

Theo TheLEADER

Có thể bạn quan tâm