Nửa đầu năm, các doanh nghiệp cho thuê KCN tăng trưởng phần lớn nhờ doanh thu tài chính

4/7 doanh nghiệp cho thuê khu công nghiệp có sự tăng trưởng tốt về mặt lợi nhuận. EPS cao nhất thuộc về NTC, còn lại đều dưới 3.000 đồng.
Nửa đầu năm, các doanh nghiệp cho thuê KCN tăng trưởng phần lớn nhờ doanh thu tài chính

Theo báo cáo tài chính soát xét nửa đầu năm, 4/7 doanh nghiệp cho thuê khu công nghiệp có sự tăng trưởng tốt về mặt lợi nhuận, gồm CTCP KCN Nam Tân Uyên (mã: NTC), CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã: ITA), CTCP Khu công nghiệp cao su Bình Long (mã: MH3), CTCP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (mã: D2D).

Còn lại, 3 doanh nghiệp có sự sụt giảm về mặt lợi nhuận gồm Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc (mã: KBC), CTCP Long Hậu (mã: LHG), Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành (mã: SZL).

Nửa đầu năm, các doanh nghiệp cho thuê KCN tăng trưởng phần lớn nhờ doanh thu tài chính ảnh 1
 Đơn vị: tỷ đồng

Về mức độ tăng trưởng, trong 6 tháng đầu năm, NTC tăng 16% doanh thu và 130% lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là doanh nghiệp có mức tăng lợi nhuận cao nhất trong nhóm ngành. Lợi nhuận ghi nhận đột biến từ khoản lãi tiền gửi, lãi cho vay gấp đôi cùng kỳ năm trước, đạt 35 tỷ đồng. Ngoài ra, cổ tức lợi nhuận được chia cũng gấp 2,3 lần, đạt 16,8 tỷ đồng.

Mặc dù doanh thu giảm sâu tới 57% nhưng KBC vẫn là doanh nghiệp có mức lợi nhuận cao nhất trong các doanh nghiệp niêm yết cùng ngành, đạt 413 tỷ đồng, giảm 2% cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân cứu vãn lợi nhuận do trong quý II, KBC bán phần vốn tại Công ty TNHH MTV Phát triển Khách sạn Hoa Sen nên thu về khoản doanh thu tài chính bất thường 373 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn ghi nhận việc cho thuê đất và cơ sở hạ tầng từ KCN Tràng Duệ 2 và KCN Quang Châu.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm mới chỉ là bước khởi đầu cho KBC khi cả năm công ty đặt kế hoạch doanh thu 2.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 850 tỷ đồng. Với con số thực hiện lần lượt 484,3 tỷ đồng và 559,2 tỷ đồng, KBC mới chỉ hoàn thành 17% kế hoạch doanh thu và 57% kế hoạch lợi nhuận.

ITA - từ báo cáo tự lập đến báo cáo soát xét bán niên là một cuộc "lột xác" khá thần thánh. Tại báo cáo tự lập, công ty lãi sau thuế 6 tháng chỉ đạt 26 tỷ đồng, giảm 12% cùng kỳ. Tới báo cáo soát xét, công ty có lãi 37,3 tỷ đồng, tăng 43% so với kết quả tự lập. Từ đó, lãi 6 tháng của ITA tăng 24% cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do giá vốn giảm, chi phí tài chính - chi phí lãi vay giảm so với báo cáo tự lập.

Cùng "cơn sóng" tăng trưởng từ doanh thu tài chính, D2D có doanh thu tài chính gấp 3,6 lần cùng kỳ, ghi nhận từ lãi bán các khoản đầu tư (từ 170 triệu đồng lên 25,2 tỷ đồng). Vì vậy mặc dù doanh thu giảm 3% cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận vẫn tăng 25%.

Duy nhất trong các doanh nghiệp cùng ngành, LHG có doanh thu 6 tháng tăng tới 92% chủ yếu ghi nhận từ doanh thu cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng và doanh thu bán đất nền khu dân cư. Tuy nhiên kỳ kế toán này không phát sinh lãi từ thoái vốn đầu tư vào công ty liên kết như cùng kỳ năm trước (10,8 tỷ đồng) nên doanh thu tài chính giảm, kéo theo lợi nhuận giảm.

MH3 và SZL không phát sinh các khoản thu đột biến mà cốt yếu từ bản thân hoạt động kinh danh chính của doanh nghiệp. MH3 có lợi nhuận tăng 19% cùng kỳ nhưng SZL lại giảm 17%.

  Nửa đầu năm, các doanh nghiệp cho thuê KCN tăng trưởng phần lớn nhờ doanh thu tài chính ảnh 2
Đơn vị: tỷ đồng

Xét trên yếu tố tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu, NTC có kết quả 102%, cao nhất toàn ngành. MH3, KBC là 88% và 85%. Còn lại các doanh nghiệp khác đều dưới 50%. Thấp nhất là LHG với tỷ suất 10%.

Trong các doanh nghiệp này, EPS của NTC cao nhất, đạt 4.668 đồng trong khi ITA chỉ 39 đồng. EPS của KBC cũng không khá khẩm hơn, chỉ 881 đồng. Còn lại, các doanh nghiệp khác đều có EPS dưới 3.000 đồng.

Xét về diễn biến giá, nhóm cổ phiếu các doanh nghiệp cho thuê khu công nghiệp phần lớn đều tăng. Trong 6 tháng qua, MH3 tăng 55%, NTC tăng 38%, SZL tăng 20%, KBC tăng 7%, LHG tăng 6%.

Duy nhất ITA giảm 8% và cũng là cổ phiếu có thị giá thấp nhất, ở khoảng 4.000 đồng/cp (chốt phiên ngày 30/8).

Diễn biến giá cổ phiếu các doanh nghiệp khu công nghiệp trong 6 tháng gần nhất (Nguồn: VND)

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính chung trong 8 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của khu vực đầu tư nước ngoài đạt gần 23,4 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến ngày 20/6, các khu công nghiệp, khu kinh tế trong cả nước thu hút được 473 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới và điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 7,3 tỷ USD, theo báo cáo của Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Một số dự án lớn đăng ký đầu tư trong 6 tháng được kể đến như Dự án sản xuất sợi lốp KVT-1 (tổng vốn đầu tư 220 triệu USD) do Kolon Industries Inc đầu tư tại KCN Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương; Dự án nhà máy sản xuất thép của Tập đoàn Hòa Phát (tổng vốn đầu tư 60.000 tỷ đồng) tại KKT Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi; Dự án mở rộng nhà máy của Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam (tổng mức đầu tư 2,5 tỷ USD) tại KCN Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Theo Khổng Chiêm/NDH 

>> Lãi ròng ITA bất ngờ tăng 42% sau soát xét lên 37 tỷ đồng

Có thể bạn quan tâm