'Ông Bí thư Tỉnh đã quyết không bổ nhiệm thì ai dám trái ý?'

Theo bà Phạm Chi Lan, nếu ông Bí thư Tỉnh mà quyết không để cấp dưới bổ nhiệm người thân trong gia đình của mình làm lãnh đạo thì có ai dám trái ý. Bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh nói về việc ng
'Ông Bí thư Tỉnh đã quyết không bổ nhiệm thì ai dám trái ý?'

Theo bà Phạm Chi Lan, nếu ông Bí thư Tỉnh mà quyết không để cấp dưới bổ nhiệm người thân trong gia đình của mình làm lãnh đạo thì có ai dám trái ý.

Những thông tin về Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang Triệu Tài Vinh và 8 người thân làm quan chức trong tỉnh này đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Đây không phải là trường hợp đầu tiên cũng như hi hữu ở Việt Nam về việc nhiều người trong một gia đình, trong một dòng họ cùng làm quan chức ở tỉnh, thậm chí cùng một huyện. Trong cuộc trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Chi Lan - nguyên Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã có những kiến giải lý thú về việc này. "Chọn người tài chứ không phải chọn người nhà" PV: Bà có suy nghĩ như thế nào về hiện tượng một gia đình có nhiều người cùng làm cán bộ trong tỉnh thậm chí là một huyện như báo chí đa nêu? Bà Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ câu nói của người xưa thì chắc chắn ngày xưa đã xảy ra như vậy rồi nhưng bây giờ dường như nó đang trở lại rất mạnh mẽ. Bằng chứng là người ta nói đến rất nhiều và báo chí cũng đã đưa ra quá nhiều dẫn chứng. Nhiều đến mức, Thủ tướng cũng phải nói là "chọn người tài chứ không phải chọn người nhà". Khi Thủ tướng nói câu ấy thì tôi hiểu rằng tình trạng chọn người nhà đã có nhiều rồi nên ông phải nhắc nhở quan tâm chọn người tài. Còn về chuyện quy trình thì tất cả quy trình đều nằm trong tay những người có quyền quyết định hết mà. Bao giờ chả đúng quy trình. Đúng quy trình thì vẫn có những Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh... Chưa kể đúng quy trình còn có con ông nguyên Bộ trưởng. Đáng lẽ tình trạng diễn ra như vậy thì bản thân những người có quyền quyết định về mặt nhân sự dứt khoát phải rà soát lại toàn bộ quy trình đó, nhất là sau vụ Dương Chí Dũng. Nếu thấy những khâu không đúng thì phải bỏ đi và nhất là phải minh bạch hoá việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ. Xảy ra bao nhiêu chuyện mà rồi vẫn cứ nói ráo hoảnh với nhau là "đúng quy trình" thì nó thành một thứ mà nói như TS Nguyễn Đình Cung đó là sự trơ trẽn. Dùng cụm từ "đúng quy trình" để đổ lỗi cho một hệ thống. Đó là một sự đổ vấy cho cả một hệ thống.
'Ông Bí thư Tỉnh đã quyết không bổ nhiệm thì ai dám trái ý?' ảnh 1
Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang Triệu Tài Vinh (Ảnh: Báo Hà Giang)
PV: Thưa bà, trước đây vua Lê Thánh Tông đã đưa ra Luật Hồi tỵ để tránh việc những người thân bổ nhiệm lẫn nhau trong bộ máy chính quyền, tránh xảy ra việc tham ô... Phải chăng chúng ta cần phải tham khảo biện pháp này? Bà Phạm Chi Lan: Việc phải học người xưa là đúng rồi. Các thời vua xưa đã có không ít việc làm rất hay mà lịch sử còn lưu truyền lại. Rõ ràng những quy định đó có sức sống lâu như thế nào thì mới được truyền tụng, lưu trong dân. Điều đó phải học đã đành rồi, nhưng thực tế ở luật pháp các nước xung quanh có biết bao nhiêu quy định hay mà mình hoàn toàn có thể học được. Suốt từ ngày cải cách đến giờ, không biết bao nhiêu sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để học hỏi xây dựng hệ thống, thể chế như thế nào, các vấn đề về bộ máy hành chính Nhà nước như thế nào... Tất cả đều có hết rồi. Ngay cả việc chống tham nhũng thì các bác bây giờ cũng luôn nói là phải làm thế nào để cho cơ chế không muốn tham nhũng, không thể tham nhũng... Chúng ta làm chưa hiệu quả. Tôi nghĩ rằng, việc học hoàn toàn không khó, vấn đề là có chịu học hay không. Mà ở đây rõ ràng quyền bổ nhiệm cán bộ là quyền của một số ít, chứ không phải số nhiều người. Những người có chức năng cũng hay xem, "soi" lý lịch những cán bộ được bổ nhiệm nên không thể nói là không biết ông này là con của ông kia, là cháu của người khác. Nếu một hệ thống chỉ xem xét tài năng kiểu như kinh doanh thì còn có thể nói là không biết rõ lý lịch... chứ còn tuyển dụng, bổ nhiệm thì họ thừa biết lý lịch của từng người. Vậy mà vẫn có những việc như vậy thì tôi nghĩ đó là sự tự buông lỏng, tự tha cho nhau. Bổ nhiệm người thân thì bản thân cũng khó làm việc PV: Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, ông Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang cũng đã nói rằng, khi những người thân của ông được đề cập đến trong việc bổ nhiệm, ông đã gạt đi. Tuy nhiên, cho đến nay, một số người đó vẫn đang ngồi ở những vị trí như trước đó đã được xem xét. Bà có tin cấp dưới của ông Bí thư Tỉnh Hà Giang đã cố tình không làm đúng tinh thần của Bí thư? Bà Phạm Chi Lan: Tôi không tin thế. Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang thực sự không muốn những người thân của mình được bổ nhiệm thì đã dứt khoát không chấp nhận. Hoặc ông ấy sẽ yêu cầu người thân của mình đi về các tỉnh khác mà ứng cử hoặc làm việc. Trong việc này, nếu Bí thư Tỉnh đã kiên quyết thì có ai dám trái ý? PV: Nếu bà ở vào vị trí người đứng đầu một tỉnh như Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang thì bà ứng xử như thế nào trong trường hợp những người thân của mình được bổ nhiệm? Bà Phạm Chi Lan: Tôi dứt khoát không chấp nhận. Tôi có quyền từ chối chứ. Mà đây là lý do chính đáng: Như vậy tôi sẽ rất khó làm việc mà bản thân người được bổ nhiệm cũng khó làm việc. Cả cơ quan, cả đơn vị cũng khó làm việc. Uy tín của tỉnh uỷ sẽ mất đi chứ không chỉ có uy tín cá nhân tôi. PV: Vẫn giả sử bà là người đứng đầu một tỉnh nhưng nếu những người thân của bà là những người có tài thực sự, có thể đảm đương được công việc ở vị trí cao hơn thì sao, thưa bà? Bà Phạm Chi Lan: Có tài thực sự thì hoàn toàn có thể thi thố tài ở chỗ khác chứ không nhất thiết phải vào các vị trí lãnh đạo ngay trong bộ máy của tôi đứng đầu. Nếu có tài thì người ta đã có thể xông pha đi làm việc ở chỗ khác được. Đất nước rộng lớn chứ đâu chỉ có tỉnh Hà Giang hay chỉ có nơi tôi làm lãnh đạo mà cứ phải bám vào đó? Xin cám ơn bà!

Nguồn: CafeF

Có thể bạn quan tâm