Ông lớn ngân hàng đổ xô huy động vốn trái phiếu

Vietcombank, BIDV, VietinBank và MBBank vừa đồng loạt hoàn tất phát hành lượng lớn trái phiếu, đón mùa kinh doanh cuối năm. Trong 9 tháng trước đó, nhiều ngân hàng cũng đẩy mạnh kênh huy động này.
Ông lớn ngân hàng đổ xô huy động vốn trái phiếu

Rầm rộ các đợt phát hành trái phiếu tháng 10

Liên tiếp các ngày gần đây, nhiều ngân hàng lớn công bố đã hoàn tất phương án các đợt phát hành trái phiếu, trong đó chủ yếu qua hình thức riêng lẻ dưới 100 nhà đầu tư.

Cụ thể, Vietcombank đã có 3 đợt phát hành trong các ngày 23, 26 và 31/10 cho kỳ hạn 6 năm. Ngân hàng này đã huy động được tổng cộng 329,3 tỷ đồng thông qua bán gần 3,3 triệu trái phiếu mệnh giá 100.000 đồng. Lãi suất trả cổ định ở mức 7,475%/năm. Vietcombank hiện đang huy động tiền gửi kỳ hạn 5 năm ở mức khá thấp (6,6%/năm). MBBank cũng huy động vốn trái phiếu dài hạn (5 năm và 10 năm) với khối lượng khá lớn lên đến gần 1.388 tỷ đồng.

Trong khi đó, BIDV và VietinBank huy động lần lượt 3.450 tỷ đồng và 450 tỷ đồng ở kỳ hạn 2 năm. Cách đó hai tuần, VIB cũng đã phát hành 2.200 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm với lãi suất cố định 6,3%/năm.

Không phải tới tháng 10 kênh huy động vốn này mới được chú ý đến. Thống kê tại 28 ngân hàng trong 9 tháng, tổng số vốn huy động qua kênh giấy tờ có giá (GTCG) đến cuối quý III đạt 346.626 tỷ đồng, tăng 34.500 tỷ đồng, tương đương hơn 11% so với đầu năm. Tốc độ này cao hơn nhiều so với tăng trưởng tiền gửi khách hàng (9,75%). Tỷ trọng nguồn vốn từ kênh trên so với tổng vốn huy động từ dân cư tăng từ 5,15% lên 5,9%.

Trước khi huy động thêm 450 tỷ đồng trái phiếu hồi tháng 10, VietinBank đã phát hành GTCG để huy động tổng cộng hơn 18.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ đầu năm, SCB mới là ngân hàng tích cực nhất với 27.525 tỷ đồng.

Số dư nguồn vốn từ phát hành GTCG biến động mạnh tại một số ngân hàng. - NDH tổng hợp

Ở chiều ngược lại, BIDV lại liên tục giảm lượng trái phiếu nắm giữ các quý gần đây. Đến cuối quý III, giá trị GTCG do ngân hàng này phát hành đã giảm hơn 27.500 tỷ đồng. VPBank cũng đã đáo hạn và giám nguồn vốn từ chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu 9.845 tỷ đồng.

Lời giải cho bài toán đảm bảo các tỷ lệ an toàn vốn ngân hàng?

Thực tế, BIDV và VPBank đã tích cực huy động vốn kênh này trước đây nên đến hiện tại hai ngân hàng này vẫn là tổ chức phát hành nhiều GTCG nhất trong hệ thống với số dư hơn 56.000 tỷ đồng. Số dư GTCG do VietinBank phát hành ít hơn, xấp xỉ 41.120 tỷ đồng.

Kênh phát hành GTCG trước hết giải quyết câu chuyện đáp ứng thanh khoản cho ngân hàng, đặc biệt trở nên khá nóng mỗi mùa kinh doanh cuối năm. Ngoài ra, trái phiếu là những nguồn vốn trung và dài hạn hỗ trợ ngân hàng đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn.

Chỉ chưa đầy 2 tháng nữa, nếu kiên định thực hiện như kế hoạch, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tại các ngân hàng sẽ giảm về 40% vào 1/1/2019, từ mức 45% hiện tại. Nếu muốn tiếp tục cho vay các khoản vay dài hạn với biên lợi nhuận cao hơn, bản thân các ngân hàng cũng phải tìm được các nguồn vốn phù hợp để giảm rủi ro kỳ hạn.

Một số ngân hàng như VIB và HDBank đang chuẩn bị cho kế hoạch phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế. HDBank dự kiến phân phối cho dưới 100 nhà đầu tư 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi. VIB phát hành và dự kiến niêm yết trên sàn trên sàn chứng khoán cả trong trong và ngoài nước sau đó với giá trị 200 triệu USD tương đương 4.500 tỷ đồng. Các kế hoạch này mở ra hi vọng về huy động nguồn vốn trái phiếu từ các nhà đầu tư nước ngoài mà mới chỉ một số ít tổ chức tại Việt Nam như Vingroup, VietinBank... làm được.

Theo Ngọc Linh/Người đồng hành

Có thể bạn quan tâm