Ông Nguyễn Duy Hưng: Năm 2018 nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng bền vững

Những thương vụ tỷ đô được thực hiện năm 2017 chứng tỏ thị trường thực sự đã có thể đảm nhận trọng trách huy động vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp. Các tổ chức tài chính, nhà đầu tư đã có đủ
Ông Nguyễn Duy Hưng: Năm 2018 nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng bền vững

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI

Năm 2017 qua đi với nhiều mốc son đáng nhớ của nền kinh tế Việt Nam khi nhiều kỷ lục được xác lập mức cao nhất trong một thập kỷ qua: tăng trưởng GDP đạt 6,81% vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 17,5 tỷ USD, lần đầu tiên trong lịch sử kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vượt 400 tỷ USD và xuất siêu 2,67 tỷ USD, dự trữ ngoại hối cao kỷ lục hơn 51,5 tỷ USD, những đợt bán vốn nhà nước quy mô lớn đều thành công vượt kỳ vọng...

Được sự hậu thuẫn vững chắc từ các yếu tố nội tại của nền kinh tế, năm qua VN-Index "tăng một mạch" gần 320 điểm (+48%) lên 984 điểm, trở thành một trong 3 thị trường tăng mạnh nhất thế giới.

Tuy nhiên, sự hưng phấn này liệu còn kéo dài và điều gì sẽ chờ đợi các nhà đầu tư trong năm 2018. Trước thềm năm mới, chúng tôi đã có buổi phỏng vấn ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI về triển vọng kinh tế vĩ mô và TTCK 2018.

Cú hích từ kinh tế vĩ mô

Kinh tế vĩ mô Việt Nam đã đạt được những con số vượt kỳ vọng của hầu hết giới phân tích, đầu tư. Theo ông, sức khoẻ của nền kinh tế Việt Nam có thực sự tốt như những con số đã công bố?

Ông Nguyễn Duy Hưng: Chủ trương của Chính phủ hướng tới một môi trường minh bạch bình đẳng cho các thành phần kinh tế đã tạo ra những hiệu ứng tích cực năm 2017 và tạo tiền đề phát triển bền vững cho những năm tiếp theo. Sự cam kết chính sách chính là yếu tố cốt lõi tác động tốt tới những kết quả ấn tượng năm qua, không chỉ đạt, vượt mức các chỉ tiêu tăng trưởng mà chất lượng tăng trưởng cũng đã được cải thiện đáng kể: tăng trưởng đến từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và nông nghiệp trong khi khai thác dầu giảm, giải ngân đầu tư công không đạt kế hoạch, trái phiếu Chính phủ huy động không đủ chỉ tiêu, tuy nhiên chỉ tiêu thu ngân sách vẫn vượt kế hoạch.

Những năm 60 của thế kỷ trước Hong Kong trở lên thịnh vượng khi dựa trên chính sách bàn tay vô hình của Adam Smith, Chính phủ không can thiệp mà để các thành phần kinh tế tự do phát triển. Rõ ràng nguyên tắc hiện nay “Chính phủ tập trung định hướng nguồn lực qua chính sách chứ không huy động và phân bổ nguồn lực, để các thành phần kinh tế tự huy động và phân bổ nguồn lực”. Đây chính là một cách diễn đạt khác của tư tưởng “bàn tay vô hình”, để kinh tế tự do phát triển, các thành phần kinh tế tự do cạnh tranh. Nguyên lý hoạt động mới của Chính phủ đã tác động tích cực, đó là điều không thể phủ nhận.

"Nguyên lý hoạt động mới của Chính phủ đã tác động tích cực, đó là điều không thể phủ nhận."

Ông kỳ vọng gì vào nền kinh tế năm 2018? Năm 2018 Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, ông có cho rằng mục tiêu này quá dè dặt khi năm vừa qua chúng ta đã vượt 6,8%?

Mục tiêu tăng trưởng đặt ra phải trên cơ sở thực tiễn, cần rà soát từng yếu tố cấu thành, các yếu tố tạo ra tăng trưởng, không thể nào chỉ dựa vào con số năm nay rồi đưa ra một con số lớn hơn cho năm sau được. Con số tăng trưởng đạt được sẽ là hệ quả của việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nguyên tắc cải cách năm qua chứ không thể duy ý chí mục tiêu năm nay phải cao hơn năm ngoái. Chính phủ vẫn duy trì được tăng trưởng GDP 6,7% thì đó đã là câu chuyện thần kỳ, điều quan trọng là phải tiếp tục cải thiện chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả đầu tư cũng như năng suất lao động của nền kinh tế.

Cú hích trên TTCK

Là người gắn bó và góp phần xây dựng TTCK từ những viên gạch đầu tiên, ông nghĩ thế nào về mức tăng “thứ 3 thế giới” của thị trường chứng khoán VN năm qua?

Thành công của TTCK 2017 vượt kỳ vọng của tất cả các đối tượng tham gia thị trường. Đầu năm không ai nghĩ rằng thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế nói chung có thể tăng trưởng tốt như vậy.

Là người tham gia thị trường nhiều năm, tôi nhìn thành công không đơn thuần chỉ là đà tăng của các chỉ số chứng khoán. Với tôi, thị trường chứng khoán quan trọng nhất là có thể huy động được vốn cho nền kinh tế, những thương vụ tỷ đô la được thực hiện trong năm qua chứng tỏ thị trường thực sự đã có thể đảm nhận trọng trách huy động vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính, nhà đầu tư đã có đủ niềm tin sẵn sàng đầu tư những khoản tiền lớn. Việc mà Chính phủ cần làm là giữ niềm tin của nhà đầu tư, khi có vốn có niềm tin thì nền kinh tế sẽ phát triển, TTCK sẽ rất tốt.

Theo ông, nguyên nhân gì đã giúp TTCK sôi động như vậy?

Điều quan trọng là nền kinh tế đang hướng tới sự minh bạch và tạo mặt bằng cạnh tranh bình đẳng giữa các Doanh nghiệp. Bên cạnh đó việc ban hành các quy chế giám sát giúp thị trường minh bạch hơn cũng như tạo điều kiện bình đẳng cho các thành phần tham gia thị trường.

Chúng ta đang hướng tới những nguyên tắc của nền kinh tế thị trường thực sự và sự minh bạch của nền kinh tế. Chính điều đó giúp kinh tế phát triển và qua đó giúp TTCK thăng hoa trong năm vừa qua.

Theo ông điểm tích cực của các đợt thoái vốn tại các doanh nghiệp lớn như Sabeco, Vinamilk trong năm qua là gì?

Thứ nhất là các cuộc đấu giá được nhiều người quan tâm, những thứ chúng ta bán được thì bán giá cao hơn kỳ vọng ban đầu, ở đây không xét chuyện đắt rẻ mà là vượt kỳ vọng. Đó là một trong những yếu tố quan trọng nhất để thoái vốn năm vừa rồi. Đạt được điều đó vì chúng ta đã hướng đến nhu cầu của thị trường: bán cái người ta cần thì sẽ được trả giá cao hơn.

Với thương vụ VNM, tổ chức tư vấn và các thành viên tham gia đã có những bước triển khai tốt, minh bạch thông tin để nhà đầu tư tiếp cận và có đủ thời gian nghiên cứu định giá theo mục tiêu của họ.

Với Sabeco, chúng ta nên hiểu nhà đầu tư không đầu tư mua cổ phiếu mà là mua doanh nghiệp. DN đứng đầu chiếm gần 50% thị phần của thị trường bia của Quốc gia uống bia thuộc top3 thế giới thì giá mua chắc chắn phải phải cao hơn nhiều so với mua bán cổ phiếu.

TTCK không chỉ là nơi kiếm tiền mà phải là nơi giữ tài sản

TTCK 2018 theo đánh giá của ông sẽ như thế nào? Ông có đề xuất gì xây dựng thị trường?

Thực sự tôi không thích nói về VN-Index sẽ tăng bao nhiêu điểm, con số đó không có ý nghĩa bởi chất lượng minh bạch của các công ty niêm yết không giống nhau sẽ có những cổ phiếu tác động đến tăng giảm của VNindex nhưng không đại diện cho TTCK. Tuy nhiên TTCK là phong vũ biểu của nền kinh tế, TTCK chỉ tốt khi nền kinh tế tốt. Năm 2018 nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng bền vững, quy mô thị trường và thanh khoản sẽ tăng mạnh.

Như đã nói ở trên để TTCK phát triển thì yếu tố đầu tiên là minh bạch. Thị trường minh bạch mới hấp dẫn được nhà đầu tư, bởi người mua là mua tương lai, đặt niềm tin vào tương lai cho nên nhà đầu tư phải là người được bảo vệ cao nhất.

Mục tiêu TTCK là huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Minh bạch, bình đẳng, tuân thủ quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp để nhà đầu tư nhìn nhận TTCK không chỉ là nơi kiếm tiền mà phải là nơi giữ tài sản cho nhà đầu tư, là một địa chỉ tin cậy để người dân lựa chọn cất giữ tài sản thay vì gửi tiết kiệm, mua vàng mua ngoại tệ hay nhà đất.

Như vậy, cơ hội cho các nhà đầu tư năm 2018 là gì thưa ông?

Cơ hội TTCK phát triển là cơ hội cho tổ chức phát hành, cơ hội cho quỹ đầu tư và NĐT chiến lược, và cả NĐT nhỏ lẻ. Năm 2018 kinh tế sẽ phát triển tốt hơn, ổn định hơn 2017 – năm chuyển giao của nguyên tắc hoạt động mới. TTCK không sinh ra tiền, mà là nơi chắp nối vốn đầu tư. Sẽ có người thua lỗ, có người thành công, phụ thuộc vào dự đoán của từng người. Một số ngành triển vọng trong năm tới là ngành hàng tiêu dùng, xây dựng, hạ tầng, công ty quản lý tài chính….

Năm 2017 chúng ta chứng kiến dòng vốn nước ngoài kỷ lục đổ vào TTCK Việt Nam. Ông dự báo thế nào về sức mua của khối ngoại trong năm 2018, khi Việt Nam đang bán đi khá nhiều doanh nghiệp đầu ngành cho nhà đầu tư nước ngoài?

Dòng vốn nước ngoài vào TTCK VN tăng đột biến năm vừa qua chứng tỏ các nhà đầu tư nước ngoài đã nhìn nhận Việt Nam là địa chỉ tin cậy tức là người ta tin vào sự phát triển của nền kinh tế nước ta, tin vào tiềm năng phát triển của quốc gia gần 100 triệu dân có xuất phát điểm thấp và có nhiều dư địa tăng trưởng. Các năm trước nhà đầu tư nước ngoài chưa vào do thị trường chưa đủ độ cởi mở. Để kinh doanh họ cần nhất là thị trường, là nguồn nhân lực - đây là thứ mà chúng ta có sẵn còn vốn hay công nghệ là những thứ họ có sẵn hoặc có thể huy động được.

Việc thoái vốn khỏi các doanh nghiệp đầu ngành, theo tôi điều đó tuỳ thuộc vào mục tiêu của Chính phủ. Nếu Chính phủ đang cần tiền vào việc cấp thiết thì bán, và bán sao được giá nhất. Hay nói cách khác là phải cân nhắc bán để dùng tiền làm gì? Nếu bán vì nghĩ đang bán được giá thì không nên bán, vì hôm nay chúng ta nghĩ cổ phiếu này đắt nhưng 5 năm sau sẽ lại là rất rẻ. Còn đã quyết định bán thì phải công khai minh bạch và có thời gian để các tổ chức tư vấn chuyên nghiệp tìm kiếm nhà đầu tư cũng như nhiều nhà đầu tư có thể tiếp cận được thông tin. Thị trường tài chính thế giới luôn luôn có đủ tiền, vấn đề là làm sao để thứ chúng ta muốn bán phải là thứ mà người ta cần mua.

Chúng ta đừng nghĩ cụ thể về VNM, SAB, cuộc sống này không chỉ có 2 doanh nghiệp ấy. Cách đây 10 năm doanh nghiệp lớn nhất ngành viễn thông là VNPT, doanh nghiệp tốt nhất là PVN, ngân hàng lớn nhất là BIDV... Các cái tốt đều mang tính thời điểm. Khi chúng ta mở cửa, chấp nhận hội nhập thì mọi thành phần kinh tế phải được bình đẳng, chỉ bình đẳng mới phát triển. Nhà nước có thể kiểm soát bằng thuế. Hãy nhìn SSI, HPG, VNM... giống như Samsung, như Kim Eng... tất cả hoạt động bình đẳng trên một mặt bằng. 

PE hiện nay trên TTCK Việt Nam đã lên 18, điều này đồng nghĩa với việc TTCK Việt Nam không còn rẻ so với các nước trong khu vực, theo ông liệu chúng ta còn hấp dẫn NĐT nước ngoài trong năm tới?

PE của ta là PE trung bình, trong đó có nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn hiện có PE cao một cách phi lý. Thật sự khi nhà đầu tư nước ngoài mua xong 53% SAB thì ý nghĩa niêm yết của SAB không còn nhiều, SAB đã thành công ty con của Thái Lan. Nếu loại bỏ các công ty không mang tính thị trường có PE rất cao thì PE của VN vẫn thấp hơn nhiều thị trường xung quanh.

Khi Nhà nước chủ trương thoái vốn, sau khi thay đổi cơ cấu hoạt động thì tính hiệu quả của các công ty hậu thoái vốn sẽ cao hơn, kéo PE xuống. Nhà đầu tư đừng lấy PE làm tham chiếu, PE là mua hiện tại còn người mua chứng khoán là mua tương lai.

Nếu đưa ra một lời nhắn cho nhà đầu tư trước thềm năm mới ông sẽ nhắn nhủ điều gì?

Nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng sẽ phát triển hơn rất nhiều. Nhà đầu tư hãy coi thị trường không chỉ là nơi kiếm tiền mà còn là nơi giữ tài sản của mình, vừa sinh lời vừa an toàn giữ tiền.

Tôi luôn khuyên nhà đầu tư nên theo nguyên tắc đầu tư dài hạn, hãy chọn những công ty có tiềm năng tăng trưởng, công ty có chiến lược phát triển dài hạn, bền vững và đặc biệt những người điều hành phải minh bạch. Ngay cả đầu tư ngắn hạn thì cũng nên chọn những cổ phiếu có tính minh bạch cao, thanh khoản tốt.

Ông có thể bật mí về kết quả kinh doanh của SSI trong năm qua và kế hoạch trong năm tới?

Hiện tại chưa có con số cụ thể nhưng lợi nhuận của SSI vượt nhiều so với kế hoạch kinh doanh năm 2017. Tất nhiên khi thị trường bùng nổ, thanh khoản tăng cao cùng với các cơ hội đầu tư rộng mở thì các công ty chứng khoán được hưởng lợi và kinh doanh có kết quả tốt. Năm 2018, SSI có kế hoạch cao hơn năm trước.

Xin cảm ơn ông.

Theo Khổng Chiêm-Hoàng Ly/NDH

>> Cổ phiếu Ngân hàng 2018: Động lực từ các "tân binh"

Có thể bạn quan tâm