Ông Trần Thọ Hiển - Phó Tổng thư ký HBA: "Tôi muốn góp tiếng nói về chuyển đổi số trong doanh nghiệp”

"Ứng cử đại biểu HĐND để ngoài các hoạt động thực hiện chức năng giám sát và đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân tham ý kiến vào cơ chế chính sách, tôi còn mong muốn được đóng góp tiếng nói của mình với vấn đề chuyển đổi số trong doanh nghiệp".
Ông Trần Thọ Hiển - Phó Tổng thư ký HBA: "Tôi muốn góp tiếng nói về chuyển đổi số trong doanh nghiệp”

Đó là khẳng định của ông Trần Thọ Hiển - Phó Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp TP Hà Nội (HBA), Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển Hà Nội khi trao đổi với Thương Gia về lý do ứng cử đại biểu HĐND TP. Hà Nội.

Theo ông Hiển, nếu doanh nghiệp không thích ứng nhanh với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tụt hậu và không thể tồn tại. Do đó ông ứng cử HĐND TP. Hà Nội để ngoài việc tham gia đóng góp ý kiến vào cơ chế, chính sách sao cho nền kinh tế quốc gia phát triển tốt hơn, cạnh tranh quốc tế tốt hơn..., thì điều ông tâm huyết nhất là sẽ tập trung ưu tiên góp tiếng nói của mình đối với vấn đề chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Vì sao ông ứng cử đại biểu HĐND TP. Hà Nội nhiệm kỳ tới? Đó có phải là trách nhiệm của ông trong vai trò đại diện cho hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hà Nội (HBA) để nói lên tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, thưa ông?

Đúng vậy! Tôi ứng cử đại biểu HĐND TP. Hà Nội để được đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như người dân Thủ đô phản ánh trực tiếp nguyện vọng lên HĐND TP.Hà Nội; tham gia đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật, giám sát, quan tâm đến các hoạt động kinh tế và doanh nghiệp, nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong cộng đồng xã hội, góp phần phát triển kinh tế xã hội của thủ đô và của đất nước.

Nếu là đại biểu HĐND TP. Hà Nội, ông sẽ tập trung vào điều gì?

Một trong những chức năng nhiệm vụ quan trọng của đại biểu HĐND là thực hiện việc nghiên cứu cơ chế chính sách theo quy định của pháp luật, chiến lược phát triển kinh tế của thủ đô nói riêng và của đất nước nói chung, cũng như thường xuyên nắm bắt tình hình thực tiễn tại địa phương để thực hiện tốt chức năng giám sát, đóng góp ý kiến vào các vấn đề cử tri quan tâm và bức xúc.

Mặt khác, tôi sẽ tập trung vào việc kiến nghị cũng như đề xuất các giải pháp cho cộng đồng doanh nghiệp “hồi sinh” sau thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, như các biện pháp giúp người lao động không bị mất việc, tạo công việc cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nghiệp cá thể, nhỏ và vừa, đưa dần vào hoạt động kinh tế số bởi đây là nhóm yếu nhất, dễ tổn thương nhất; để hướng đến mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Cùng với đó, tôi cũng sẽ đề xuất giải pháp để khuyến khích doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa sớm tiếp cận và ứng dụng công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bởi đây là một trong những đối tượng chính tham gia, quyết định sự thành công khi nền kinh tế đất nước thực sự bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này.

Một vấn đề rất quan trọng nữa trong vai trò của đại biểu HĐND, đó là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Với cử tri, tôi biết họ có nhiều nguyện vọng muốn gửi gắm, do đó nếu được là đại biểu HĐND thành phố, tôi sẽ dành nhiều thời gian để tìm hiểu và truyền đạt đến các ngành có chức năng liên quan nhằm sớm giải quyết những vướng mắc của họ.

Ông đánh giá ra sao về các hoạt động của HĐND TP. Hà Nội trong nhiệm kỳ vừa qua?

Hoạt động HĐND các cấp thành phố Hà Nội nhiệm kỳ khóa XV, 2016-2021 đã hoàn thành các trọng trách với nhiều dấu ấn quan trọng. Các kỳ họp được tổ chức với nhiều đổi mới theo hướng đi vào thực chất, thiết thực, hiệu quả, phát huy dân chủ, trí tuệ của đại biểu để quyết định những vấn đề quan trọng, trong đó có nhiều kỳ họp chuyên đề để quyết định nội dung phát sinh đột xuất của thành phố.

HĐND thành phố đã ban hành nhiều nghị quyết nhằm thể chế hóa các nhiệm vụ của Trung ương và của thành phố theo đúng thẩm quyền, làm cơ sở pháp lý quan trọng, điều kiện thuận lợi, khả thi để các cấp, các ngành tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó hoạt động giám sát, chất vấn trong nhiệm kỳ vừa qua cũng có nhiều điểm mới, thu hút đông đảo cử tri và nhân dân theo dõi, đánh giá cao.

Đặc biệt công tác tiếp xúc cử tri, tiếp dân, đôn đốc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân được đổi mới theo hướng gần dân, sát dân và đôn đốc giải quyết dứt điểm các vụ việc để tồn đọng, kéo dài... cho thấy trách nhiệm của đại biểu HĐND các cấp thành phố Hà Nội trước cử tri và nhân dân Thủ đô...

Hoạt động giám sát, chất vấn trong nhiệm kỳ này có nhiều điểm mới, thu hút đông đảo cử tri và nhân dân theo dõi, đánh giá cao. Đặc biệt phiên giải trình là hoạt động mới được Luật quy định thực hiện trong nhiệm kỳ này, song đã được Thường trực HĐND Thành phố tổ chức thực hiện rất bài bản, chất lượng, đem lại hiệu quả rõ rệt.

Bám sát sự chỉ đạo của Thành uỷ và yêu cầu của thực tiễn, Thường trực HĐND thành phố đã chủ động, sáng tạo, tham gia trách nhiệm, tích cực vào các hoạt động chung của thành phố.

Đây có thể nói là một thành công lớn trong hoạt động của HĐND thành phố Hà Nội, được cử tri nhân dân Thủ đô ghi nhận, được lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và HĐND các tỉnh, thành phố đánh giá cao, là “điểm sáng”, là “hình mẫu” trong hoạt động của các cơ quan dân cử của cả nước.

Theo ông làm thế nào để HĐND Thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026 phát huy tính hiệu quả hơn nữa?

Bước sang nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND thành phố Hà Nội với phương châm hoạt động “Đổi mới - Sâu sát - Khoa học - Hiệu quả” cần thực hiện tốt việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội.

Ngoài ra, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; phát huy những thành tích đã đạt được để đóng góp hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với vị trí là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương; đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân Thủ đô.

Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm