Phân bón Miền Nam lên phương án xử lý 5 khoản nợ không có khả năng thu hồi trước thềm Vinachem thoái vốn

CTCP Phân bón Miền Nam (mã: SFG) vừa công bố Nghị quyết HĐQT về việc xử lý 5 khoản nợ không có khả năng thu hồi.
Phân bón Miền Nam lên phương án xử lý 5 khoản nợ không có khả năng thu hồi trước thềm Vinachem thoái vốn

Theo đó, tổng nợ không thể thu hồi đợt xử lý này hơn 4 tỷ đồng, gồm hơn 262 triệu từ khách hàng là Công ty TNHH MTV Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ Việt Đức; số tiền hơn 1 tỷ từ Cơ sở kinh doanh phân bón Phạm Văn Ngọ; gần 149 triệu từ ông Phan Ngọc Hùng; hơn 1,6 tỷ tại khách hàng là CTCP Công nông nghiệp Việt Mỹ và hơn 958 triệu đồng từ cá nhân Lê Thị Kim Mỹ.

Công tác xử lý nợ xấu của Phân bón Miền Nam một lần nữa làm rõ nét tình hình kinh doanh kém sắc của DN này thời gian gần đây, cũng như nhóm doanh nghiệp kinh doanh phân bón nói chung.

Trong quý III/2019, Phân bón Miền Nam tiếp tục báo lỗ 4,3 tỷ đồng, nâng khoản lỗ lũy kế 9 tháng lên 8,9 tỷ đồng. Nguyên nhân được Phân bón Miền Nam đưa ra là sản lượng tiêu thụ quý III thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái dẫn đến doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 19%, lợi nhuận gộp giảm 45%.

Trên thị trường, không nằm ngoài xu hướng chung toàn ngành, cổ phiếu SFG liên tục dò đáy. Hiện chỉ còn giao dịch tại mức 6.550 đồng/cp, thấp nhất lịch sử giao dịch.

Ngày 12/12 tới, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) sẽ bán đấu giá 461.516 cổ phần, tương đương 49% vốn của doanh nghiệp, mức giá khởi điểm chào bán lên tới 253.300 đồng/cp.

Nếu thoái vốn thành công ở mức giá này, ước tính Vinachem sẽ thu về gần 117 tỷ đồng, gấp gần 29 lần giá trị đầu tư ban đầu là 4,12 tỷ đồng tính tại thời điểm 30/6/2019 trên báo cáo tài chính Công ty mẹ Vinachem.

Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019 của Vinachem, Phân bón Miền Nam xuất hiện dưới danh nghĩa là 1 trong 11 “công ty liên kết quan trọng”. Khoản đầu tư vào Phân bón Miền Nam được ghi sổ theo phương pháp vốn chủ sở hữu tính đến 30/6/2019 có giá trị 11,3 tỷ đồng, giảm 300 triệu đồng so với đầu năm.

Song, ngoài giá bán cao, điều đáng quan tâm là cho đến thời điểm này, các thông tin liên quan đến việc thoái vốn vẫn rất ít ỏi, khiến thị trường thiếu cơ sở để đánh giá, phân tích giá trị thực tế của doanh nghiệp một cách chính xác.

Có thể bạn quan tâm