Phát triển thương mại quốc tế cho DNNVV: Bệ đỡ từ ngân hàng, cơ quan quản lý

Để tăng cường thương mại quốc tế, đáp ứng yêu cầu của hội nhập, các DN nhỏ và vừa cần sự hỗ trợ tích cực hơn nữa từ ngân hàng, cơ quan quản lý nhà nước.
Phát triển thương mại quốc tế cho DNNVV: Bệ đỡ từ ngân hàng, cơ quan quản lý

DN nhỏ và vừa còn nhiều khó khăn trong việc phát triển thương mại quốc tế. Ảnh: ST.

Chỉ 14% có khách hàng, đối tác nước ngoài

Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu châu Á, tỷ lệ DN nhỏ và vừa Việt Nam tham gia thương mại quốc tế còn thấp so với các nước trong khu vực. Mặc dù chiếm tới gần 98% tổng số DN, nhưng các DN nhỏ và vừa chỉ chiếm trên dưới 20% tổng kim ngạch XK. Tỷ lệ DN nhỏ và vừa Việt Nam tham gia mạng lưới thương mại toàn cầu còn thấp, chỉ chiếm khoảng 21%, trong khi con số này tại Malaysia là 46%... Vì thế, thống kê cho thấy, chỉ có 14% DN nhỏ và vừa Việt Nam có khách hàng, đối tác là DN đầu tư nước ngoài. 65% DN gặp khó khi tiếp cận với các đối tác và nhà đầu tư nước ngoài.

Nguyên nhân được các chuyên gia đưa ra là do các DN gặp nhiều thách thức như: Hạn chế tiếp cận vốn và tài trợ thương mại, thiếu dữ liệu, thiếu kênh bán hàng và thiếu kinh nghiệm giao dịch quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Công ty Cổ phần Dự án công nghệ Nhật Hải (OIC) cho hay, đối với thị trường trong nước, DN có thể làm tốt việc tìm kiếm khách hàng, đại lý để phân phối sản phẩm thực phẩm chức năng của DN và đã được người tiêu dùng đón nhận. Tuy nhiên, khi bước ra thị trường quốc tế, DN lại gặp khó khăn do thiếu thông tin, thiếu kinh nghiệm về cách thức tiếp cận đối tác, chưa đủ hiểu biết về văn hóa, môi trường, thị hiếu của thị trường nước ngoài.

Cùng với những khó khăn thách thức đến từ việc DN khó tìm kiếm, tiếp cận khách hàng, khi bước ra thị trường nước ngoài, các DN còn gặp phải những vấn đề liên quan đến bảo hiểm, ngoại hối, thanh toán, giao dịch, bảo lãnh… Theo các DN, những vấn đề này cần nhiều nguồn tài chính để duy trì nên hầu như chỉ DN lớn mới có thể thực hiện, còn đối với DN nhỏ và vừa, không chỉ do các DN chủ quan, không biết đến mà còn không đủ năng lực tài chính, năng lực nhân sự để thực hiện.

Hơn nữa, theo bà Mai Thị Thùy, Chủ tịch Hội nữ DN nhỏ và vừa TP.Hà Nội, các DN nhỏ và vừa khó tham gia vào thương mại quốc tế vì thiếu vốn, thiếu sự hỗ trợ và chính sách ưu tiên. Đặc biệt, để phát triển thì DN phải thay đổi tư tưởng, thay đổi nhận thức, hiểu được thị trường quốc tế để tìm ra hướng đi phù hợp... Đây là điểm yếu chưa thể khắc phục của DN nhỏ và vừa, nhất là các hộ kinh doanh, làng nghề…

"Gọt bớt" điều kiện với DN nhỏ và vừa

Nhận xét về sự hỗ trợ cũng như các công cụ hỗ trợ cho thương mại quốc tế, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết cho rằng, bên cạnh sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, ngành ngân hàng cũng đã tham gia rất tích cực vào vấn đề này. Các chính sách dịch vụ của ngân hàng được thực hiện khá tốt, rõ ràng, chăm sóc khách hàng chu đáo hơn. Đặc biệt, dịch vụ thanh toán và ngoại hối khá hơn nhiều so với mấy năm trước đây, thuận tiện và nhanh chóng hơn. Tuy vậy, theo bà Tuyết, DN vẫn cần sự đổi mới nhiều hơn, để tạo hiệu quả hơn nữa cho DN như thủ tục vay vốn, bảo lãnh được tinh giản, gọt bớt những điều kiện mà DN nhỏ và vừa khó đáp ứng.

Thực tế hiện nay, thương mại quốc tế đang có nhiều dịch vụ hỗ trợ như: Bảo lãnh, L/C dự phòng, tỷ giá phái sinh, dịch vụ logistics theo tiêu chuẩn, quy tắc quốc tế… Tuy vậy, một DN chuyên XNK thực phẩm, đồ uống cho biết, để đề phòng rủi ro tỷ giá, DN luôn phải có một khoản ngoại tệ dự phòng, DN vẫn chưa thể tiếp cận các dịch vụ đề phòng tỷ giá của ngân hàng do sẽ phải mất thêm một khoản chi phí, trong khi đây không phải là rủi ro thường xuyên trong bối cảnh thị trường ngoại tệ trong nước ổn định.

Chính vì thế, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, bên cạnh nâng cao môi trường đầu tư kinh doanh thì vai trò của Nhà nước trong phát triển DN nhỏ và vừa rất quan trọng. Các cơ quan này có thể làm trọng tài, bảo hộ quyền sở hữu tài sản của cá nhân để giúp DN nhỏ và vừa chủ động trong giao dịch quốc tế. Ngoài ra, các cơ quan cũng cần chủ động nâng cao nhận thức, hiểu biết của các DN, bảo đảm quyền và lợi ích của DN Việt Nam.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ DN và cũng là để tăng thêm lợi nhuận, các ngân hàng đang ngày càng tích cực hơn trong việc đưa ra các dịch vụ, chính sách liên quan đến tạo thuận lợi thương mại quốc tế. Theo đó, các ngân hàng đã và đang đưa ra các giải pháp dành cho DN bao gồm đầy đủ các hạng mục trong hoạt động kinh doanh của DN nhỏ và vừa, từ quản lý nguồn vốn, bảo vệ và mở rộng hoạt động kinh doanh, cải thiện lợi nhuận, đến hoạt động kinh doanh xuyên biên giới. Những giải pháp này được thiết kế đặc biệt để giúp các DN vừa và nhỏ thực hiện giao dịch ngân hàng thuận tiện hơn, nhờ đó, họ có thể tập trung hơn vào việc phát triển hoạt động kinh doanh.

Ngoài ra, các ngân hàng còn liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi nhằm giảm chi phí cho DN, giảm thủ tục… giúp DN tiếp cận dịch vụ dễ dàng hơn. Chính vì thế, các DN cần nhận thức rõ, thay đổi tư duy, chấp nhận chi trả thêm chi phí cho các dịch vụ hỗ trợ để tránh rủi ro, thiệt hại không đáng có.

Theo Hương Dịu/Báo Hải quan

Có thể bạn quan tâm