Phó chủ tịch VATA chỉ ra 3 điểm bất cập trong việc cơ cấu nợ của ngân hàng

Ông Nguyễn Công Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam (VATA) đã chỉ 3 điểm vướng mắc của doanh nghiệp vận tải liên quan đến Ngân hàng Nhà nước.
Phó chủ tịch VATA chỉ ra 3 điểm bất cập trong việc cơ cấu nợ của ngân hàng

Không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng

Có thể nói rằng, đại dịch Covid-19 đã nhấn chìm hàng trăm nghìn doanh nghiệp tại Việt Nam, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp trong ngành kinh doanh, dịch vụ như vận tải hành khách. Rất nhiều doanh nghiệp taxi "đóng băng", phải dừng hoạt động tuân thủ các quy định giãn cách. Chưa bao giờ, ngành vận tải lại “thảm hại” như thời điểm hiện tại.

Ông Nguyễn Công Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam chia sẻ: “Chính phủ và các cơ quan ban ngành đã có nhiều chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, tác động, hệ lụy của Covid-19 đối với doanh nghiệp là vô cùng lớn. Hiện nay, ngành vận tải đang đối mặt với những khó khăn, thách thức và có nhiều vướng mắc trong một số quy định của Ngân hàng Nhà nước”.

Hiện nay hoạt động vận tải hàng hóa phục vụ phòng chống dịch và phát triển kinh tế đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải quan tâm chỉ đạo giải quyết rất quyết liệt trong thời gian qua. Tuy nhiên vẫn còn có tình trạng một số nơi bị ách tắc, lưu thông bị gián đoạn do có nhiều trạm kiểm soát trên đường làm giảm hiệu quả của công tác vận tải, tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh cho đội ngũ lái xe.

Ông Hùng cho biết, để giải quyết những khó khăn về lưu thông hàng hóa hiện nay, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 8/8 với doanh nghiệp do Thủ tướng chủ trì, thay mặt VATA, ông đã đề xuất với Thủ tướng, với Chính phủ 2 vấn đề. Thứ nhất, để không đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, để duy trì được sản xuất, kinh doanh trong dịch bệnh, thì một điều kiện tiên quyết là phải giữ được lưu thông hàng hóa. Thứ hai, để bảo đảm an toàn dịch bệnh trong lưu thông hàng hóa, thì vấn đề là quản lý, kiểm soát con người, chứ không phải quản lý, kiểm soát hàng hóa, vì con người mới là chủ thể chủ yếu lây nhiễm bệnh.

3 vướng mắc, bất cập của ngành vận tải liên quan đến cơ cấu nợ

Phó chủ tịch VATA đã phân tích về 3 vấn đề vướng mắc, bất cập của doanh nghiệp vận tải liên quan đến Ngân hàng Nhà nước.

Thứ nhất, tại khoản 7, điều 4, Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ “Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ không vượt quá 12 tháng kể từ ngày tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ”.

Khoản 8, điều 4 quy định: “Việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ chỉ được thực hiện đến 31/12/2021”.

Trong thực tế đại dịch covid đã qua 18 tháng, khi ban hành Thông tư 03 tại thời điểm tháng 4/2021 Ngân hàng Nhà nước chưa lường được dịch Covid-19 lần 4 nghiêm trọng như hiện nay nên đã quy định thời hạn cơ cấu nợ không vượt quá 12 tháng là không thực tế. Với quy định này nhiều doanh nghiệp không thể cơ cấu lại được các khoản nợ, đã khó khăn lại chồng chất khó khăn không đủ điều kiện để tiếp cận với các chính sách ưu đãi của Chính phủ.

Diễn biến Covid-19 có nhiều biến đổi phức tạp có thể kéo dài sang năm 2022 các doanh nghiệp còn rất nhiều khó khăn do vậy Hiệp hội kiến nghị: Sửa khoản 7, điều 4, Thông tư 03 như sau: “Thời gian cơ cấu lại trong trường hợp kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ không vượt quá 36 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn cho vay (thời điểm khách hàng phải trả hết toàn bộ nợ gốc và lãi theo hợp đồng đã ký)”.

Thứ hai, VATA đề nghị bỏ khoản 8, điều 4, Thông tư 03 “việc thực hiện cơ cấu lại thời gian trả nợ cho khách hàng thực hiện đến 31/12”.

Ông Hùng nó rằng, đây là vấn để bất cập trong tình hình dịch bệnh hiện nay doanh nghiệp không thể trả nợ trước 31/12/2021 theo quy định Thông tư 03. Do doanh nghiệp vừa trải qua gần 2 năm đầy khó khăn không thể có ngay dòng tiền một lúc để trả nợ cho toàn bộ khoản vay được cơ cấu trong lúc dịch bệnh doanh thu giảm 80% quy định như vậy gây vướng cho doanh nghiệp và tổ chức tín dụng có muốn cứu doanh nghiệp cũng ko có đủ cơ sở.

Thứ ba, việc chỉ cơ cấu các khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 theo Thông tư 03 cũng không còn phù hợp nữa. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các khoản nợ phát sinh trước ngày 1/5/2021 cũng được cơ cấu nợ.

Ngoài ra, để giảm bớt khó khăn tài chính cho doanh nghiệp, đề nghị Chính phủ thực hiện cấp bù lãi suất cho các Ngân hàng thương mại để các Ngân hàng thương mại giảm lãi suất vay cho doanh nghiệp với mức giảm từ 3%/ năm;

Ngoài ra, ông Nguyễn Công Hùng cũng đề nghị bỏ quy định tại điểm b, khoản 2, điều 38, quyết định 23/QĐ-TTg về điều kiện vay vốn: “Doanh nghiệp phải không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, đã hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn”, vì các lý do sau đây:

Ông lý giải, dịch Covid-19 đã kéo dài tại Việt Nam gần 2 năm, trong khi thời gian cơ cấu nợ của theo quy định của Ngân hàng nhà nước chỉ được 12 tháng dẫn đến có một số doanh nghiệp đã hết thời gian cơ cấu nợ phải chuyển sang nợ xấu. Vì vậy quy định này có thể khiến một số doanh nghiệp bị thiệt thòi không tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Bên cạnh đó, quy định doanh nghiệp phải hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 là quy định không rõ ràng dễ dẫn đến cách hiểu và vận dụng khác nhau. Các ngân hàng có thể căn cứ vào quy định này yêu cầu chỉ những doanh nghiệp đã được cơ quan thuế kiểm tra quyết toán tại doanh nghiệp mới được vay vốn, điều này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp vì việc kiểm tra quyết toán thuế tại doanh nghiệp phụ thuộc vào ngành thuế không phụ thuộc vào doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm