PVCombank khởi kiện Vinapaco: Hậu quả của một thời kỳ "ngây thơ" về tài chính của các ngân hàng

Việc giải quyết nợ nần dựa trên các quy định tín dụng là hoàn toàn đúng đắn nhưng cũng cần nhìn nhận vụ việc theo hai hướng, cả về quy trình thực hiện cho vay từ phía ngân hàng.
PVCombank khởi kiện Vinapaco: Hậu quả của một thời kỳ "ngây thơ" về tài chính của các ngân hàng

Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Quốc hội trong đó có nội dung liên quan đến việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Tổng Công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) trong công tác xử lý Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam.

Theo báo cáo của Vinapaco tại Văn bản số 247/BC-GVN.HN ngày 31/10/2019, Ngân hàng TMCP Đại Chúng (PVCombank) đã khởi kiện Vinapaco. Theo đó, ngân hàng yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Vinapaco phải trả tổng số tiền là 592,3 tỷ đồng (theo các hợp đồng tín dụng giữa Tracodi - chủ đầu tư của Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam trước đây và Tổng Công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam – tiền thân của PVCombank).

Những nỗ lực bất thành

Trước đó ngày 15/1/2020, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 335/BCT-CN kiến nghị với Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ xem xét, có ý kiến chỉ đạo các Bộ, ngành và đại diện vốn nhà nước tại PVCombank thống nhất với Vinapaco phương án xử lý tài sản thế chấp thuộc Dự án theo hướng bảo đảm các chỉ đạo của Chính phủ về tiến độ công tác xử lý Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam. Hiện đang chờ ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ để xem xét, xử lý.

Theo Bộ Công Thương, năm 2017, Vinapaco đã triển khai tổ chức bán đấu giá dự án lần 1 nhưng không thành công. Sau khi chứng thư thẩm định giá lần thứ nhất hết hiệu lực, công ty đã tiến hành thẩm định giá tài sản và hàng tồn kho của dự án lần thứ 2.

Chính phủ đã đề nghị Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả định giá lần thứ 2 của Vinapaco, tuy nhiên sau khi Kiểm toán Nhà nước bổ sung kế hoạch kiểm toán năm 2019, chứng thư thẩm định giá lần 2 hết hiệu lực  nên việc bán đấu giá vẫn bế tắc.

Số nợ phải thu của dự án chỉ còn vài tỉ đồng. Nhưng những khó khăn vướng mắc, nhất là công nợ phải trả còn rất lớn lên tới hơn 4.000 tỷ đồng và khó có khả năng thu hồi bởi Vinapaco hiện đang gặp khó khăn về tài chính.

Được biết, Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam có tổng mức đầu tư 1.487 tỷ đồng, dự kiến sẽ sản xuất 100.000 tấn bột giấy/năm tại Long An. Sau khi khởi công vào năm 2004, Chính phủ đã bảo lãnh khoản vay 67 triệu euro từ Ngân hàng Societe General của Pháp cho dự án và đến nay Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài (Bộ Tài chính) vẫn phải đứng ra trả thay.

Tuy nhiên, ngay từ tháng 8/2008 dự án đã tạm ngừng thi công do khó khăn về tài chính, không giải ngân được vốn và tình hình thị trường thay đổi. Đến năm 2009 dự án được chuyển giao từ UBND tỉnh Long An cho Vinapaco và điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 1.487 tỷ đồng lên 2.286 tỷ đồng, cuối cùng là 3.409 tỷ đồng.

Năm 2012, dự án đã chạy thử không tải nhưng không thành công do nguyên liệu đay của Long An không phù hợp với công nghệ sản xuất. Khi thuê tư vấn đánh giá lại hiệu quả thì vẫn thua lỗ với mức thua lỗ dự kiến là 455 tỷ đồng/năm (tính cả khấu hao). Sau nhiều cuộc họp và kết luận đánh giá dự án này không có hiệu quả, Vinapaco đã dừng đầu tư toàn bộ dự án và tiến hành xử lý tồn tại đến nay chưa xong.

Thiếu sót của ngân hàng?

Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cho rằng, việc PVCombank khởi kiện Vinapaco buộc công ty này phải trả tổng số tiền là 592,3 tỷ đồng là hậu quả của một thời kỳ "ngây thơ" về tài chính của các ngân hàng.

Theo vị chuyên gia này, việc giải quyết những vấn đề liên quan đến các điều khoản quy định trong hợp đồng đồng tín dụng là yêu cầu đúng đắn của phía ngân hàng. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận từ phía ngân hàng đã hoàn toàn làm đúng hay chưa?

Theo quy định, trước khi cho vay, các ngân hàng thương mại phải thẩm định tính khả thi và khả năng sinh lời của của dự án, nếu đủ điều kiện mới đồng ý cho vay và tiến hành giải ngân. Trong khi đó, Dự án Nhà  máy Bột giấy Phương Nam ngay từ những giai đoạn khởi động đã bộc lộ nhiều bất cập.

Nhìn vào diễn biến của dự án này có thể thấy, vấn đề còn tồn đọng của Nhà máy Bột giất Phương Nam là nghiên cứu thị trường không kỹ, chi phí đầu tư quá lớn, thiết bị vừa bị nâng khống vừa bị mua sai.

TS Đinh Thế Hiển cho biết, nâng khống giá thành máy móc, thiết bị chỉ có thể khiến nhà đầu tư chịu thua lỗ nhưng nếu mua sai thiết bị sẽ dẫn tới hậu quả dự án không thể vận hành được. Việc này cũng giống như ụ nổi của Vinashin, nhà máy Gang thép Thái Nguyên không thể vận hành, bán sắt vụn cũng khó vì chi phí tháo dỡ thậm chí còn đắt hơn giá trị thu về và thực tế là Nhà máy Bột giấy Phương Nam cũng đã bán đấu giá nhiều lần mà không thành công.

Tuy nhiên, bằng một cách nào đó những bất cập lớn này lại “qua mắt” được các chuyên viên thẩm định của ngân hàng khiến không chỉ vài trăm tỷ của PVCombank mà hàng nghìn tỷ đồng từ các ngân hàng khác vẫn được đổ về đại dự án này.

Do vậy, nếu thật sự có những sai sót và yếu kém trong thực hiện giải ngân hợp đồng tín dụng thì đây là những vấn đề rất nghiêm trọng, PVCombank phải chịu trách nhiệm về việc này.

Chỉ trừ khi PVCombank chứng minh được doanh nghiệp sử dụng vốn sai mục đích, cung cấp thông tin chứng từ sai lệch, cố tình làm sai thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm và bồi thường. Do đó, “việc cần làm hiện nay là làm rõ sai phạm liên quan đến dự án này", TS Đinh Thế Hiển cho biết.

Có thể bạn quan tâm