PVN khuyến cáo hay ép công ty thành viên gửi tiền OceanBank?

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có ép các công ty con gửi tiền vào OceanBank để hưởng lãi ngoài hay không là vấn đề được vị đại diện viện kiểm sát đặt ra trong phiên tòa xét xử đại án tại ngân hàng này.
PVN khuyến cáo hay ép công ty thành viên gửi tiền OceanBank?

Trong phiên xét xử đại án thất thoát 2.000 tỉ tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) chiều 11-9, ông Nguyễn Hoàng Giang - Chủ tịch HĐTV công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn cho rằng việc công ty này gửi tiền vào OceanBank là chấp hành chỉ đạo của PVN.

Vì vậy, không có lý do gì OceanBank lại chi lãi ngoài cho công ty này.

Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn là đơn vị thành viên của PVN, có trụ sở tại Quảng Ngãi. Trong vụ án này, PVN và các công ty con thuộc tập đoàn này bị cáo buộc đã gửi tiền vào OceanBank để nhận khoản lãi ngoài trái quy định.

Đại diện Viện KSND TP Hà Nội đã hỏi đại diện PVN về việc tập đoàn này có văn bản nào ép buộc các công ty thành viên phải sử dụng dịch vụ của OceaBank không?

Trả lời câu hỏi này, ông Hoàng Văn Dũng, đại diện PVN cho biết: "PVN không có văn bản nào ép buộc các doanh nghiệp thành viên phải dùng dịch vụ của OceanBank. Chúng tôi chỉ có văn bản mang tính khuyến nghị, đề nghị nên quyền quyết định thuộc về các doanh nghiệp thành viên".

Vị đại diện viện kiểm sát chất vấn: "Trong tay tôi có văn bản của tổng giám đốc PVN yêu cầu các doanh nghiệp thành viên phải thực hiện gửi tiền, mở tài khoản tiền gửi tại OceanBank và phải báo cáo kết quả về việc mở tài khoản về PVN trước ngày quy định.

Như vậy liệu có ý nghĩa ép buộc hay không? Cơ sở nào để PVN ra văn bản như vậy?

Ông Hoàng Văn Dũng cho biết theo thỏa thuận, khi PVN trở thành cổ đông và đối tác chiến lược của OceanBank thì phải có nghĩa vụ hỗ trợ cho ngân hàng này.

Ông Dũng khẳng định PPVN không có văn bản mang tính ép buộc mà chỉ đề nghị các doanh nghiệp thành viên gửi tiền vào OceanBank, việc này là hoàn toàn tự nguyện chứ không ép buộc.

Vị đại diện viện kiểm sát tiếp tục chất vấn: Ngày 22-6-2009, tổng giám đốc PVN có văn bản yêu cầu các đơn vị thành viên phải gửi tiền vào OceanBank, một văn bản hành chính bắt buộc mọi giao dịch, mọi nguồn vốn đổ vào một tổ chức tín dụng như vậy thì có tiềm ẩn tủi ro không, có cản trở sự độc lập hay không?

Trả lời câu hỏi này, ông Dũng cho rằng việc PVN chỉ khuyến nghị các đơn vị thành viên, sau đó họ sử dụng dịch vụ thế nào đó là việc của họ.

Theo đại diện viện kiểm sát, PVN còn có văn bản yêu cầu các công ty con thực hiện việc mở tài khoản tại OceanBank và báo cáo kết quả trước tháng 10-2010. Thực tế đã xảy ra rủi ro khi 100% thành viên PVN đều gửi tiền vào OceanBank.

Sau khi các luật sư kết thúc phần xét hỏi, tòa tuyên bố tạm nghỉ. 8 giờ sáng 14-9, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận.

PVN yêu cầu đơn vị thành viên những gì?

Thông tin Tuổi Trẻ Online nắm được, ngày 13-5-2009, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN lúc đó là ông Đinh La Thăng đã có văn bản gửi các đơn vị thành viên tập đoàn về việc sử dụng dịch vụ của OceanBank.

Văn bản thể hiện: để tạo điều kiện cho OceanBank trở thành một định chế tài chính của tập đoàn trong việc quản lý dòng tiền, thực hiện việc chuyển tiền giữa PVN và các đơn vị thành viên, Hội đồng quản trị PVN yêu cầu các đơn vị sử dụng dịch vụ do OceanBank cung cấp.

Tiếp đó, ngày 22-6-2009, Tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực đã có công văn đề nghị các đơn vị thành viên của tập đoàn này mở và sử dụng hệ thống tài khoản tại OceanBank.

Tháng 9-2009, tổng giám đốc PVN tiếp tục có văn bản gửi các đơn vị thành viên của tập đoàn "yêu cầu" các đơn vị chưa mở tại khoản tại OceanBank khẩn phương phối hợp với ngân hàng trong việc mở và sử dụng tài khoản theo chỉ đạo của tổng giám đốc.

Đồng thời, Ban tài chính kế toán của tập đoàn và các đơn vị phải ưu tiên việc cấp phát vốn, thanh toán, chuyển tiền từ tập đoàn cho các đơn vị và giữa các đơn vị với nhau thông qua hệ thống tài khoản đã mở tại OceanBank.

Theo Tuổi trẻ

Có thể bạn quan tâm