QLTT Hòa Bình: Những kết quả nổi bật sau 3 năm chuyển đổi mô hình ngành dọc

Sau 3 năm hoạt động theo mô hình ngành dọc, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hòa Bình đã khắc phục các bất cập của mô hình tổ chức cũ; hoạt động kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính được triển khai đồng bộ, kịp thời, thống nhất,

Ngày 11/10/2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3675/QĐ - BCT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý thị trường tỉnh Hoà Bình trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường. Đây là thời điểm đánh dấu sự chuyển đổi hoạt động của lực lượng quản lý thị trường theo mô hình ngành dọc từ trung ương tới địa phương.

Để ghi nhận những bước chuyển mình tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý; kiểm tra, kiểm soát của lực lượng QLTT tỉnh Hòa Bình sau 3 năm chuyển đổi mô hình sang ngành dọc, Phóng viên Thương gia đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bá Thức - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường.

Ông Nguyễn Bá Thức - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình
Ông Nguyễn Bá Thức - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình

Phóng viên: Thưa ông, sau khi Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3675/QĐ - BCT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hoà Bình đã tiến hành kiện toàn tổ chức như thế nào?

Ông Nguyễn Bá Thức: Ngay sau khi được thành lập, Cục QLTT tỉnh Hoà Bình đã khẩn trương, chủ động đề nghị Tổng cục QLTT kiện toàn chức danh Cục trưởng và các Phó Cục trưởng; Lãnh đạo Cục đã bám sát sự chỉ đạo của UBND tỉnh, của Tổng cục Quản lý thị trường để xây dựng chương trình công tác, kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường và tổ chức triển khai nhiệm vụ. Quá trình thực hiện có sự phân công, giám sát, đảm bảo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Đặc biệt, Cục trưởng đã phân công cho các Phó Cục trưởng lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện đối với các Phòng chuyên môn, các Đội QLTT được giao phụ trách, điều này đã phát huy được vai trò làm chủ, trách nhiệm cá nhân và tính sáng tạo, sức mạnh của tập thể.

Cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý thị trường tỉnh Hoà Bình hiện nay gồm: 01 Cục trưởng, 03 Phó Cục trưởng, 03 Phòng chuyên môn, 05 Đội QLTT (giảm 07 Đội so với thời điểm trước khi được thành lập). Với tổng số 77 cán bộ, công chức, nhân viên. Những năm qua đơn vị đã cử hơn 300 lượt cán cộ, công chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh, ngạch, bậc công chức, đào tạo nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng kỹ năng và các khóa đào tạo về chuyên môn khác...

Sau 3 năm hoạt động theo mô hình mới, lực lượng QLTT Hòa Bình đã đạt được những kết quả cụ thể gì?

Sau 3 năm hoạt động theo mô hình ngành dọc, lực lượng QLTT Hòa Bình đã chứng minh được tính hiệu quả xuyên suốt và đạt được những kết quả nổi bật, khắc phục các bất cập của mô hình tổ chức cũ; hoạt động kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng QLTT được triển khai đồng bộ, kịp thời, thống nhất; công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đã được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đã phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trên cơ sở kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường năm hàng năm được Tổng cục QLTT phê duyệt, Cục đã chỉ đạo các Đội QLTT xây dựng kế hoạch kiểm tra chi tiết, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa bàn. Kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính từ tháng 10/2018 đến tháng 9/2021 với tổng số vụ kiểm tra: 6.416 vụ; Số vụ xử lý vi phạm hành chính: 2.108 vụ; Tổng số tiền phạt VPHC: 4.552.649.000 đồng.

Đặc biệt, với vai trò là Cơ quan Thường trực giúp việc của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Cục QLTT đã làm tốt công tác tham mưu, đề xuất UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường phối hợp chặt chẽ trong công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn; góp phần tích cực bảo đảm cung ứng đầy đủ các nguồn hàng lưu thông đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, phục vụ nhu cầu tiêu dùng người dân.

Bên cạnh đó, Công tác phối hợp giữa lực lượng Quản lý thị trường với các lực lượng chức năng tiếp tục được quan tâm, chú trọng, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Với những kết quả đạt được, có thể thấy sau 03 năm hoạt động theo mô hình Tổng cục ngành dọc từ trung ương đến địa phương của lực lượng QLTT đã tạo sự chuyển biến tích cực rõ rệt trong điều hành, quản lý, nâng cao hiệu quả kiểm tra, kiểm soát và phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Mô hình mới đã khắc phục được tình trạng cắt khúc theo địa giới hành chính; thực hiện quản lý tập trung, thống nhất, xuyên suốt từ trung ương đến địa phương; phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, ứng phó kịp thời đối với các diễn biến bất thường, có tác động tiêu cực trên thị trường, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

Hiện nay, tổ chức bộ máy của lực lượng quản lý thị trường Hòa Bình đã được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, đảm bảo hoạt động hiệu quả; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng nâng cao, từng bước xây dựng lực lượng Quản lý thị trường chính quy, hiện đại. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đã được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đã phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm về buôn lậu, vi phạm về an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại khác.

Công tác tuyên truyển, phổ biến, hướng dẫn pháp luật, ký cam kết không kinh doanh hàng lậu, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được lực lượng Quản lý thị trường triển khai sâu rộng. Công tác đào tạo được quan tâm và thực hiện hiệu quả, Cục đã tạo điều kiện và cử công chức tham gia các khóa tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn; động viên công chức tích cực tự học tập, nghiên cứu, cập nhật chính sách, văn bản pháp luật để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ đáp ứng nhiệm vụ được giao. Công tác phối hợp giữa lực lượng QLTT với các lực lượng chức năng ngày càng được quan tâm, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Lực lượng QLTT hoạt động kiểm tra, kiểm soát
Lực lượng QLTT hoạt động kiểm tra, kiểm soát 

Trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường lực lượng QLTT tỉnh đã gặp phải những khó khăn nào từ thực tiễn, thưa ông?

Bên cạnh những kết quả đạt được, lực lượng QLTT Hòa Bình còn gặp một số khó khăn hạn như công tác nắm bắt địa bàn, kiểm tra kiểm soát các kho hàng, hoạt động vận chuyển hàng hóa trên các tuyến trọng điểm và các điểm tập kết, chuyển phát nhanh ... chưa đạt kết quả mong muốn.

Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm qua hoạt động thương mại điện tử (mô hình hoạt động kinh doanh dựa trên ứng dụng công nghệ số để kinh doanh) như facebook, zalo … kết quả còn hạn chế, mới chỉ tập trung tại một số địa bàn…

Thời gian tới, Cục QLTT tỉnh đề ra những kế hoạch hành động gì để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động?

Trong điều kiện nền kinh tế nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng, toàn diện như hiện nay thì nhiệm vụ của lực lượng QLTT là hết sức nặng nề. Để không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng trong giai đoạn tiếp theo, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, tăng cường thu hút đầu tư, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; ổn định thị trường và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trên địa bàn toàn tỉnh, lực lượng QLTT Hòa Bình sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức, hiểu biết về chính trị, kinh tế, xã hội, nâng cao trình độ mọi mặt, năng lực chuyên môn, rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Để luôn hướng tới trở thành lực lượng “chính quy - tinh nhuệ - hiện đại”.

Có thể bạn quan tâm