Quản trị nhân sự bằng chức danh

Nghiên cứu cho rằng các chức danh công việc có khả năng khiến ta cảm thấy tích cực hơn và cảm giác đang làm chủ tình hình, thậm chí khuyến khích chúng ta nộp hồ sơ tuyển dụng cho việc đó.
Quản trị nhân sự bằng chức danh

Xu hướng thổi phồng

Một báo cáo năm 2012 của Resolution Foundation, một nhóm chuyên gia cố vấn người Anh, đã phát hiện tình trạng thổi phồng chức danh ở Anh tăng lên, với nhiều người có chức vụ "có vẻ là cao cấp" nhưng chỉ được trả mức lương trung bình.

Ví dụ tỷ lệ những viên quản lý bán lẻ có mức thu nhập một tuần dưới 400 bảng Anh (543 đô la) tăng từ 37% lên 60% trong những năm 2000. Điều này đặt ra câu hỏi: Thăng chức danh có nghĩa lý gì nếu không đi kèm với tăng lương thưởng?

Trước hết phải kể đến địa vị. Nhà kinh tế học được trao giải Nobel John Harsanyi đã từng nói rằng ngoài vấn đề tiền bạc, địa vị xã hội "dường như là sức mạnh khuyến khích và thúc đẩy quan trọng đối với các hành vi trong xã hội".

Một chức danh cao có thể biểu thị địa vị xã hội, nên không có gì đáng ngạc nhiên khi người lao động mong mỏi có được chúng dù chúng thường không phù hợp với mức lương hoặc trách nhiệm công việc.

Một nghiên cứu năm 2010 của Đại học Houston cho thấy chức vụ 'phó chủ tịch' tại ngân hàng Merrill Lynch nghe thì có vẻ như là "rất danh giá". Nhưng trên thực tế, nó lại mang ý nghĩa vinh danh nhiều hơn là miêu tả công việc thực tế.

Chức danh hào nhoáng

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã nhận ra một chức danh hào nhoáng không phải lúc nào cũng liên quan đến địa vị. Một chức danh chỉ cần thú vị hơn đã có thể ảnh hưởng đến hành vi con người.

Sau khi tham dự một hội nghị tại Disneyland vào năm 2013 và phát hiện ra các nhân viên ở đây được gọi là "thành viên đoàn làm phim", bà Susan Fenters Lerch thấy rất hào hứng.

Cựu Tổng giám đốc điều hành của Quỹ Make-A-Wish, một tổ chức phi lợi nhuận biến mong ước của các trẻ em trong tình trạng sức khỏe nguy kịch thành hiện thực, trở lại văn phòng và cho nhân viên của bà biết họ có thể tự tạo ra "chức danh 'vui nhộn' của riêng mình bên cạnh chức danh chính thức, phù hợp với "vai trò và đặc tính quan trọng nhất của họ trong tổ chức."

Bà đã chọn "mẹ đỡ đầu của những ước mơ" cho mình, và giám đốc điều hành đã theo sau với tên "bộ trưởng đô la và tri giác". Các nhà nghiên cứu từ Đại học Pennsylvania và London Business School đã phỏng vấn những nhân viên này một năm rưỡi sau quyết định của Lerch và nhận thấy những chức danh "tự phản ánh" của họ làm giảm tình trạng suy kiệt cảm xúc ở người lao động, giúp họ đương đầu với những thách thức về cảm xúc và cho họ cơ hội khẳng định cá tính của mình trong công việc.

Nhà nghiên cứu Daniel Cable cho biết: "Chức danh mở ra cơ hội để các đồng nghiệp nhìn thấy khía cạnh con người của nhau chứ không đơn thuần chỉ đại diện cho các trách nhiệm khác nhau."

Cable và nhóm của ông sau đó đã thử nghiệm phát hiện của mình trong các bệnh viện, nơi họ yêu cầu các nhân viên y tế tự đặt chức danh cho mình.

Một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đã trở thành "dũng sỹ diệt trùng", và một kỹ thuật viên tia X được phong làm "người tìm xương".

Những người làm việc trong bệnh viện cho biết họ cảm thấy mức độ suy kiệt tinh thần thấp hơn sau 5 tuần, và tình trạng kiệt sức giảm 11%.

Mức độ liên quan chặt chẽ của chức danh công việc đối với cảm xúc của chúng ta cho thấy chúng có thể phản ánh danh tính của chúng ta - nhưng danh tính có thể đã là một nhân tố thậm chí trước cả khi chúng ta xin việc.

Vào đầu năm 2015 Công ty truyền thông xã hội Buffer nhận ra rằng họ không có một nhân viên kỹ thuật nữ nào. Sau đó công ty này đã thay thế từ "tin tặc" (hacker) trong các chức danh công việc bằng "nhà phát triển" (developer) - và sau đó số lượng các ứng viên nữ xin vào công ty đã gia tăng. Hiện tại 11,5% đội ngũ kỹ thuật viên là nữ.

Ảnh hưởng hành vi

Các nhà nghiên cứu nhận thấy một chức danh cao cấp hơn có thể khiến nhân viên hành động có trách nhiệm hơn vì họ thấy vui vẻ hơn trong công việc. Giáo sư xã hội học Jeffrey Lucas phát hiện ra rằng khi các nhân viên làm việc tốt được cho giữ chức danh quan trọng, họ sẽ ít có khả năng rời bỏ công ty hơn.

Ông đã thực hiện hai thí nghiệm và khám phá ra những người giữ chức danh quan trọng "thể hiện mức độ hài lòng, quyết tâm và hiệu suất cao hơn, đồng thời ít có ý định nhảy việc" hơn những người khác. Nghiên cứu này là từ năm 1999, và như vậy đã gần hai thập kỷ. Tuy nhiên, Lucas, hiện làm việc tại Đại học Maryland, cho biết ông nghĩ rằng những phát hiện này vẫn còn có giá trị.

Ông nói, "trên thực tế, rất nhiều nghiên cứu kể từ sau bài nghiên cứu đó đã chứng thực mọi người thích hưởng những lợi ích đến từ các vị trí cao cấp hơn." "Tuy nhiên cái quan trọng là những chức danh này phải có khả năng khẳng định địa vị, nếu không thì chúng sẽ không có tác động tích cực."

Những người có chức danh cao thường ứng phó tốt hơn trong trường hợp bị từ chối, theo một nghiên cứu hồi 2013 của Đại học Berkeley. Maya Kuehn, hiện đang bảo vệ bằng tiến sỹ, trong một thử nghiệm, đã chỉ định những người tham gia đóng những vai trò ở cấp độ thấp hoặc cao và nói rằng họ không được mời đến cuộc họp mặt văn phòng.

Những thành viên được chỉ định ở mức độ thấp cho biết họ cảm thấy bị tổn thương, trong khi những người được chỉ định vị trí cao tìm cách khác để gắn kết với các đồng nghiệp.

Hơn cả ăn ý

Những công việc thể hiện một cơ cấu phẳng có thể khiến những người thấp cổ bé họng cảm thấy tự tin hơn. Brian Robertson nói rằng hệ thống holacracy (mô hình quản trị không cần sếp) của mình giúp người lao động cảm thấy bản thân không chỉ là một bánh răng trong guồng máy.

Khi Brian Robertson thành lập công ty phần mềm HolacracyOne vào năm 2007, ông đã cơ cấu lại hệ thống phân quyền truyền thống ở nơi làm việc với mục đích tăng khả năng tự chủ và tự quản của người lao động.

Phương pháp này, với tên gọi holacracy đã được khoảng 1.000 công ty và tổ chức tiếp nhận. Robertson nói mô tả công việc đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc này - thay vì chỉ có một công việc, các nhân viên sẽ nắm nhiều vai trò và những nhiệm vụ này được cập nhật thường xuyên.

Đây là một điều chỉnh phù hợp cho những người ưa thích địa vị. Đối với những người khác, nó giúp họ cảm thấy "mình không chỉ là một bánh răng trong guồng máy".

Thay vì cho rằng chức danh mang lại danh tính cho mình, người ta lại bắt đầu nghĩ rằng 'tôi biết mình là ai, tôi biết mình đam mê điều gì và làm cách nào để thể hiện mình," Robertson nói.

Theo Doanhnhansaigon

Có thể bạn quan tâm