Quốc hội tiếp tục thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi)

Sáng nay (13/6), tiếp tục chương trình kỳ hợp thứ 7, với 91,32% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi).
Quốc hội tiếp tục thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi)

Luật Quản lý thuế (sửa đổi) gồm 17 chương, 152 điều  quy định việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước.

Luật quy đinh, căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, Nhà nước đảm bảo các nguồn lực tài chính để thực hiện hiện đại hóa công tác quản lý thuế.

Luật bổ sung hành vi bị cấm đối với việc làm sai lệch, sử dụng sai mục đích, truy cập trái phép, phá huỷ hệ thống thông tin về người nộp thuế .

Người nộp thuế có trách nhiệm thực hiện kiến nghị, kết luận Kiểm toán nhà nước, Thanh tra nhà nước 

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. Quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Luật này có hiệu lực từ ngày1/7/2022; khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Luật này trước ngày ngày1/7/2022.

Ngay trước phiên biểu quyết thông qua luật, Quốc hội cũng đã biểu quyết 2 điểm còn khác nhau là quy định về quyền của người nộp thuế được quy định trong Điều 16 của dự thảo luật. Với 446/453 đại biểu tham gia đồng ý, 3 đại biểu không tán thành và 4 đại biểu không biểu quyết, Quốc hội đã tán thành những quy định được nêu trong dự thảo luật.

Với Điều 85, quy định trường hợp xóa nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, 428/452 số đại biểu tham gia tán thành. Số đại biểu không tán thành là 16 trong khi số đại biểu không biểu quyết là 8. Như vậy, Doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản không còn tài sản; Cá nhân đã chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản là 2 trong số 5 trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

Trong phiên bỏ phiếu thông qua Luật Quản lý thuế sửa đổi, 442/453 số đại biểu tham gia đồng ý, tương đương 91,32%. Số đại biểu không tán thành là 7, tương đương 1,45% và số đại biểu không biểu quyết là 4, tương đương 0,83%. Như vậy, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Quản lý thuế sửa đổi trong phiên bỏ phiếu sáng 13/6/2019.

Liên quan đến quyền lợi của người nộp thuế, Điều 16 của Luật quy định:

1. Được hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện việc nộp thuế; cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi về thuế.

2. Được nhận văn bản liên quan đến nghĩa vụ thuế của các cơ quan chức năng khi tiến hành thanh tra, kiểm toán, kiểm tra.

3. Yêu cầu cơ quan quản lý thuế giải thích về việc tính thuế, ấn định thuế; yêu cầu cơ quan, tổ chức giám định số lượng, chất lượng, chủng loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

4. Được giữ bí mật thông tin, trừ các thông tin phải cung cấp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc thông tin công khai về thuế theo quy định của pháp luật.

5. Hưởng các ưu đãi về thuế, hoàn thuế theo quy định của pháp luật về thuế; được biết thời hạn giải quyết hoàn thuế, số thuế không được hoàn và căn cứ pháp lý đối với số thuế không được hoàn.

6. Ký hợp đồng với tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế, đại lý làm thủ tục hải quan để thực hiện dịch vụ đại lý thuế, đại lý làm thủ tục hải quan.

7. Được nhận quyết định xử lý về thuế, biên bản kiểm tra thuế, thanh tra thuế, được yêu cầu giải thích nội dung quyết định xử lý về thuế; được bảo lưu ý kiến trong biên bản kiểm tra thuế, thanh tra thuế; được nhận văn bản kết luận kiểm tra thuế, thanh tra thuế, quyết định xử lý về thuế sau thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý thuế.

8. Được bồi thường thiệt hại do cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế gây ra theo quy định của pháp luật.

9. Yêu cầu cơ quan quản lý thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của mình.

10. Khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

11. Không bị xử lý vi phạm về thuế, không tính tiền chậm nộp đối với trường hợp do người nộp thuế thực hiện theo văn bản hướng dẫn và quyết định xử lý của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.

12. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của công chức quản lý thuế và tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật về tố cáo.

13. Được tra cứu, xem, in toàn bộ chứng từ điện tử mà mình đã gửi đến Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế theo quy định của Luật này và của pháp luật về giao dịch điện tử.

14. Được sử dụng chứng từ điện tử trong các giao dịch với cơ quan quản lý thuế và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

>> Sửa Luật thuế TNDN với hoạt động chuyển nhượng bất động sản

Có thể bạn quan tâm