Quy định mới về chi phí lãi vay ‘trói tay’ DN nội?

Quy định chi phí lãi vay không quá 20% tổng lợi nhuận thuần trong Nghị định 20 về quản lý thuế đang khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng.
Quy định mới về chi phí lãi vay ‘trói tay’ DN nội?

Còn theo các chuyên gia, quy định này sẽ làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt hiện nay.

Nghị định 20 được ban hành tháng 2/2017 nhằm thay thế quy định hiện hành về giá giao dịch liên kết để chống chuyển giá, vốn là vấn đề gây ra nhiều lo ngại thời gian qua.

"Cụ thể, khoản 3 điều 8 của Nghị định 20 quy định: Tổng chi phí lãi vay được khấu trừ cho mục đích tính thuế không vượt quá 20% chỉ số EBITDA (lợi nhuận trước thuế chưa trừ chi phí lãi vay và chi phí khấu hao).

Trước vấn đề này, nhiều doanh nghiệp trong nước bày tỏ lo ngại Nghị định 20 sẽ tạo ra nhiều khó khăn, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế tư nhân với mô hình công ty mẹ - con. Trong khi thực tế chuyển giá hiện này chủ yếu tập trung ở khối doanh nghiệp nước ngoài do lợi dụng được chênh lệch thuế giữa các quốc gia, còn doanh nghiệp trong nước thì có chung một mặt bằng thuế nên nguy cơ chuyển giá là khá thấp.

Ở Việt Nam, các doanh nghiệp tư nhân đang lớn mạnh và phát triển mô hình tập đoàn công ty mẹ con. Ở đó, công ty mẹ (holding) sẽ có các hoạt động chính là đầu tư vào các công ty con thông qua việc góp vốn với tỷ lệ trên 51%. Công ty mẹ là đầu mối huy động vốn vay từ các nguồn vốn trong nước và nước ngoài để cho vay lại các đơn vị thành viên.

Đáng lưu ý, với việc vay vốn nước ngoài thì các ngân hàng, các quỹ đầu tư nước ngoài sẽ đánh giá tiềm lực tài chính của cả tập đoàn và thực hiện cho vay vốn đối với công ty mẹ thay vì cho vay trực tiếp vào công ty con. Sau đó công ty mẹ chuyển tiếp nguồn vốn vay cho công ty con vay để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, quy định tại Nghị định 20 khống chế tỷ lệ lãi vay/EBITDA không quá 20% sẽ làm giảm khả năng tạo lợi nhuận của doanh nghiệp do chi phí lãi vay có thể không được tính đầy đủ vào chi phí tính thuế. Từ đó, khiến cho doanh nghiệp tốn kém chi phí vốn, làm giảm sức cạnh tranh của các tập đoàn kinh tế trong nước.

“Ngoài ra, đối với các khoản vay mà công ty mẹ vay về và cho công ty con vay lại thì chi phí lãi vay phát sinh tại cả công ty mẹ và công ty con tính trên cùng một khoản vay và sẽ bị áp trần 2 lần. Phần chi phí lãi vay vượt trần sẽ bị loại 2 lần tại 2 công ty”, đại diện một doanh nghiệp bày tỏ.

Đặc biệt, quy định sẽ làm giảm cơ hội tiếp cận các nguồn vốn vay nước ngoài với chi phí rẻ vì khả năng tạo lợi nhuận được các ngân hàng, các quỹ đầu tư đánh giá là thấp do chi phí thuế cao.

Giám đốc một doanh nghiệp có gần 20 năm hoạt động quản lý trong lĩnh vực tài chính cho rằng việc siết chặt các điều kiện đi hơi sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tác động trực tiếp vào chi phí kinh doanh khiến doanh nghiệp khó hơn. Việc siết chặt chi phí vốn trên từng giao dịch cụ thể sẽ làm giảm sức mạnh cũng như khả năng tăng lợi nhuận dài hạn của các doanh nghiệp. Thậm chí nó cản trở việc đầu tư mở rộng nếu vay phát sinh bên ngoài.

TS Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TP.HCM, nhận định: Phạm vi đối tượng áp dụng của Nghị định 20 khá rộng nhưng quy định về tổng chi phí lãi vay phát sinh không quá 20% lại chưa xác định rõ là từ nguồn vay nào. Hơn nữa, trên thực tế chi phí lãi vay cũng đều tính trên chi phí lãi vay ròng (là chi phí lãi vay sau khi trừ đi thu nhập từ hoạt động cho vay) nhưng quy định cũng không đề cập đến.

“Bộ Tài chính cần có thông tư hướng dẫn rõ ràng cụ thể hơn và ban hành sớm về các quy định chưa cụ thể trước khi đưa quy định vào áp dụng để doanh nghiệp yên tâm”, TS Tín nói.

TS Bùi Quang Tín cho rằng quy định về tổng chi phí lãi vay sẽ là điều kiện không khuyến khích phát triển mô hình công ty mẹ - con, mô hình tập đoàn đối với các doanh nghiệp trong nước. Trong khi ViệtNam đang cần những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, đóng vai trò trụ cột cho nền kinh tế thị trường thì quy định này vô hình lại siết quá chặt hoạt động của doanh nghiệp.  

TS Bùi Quang Tín nhận định thời gian có hiệu lực của Nghị định 20 hơi gấp. Vì vậy nên xem xét lại và cho phép doanh nghiệp tính trên chi phí lãi vay ròng và có đủ thời gian sắp xếp lại nguồn vay.

Theo thạc sĩ Bạch Phạm Đăng Huy, Công ty luật Nguyễn Huỳnh và Cộng sự, nhiều quy định những tưởng là công cụ để quản lý thuế, chống chuyển giá của khối đầu tư nước ngoài nhưng áp dụng máy móc lại gây bất lợi cho doanh nghiệp trong nước.

Việc khống chế chi phí lãi vay 20% cũng tương tự như quy định áp trần quảng cáo khuyến mãi không quá 15% tổng chi của doanh nghiệp trước đây. Trong khi đó, quản lý chống chuyển giá còn nhiều công cụ, không chỉ quy định lãi phát sinh không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần là đã giải quyết được vấn đề.

Theo VGP NEWS

Có thể bạn quan tâm