Quy hoạch mới 9 hành lang vận tải thủy nội địa

Theo Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Giao thông Vận tải đã định hướng ngành đường thủy phát triển theo 9 hành lang và 55 tuyến vận tải chính.
Quy hoạch mới 9 hành lang vận tải thủy nội địa

Theo quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ quy hoạch 9 hành lang vận tải thủy; 55 tuyến vận tải chính trên 140 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 7.300 km (trong đó khai thác đồng bộ theo cấp kỹ thuật đạt khoảng 5.000 km).

Nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng đường thủy đến năm 2030 dự kiến khoảng 157.533 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước khoảng 28.919 tỉ đồng, tập trung đầu tư cho luồng tuyến; vốn ngoài ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn khác khoảng 128.614 tỉ đồng, đầu tư cho cảng bến…

Về kết cấu hạ tầng, đến năm 2030 cải tạo nâng cấp các tuyến chính có mật độ vận tải cao, đáp ứng chạy tàu 24/24h; phấn đấu tổng chiều dài các tuyến khai thác đồng bộ theo cấp kỹ thuật đạt khoảng 5.000km. Tầm nhìn đến năm 2050 hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa hiện đại, đồng bộ, an toàn, có chất lượng dịch vụ vận tải cao, giảm chi phí logistics…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, trọng tâm 5 năm tới, Bộ sẽ cố gắng cụ thể hóa 9 hành lang vận tải để khai thác đường thủy nội địa, đó là tuyến hành lang ven biển (cách bờ 12km) từ Quảng Ninh Cà Mau, khai thác qua Kiên Giang, đi qua hàng trăm cảng biển sẽ đáp ứng yêu cầu vận tải hàng hóa Bắc - Nam, giảm tải đường bộ và đường sắt.

Tại khu vực phía Bắc, vận tải đường thủy chưa phát triển như phía Nam nhưng Bộ Giao thông Vận tải xác định có 4 luồng quan trọng gồm: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hà Nội - Việt Trì - Lào Cai; Quảng Ninh - Hải Phòng - Ninh Bình, Hà Nội - Nam Định - Ninh Bình. Bộ sẽ huy động vốn xã hội hóa để xây các cảng nội địa kết nối với vận tải đường bộ hàng hóa xuống đường thủy.

Tại phía Nam, có 4 hành lang khu vực miền Nam (Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau, Thành phố Hồ Chí Minh - An Giang - Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu - Tây Ninh - Thành phố Hồ Chí Minh và hành lang vận tải thủy kết nối với Campuchia qua sông Tiền, sông Hậu).

Hiện, cả nước có 1.800 phương tiện hoạt động ven bờ từ 5.000-23.000 tấn, nếu một con tàu vận chuyển dọc theo bờ biển sẽ tải được hàng hóa lớn thay thế cho hàng nghìn ôtô. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị chính quyền địa phương quan tâm đến luồng này bằng cách khuyến khích các doanh nghiệp mua tàu biển, hình thành doanh nghiệp vận tải ven biển để “cõng” hàng hóa theo chiều dài đất nước. Bộ Giao thông Vận tải xác định đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam để vận chuyển hành khách, hàng hóa đi theo vận tải thủy ven biển.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng tính toán đến nguồn vốn đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, đồng thời tạo điều kiện cơ chế chính sách các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn một cách thuận lợi để mua sắm phương tiện để khu vực nào cũng phát triển; khuyến khích hình thành các Tổng công ty hay Tập đoàn doanh nghiệp đường thủy với đội tàu hùng hậu sẽ “cõng” hàng cho đường bộ như hiện nay.

Có thể bạn quan tâm