Quỹ ngoại ồ ạt rót vốn vào ngân hàng Việt, lợi ích quá lớn?

Không chỉ các ngân hàng quốc tế, mà các quỹ đầu tư tài chính nước ngoài từ lâu đã nhòm ngó, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các ngân hàng tiềm năng của Việt Nam. Khi cánh cửa hé mở, dòng vốn ngoại nhanh nh
Quỹ ngoại ồ ạt rót vốn vào ngân hàng Việt, lợi ích quá lớn?

Nhiều quỹ ngoại nhòm ngó muốn đầu tư vào ngân hàng Việt 

Kẻ rút lui, người nhào vào

Thị trường tài chính vẫn chưa hết ngạc nhiên trước sự rút lui của cổ đông chiến lược HSBC khỏi Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) khi nhà băng này trở lại thời hoàng kim.

Đầu tháng 9/2017, Techcombank cho biết HSBC đã bán lại toàn bộ 172,35 triệu cổ phiếu cho ngân hàng (chiếm tỷ lệ 19,41% vốn điều lệ ngân hàng) để làm cổ phiếu quỹ. Với giá mua bình quân 23.445 đồng/CP, ước chừng Techcombank đã chi ra khoảng 4.404 tỷ đồng để mua lại số cổ phần này với mức giá chỉ bằng một nửa thị giá cổ phiếu TCB đang giao dịch trên thị trường OTC cùng thời điểm. Có ý kiến cho rằng HSBC bị lỗ sau 12 năm đầu tư vào ngân hàng (giá mua cổ phần 60.891 đồng/CP) nhưng thực tế, cổ đông này đã nhiều năm được nhận cổ tức, cổ phiếu thưởng cùng chính sách riêng đem về lợi ích lớn hơn nhiều…

Chỉ nửa năm sau, “khoảng trống HSBC” đã được Techcombank bù đắp bằng thương vụ hút vốn đầu tư của quỹ ngoại đình đám. Đầu tháng 3, HĐQT đã trình ĐHCĐ thường niên ngày 3/3/2018 kế hoạch bán toàn bộ 172,35 triệu cổ phiếu quỹ, trong đó dành 158,36 triệu cổ phiếu quỹ bán cho nhà đầu tư trong và ngoài nước với tỷ lệ khối ngoại bị khoá ở mức 30% vốn điều lệ.

9 ngày sau đó, Techcombank công bố đã đạt được thoả thuận về khoản vốn đầu tư hơn 370 triệu đô la Mỹ (tương đương khoảng 8.400 tỷ đồng) từ quỹ ngoại Warburg Pincus. Đây là quỹ ngoại có cam kết đầu tư vốn lên tới 1 tỷ USD vào Việt Nam thông qua nhiều pháp nhân.

Thông tin mới nhất là HĐQT Techcombank đã chuẩn y ký kết và thực hiện văn kiện, tài liệu liên quan đến hợp đồng mua bán cổ phần giữa Techcombank và hai nhà đầu tư gồm Vesta VN Investments B.V. và COG Investments B.V. Hiện chưa rõ ngân hàng sẽ chốt bán số lượng cổ phiếu quỹ và giá bán cho 2 quỹ này, song tỷ lệ sở hữu của khối ngoại sẽ đảm bảo không vượt mức room 8,54% mà Techcombank vừa nới. Được biết, hai nhà đầu tư tài chính này có cùng địa điểm trụ sở của Warburg Pincus (Amsterdam, Hà Lan).

Trong xu hướng cạnh tranh hút dòng vốn ngoại, VPBank – nhà băng có nét tương đồng với Techcombank cũng đã thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ thêm 250 triệu cổ phần bán cho nhà đầu tư bên ngoài tại ĐHCĐ thường niên ngày 19/3/2018. Tỷ lệ tối đa 15% tổng số lượng cổ phần phổ thông tại thời điểm thực hiện phát hành.

Giá chào bán sẽ được thỏa thuận nhưng không thấp hơn giá cổ phiếu trung bình 6 tháng của năm phát hành và bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 1 năm. Theo tiết lộ của Chủ tịch HĐQT Ngô Chí Dũng, ngân hàng sẽ bán cổ phần cho nước ngoài với giá kỳ vọng “cao hơn thị giá cổ phiếu VPB trên sàn hiện tại”. Hiện, VPB đang được giao dịch quanh mức giá 64.000-65.000 đồng/CP.

Với kết quả kinh doanh lãi đột biến hơn 8.130 tỷ đồng, VPBank sẽ chia cổ tức, cổ phiếu thưởng hậu hĩnh cho cổ đông lên tới hơn 67% vốn. Kế hoạch kinh doanh tiếp tục tăng trưởng ở mức cao của VPbank là hấp lực chính hút mạnh dòng tiền trên thị trường chứng khoán, càng tạo đà đẩy giá cổ phiếu VPB đi lên. Nhờ đó, việc bán vốn cho nước ngoài tới đây sẽ thuận lợi hơn sau khi nhà băng này đã bán được 23% cổ phần cho khối ngoại vào năm ngoái.

Cải thiện “sức khoẻ” tài chính

Suốt nhiều năm qua, trong quá trình tái cơ cấu, phương án bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài ở một vài ngân hàng cũng được trình lên cấp có thẩm quyền. Song chỉ số ít trường hợp tìm được đối tác thoả mãn yêu cầu, có nguồn tài chính mạnh, góp vốn thực và cam kết gắn bó lâu dài… được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Như trường hợp Vietcombank, nhà băng này đã rục rịch triển khai bán vốn cho nước ngoài. Trong đó, Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore GIC là một trong những nhà đầu tư tiềm năng của Vietcombank, dự kiến mua 7,7% cổ phần trong năm 2016. Nhưng đến giờ, thương vụ này vẫn chưa hoàn thành.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho hay, NHNN đã chấp thuận kế hoạch phát hành riêng lẻ thông qua đấu giá công khai hoặc bán riêng lẻ cho một số lượng hạn chế các nhà đầu tư nước ngoài. GIC và Mizuho là hai nhà đầu tư tiềm năng, trong đó Mizuho sẽ được mua thêm cổ phần phát hành thêm để duy trì tỷ lệ sở hữu 15% hiện tại. Dù vậy, thông tin bán vốn cho nước ngoài, lợi nhuận tăng cao… cùng thị trường chứng khoán khởi sắc đã giúp giá cổ phiếu VCB tăng giá gấp đôi so trong vòng 1 năm qua, tạo lợi thế đàm phá bán vốn.

Hành trình tìm kiếm thu hút vốn ngoại của một vài nhà băng quy mô vốn nhỏ hơn cũng được khởi động. Mới đây, TPBank cũng cho biết sẽ phát hành cổ phiếu chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài cùng với việc niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE. Tỷ lệ room ngoại ở mức 24,9%. Theo đó, TPBank sẽ phát hành 87,63 triệu cổ phiếu, tương đương 15% vốn điều lệ hiện tại. Trong đó, bán tối đa 55,29 triệu cổ phiếu (8,23%) cho khối ngoại…

TPbank cũng hé lộ quỹ ngoại PYN Elite Fund sẽ là một trong các tổ chức nước ngoài mua cổ phần phát hành riêng lẻ của TPBank với mức mua 4,99% cổ phần ngân hàng sau phát hành, giá trị ước tính gần 40 triệu USD.

Nhắm tới nhà đầu tư ngoại, các chủ nhà băng kỳ vọng sẽ có “tiền tươi thóc thật” rót vào ngân hàng, để tăng cường sức mạnh tài chính, đáp ứng những yêu cầu phát triển dài hạn. Hay vốn ngoại ví như dòng vốn nóng sẽ “bù đắp” tức thời vào những khoảng trống, phần thiếu hụt mà nội tại đang rất khó khăn do chưa xử lý được khối nợ xấu, nợ khó đòi. Cũng có không ít đồn đoán về thương vụ “đi đêm” thâu tóm ngân hàng đang có xáo trộn cổ đông thông qua khe cửa hẹp “hút vốn ngoại”.

>> Techcombank sẽ bán toàn bộ 172,3 triệu cổ phiếu quỹ “ôm” lại từ HSBC

Có thể bạn quan tâm