Quyết 'cởi trói' cho doanh nghiệp tư nhân

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không quyết liệt “cởi trói” cho doanh nghiệp tư nhân, nguy cơ doanh nghiệp Việt Nam một lần nữa thua trên sân nhà.
Quyết 'cởi trói' cho doanh nghiệp tư nhân

Tại Hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 và đến năm 2020”, nhiều đại biểu và chuyên gia kinh tế cho rằng, sau 30 năm cải cách nền kinh tế đã có những bước tiến triển tích cực, tuy nhiên kết quả vẫn còn rất chậm và chưa được như kỳ vọng.

Kinh tế tăng trưởng nhanh

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, qua sự phát triển của nền kinh tế trong năm 2017, cũng như hơn 30 năm đổi mới, tầm vóc, vị thế và uy tín của Việt Nam đã được nâng lên một tầm cao mới; được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá trong hội nhập và thực hiện các cam kết quốc tế.

Thứ hạng của Việt Nam trên nhiều bảng xếp hạng của thế giới được cải thiện đáng kể, như: chỉ số môi trường kinh doanh tăng 9 bậc, chỉ số năng lực cạnh tranh tăng 5 bậc, chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 12 bậc, xếp hạng về triển vọng của Việt Nam nâng từ mức ổn định lên mức tích cực.

“Thành tựu này có ý nghĩa thiết thực, khẳng định nước ta đã lớn mạnh, không còn là một nước nhỏ, kém phát triển, góp phần đưa đất nước tham gia vào những sân chơi mới của thế giới, vừa làm cho đất nước phát triển, vừa đóng góp vào thịnh vượng chung của thế giới và khu vực”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, kết quả phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2018 là hết sức khả quan, tiếp nối được đà phát triển của năm 2017. Trong trung và dài hạn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ hứa hẹn cả những cơ hội và thách thức đan xen. Một số dự báo cho rằng, tăng trưởng GDP trung bình của Việt Nam giai đoạn 2018-2020 có thể đạt 6,85%, có năm đạt trên 7%.

“Mục tiêu mà Việt Nam hướng tới là sự tăng trưởng bứt phá, tăng trưởng nhanh và bền vững trên cơ sở tận dụng thành tựu khoa học công nghệ của nhân loại, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại, có nền kinh tế thị trường tiên tiến, phát triển nhanh, bền vững… “, Bộ trưởng Dũng cho hay.

Nói về động lực tăng trưởng kinh tế, ông Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cũng cho rằng cho rằng, thu hút đầu tư nước ngoài và kinh tế tư nhân đang đóng góp rất quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.

“Năm 2017, vốn FDI thực hiện đạt mức kỷ lục 17,5 tỷ USD. Năm nay tôi cho rằng vốn FDI thực hiện sẽ đạt khoảng 19 tỷ USD. FDI cùng kinh tế tư nhân sẽ trở thành vai trò động lực giúp cho nền kinh tế Việt Nam vững vàng hơn”, ông Nguyễn Mại nhấn mạnh.

Nếu không quyết liệt "cởi trói" cho các doanh nghiệp tư nhân, nguy cơ doanh nghiệp Việt Nam một lần nữa thua trên sân nhà. Ảnh minh họa

Cần xoay chuyển cả hệ thống

Trong khi đó, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thẳng thắn cho rằng cải cách trong thời gian qua dù có chút tiến triển, song nhìn chung tốc độ còn rất chậm và chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp.

Dẫn chứng từ Nghị quyết 19 của Chính phủ với mục tiêu đến năm 2015 môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt mức trung bình của ASEAN 4, ông Thắng đã chỉ ra những bất cập trong việc thực hiện những chỉ tiêu này, dẫn đến tình trạng trên nóng, dưới lạnh.

“Để đạt được mục tiêu ASEAN 4, chúng ta phải xếp thứ 40 trên thế giới. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam lại đang đứng ở vị trí 86. Từ tháng 8 năm ngoái, Chính phủ chỉ đạo phải xoá bỏ 50% các điều kiện kinh doanh nhưng đến nay qua đã gần 1 năm, kết quả vẫn không như kỳ vọng".

Đồng tình với ý kiến trên, ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) cho rằng, trong thời tới Chính phủ cần phải xây dựng được chế tài để xoay chuyển được cả hệ thống, thay vì chỉ có người lãnh đạo. Đồng thời, tiến hành loại bỏ ngay các giấy phép con, các văn bản, quy định pháp luật đang cản trở doanh nghiệp tư nhân phát triển. Còn về trung hạn và dài hạn, cần phải cấu trúc lại bộ máy để hình thành đúng nghĩa nhà nước kiến tạo phát triển.

Bên cạnh đó, mặc dù đánh giá doanh nghiệp FDI cùng các doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ là trụ cột cho phát triển kinh tế trong tương lai. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh lại bày tỏ lo ngại khi cho rằng các doanh nghiệp FDI đang lấn át các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Ở một số ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, điển hình là công nghiệp chế tạo, doanh nghiệp FDI đang chiếm ưu thế vượt trội so với các doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiện này vốn đầu tư xã hội của doanh nghiệp FDI đang có tỉ trọng cao, chiếm tới 25%. “Và nhiệm vụ của chúng ta là làm sao để doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển nhanh hơn doanh nghiệp FDI. Nếu doanh nghiệp tư nhân không tự đổi mới, không thu hẹp được khoảng cách, thì trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay, chúng ta có thể sẽ tiếp tục bị bỏ xa khoảng cách”, ông Dũng cho hay.

Theo Dương Hưng/Tiền Phong

Có thể bạn quan tâm