Ràng buộc hơn để?

Trước sự việc nhiều DN xuất khẩu gạo “xù” hợp đồng đấu thầu gạo dự trữ quốc gia (đợt 1), Tổng cục dự trữ Nhà nước đã yêu cầu Cục dự trữ Nhà nước các khu vực nâng cao biện pháp ràng buộc với các DN tham gia đấu thầu đợt 2.
Ràng buộc hơn để?

Cụ thể là mức bảo lãnh dự thầu được nâng lên gấp đôi (3%) trên giá gói thầu, chạm mức tối đa - đang được pháp luật quy định.

Hiện, các biện pháp xử phạt các DN trúng thầu nhưng từ chối ký hợp đồng đều được thực hiện theo các quy định trong thuật Luật Đấu thầu. Cụ thể, nếu DN trúng thầu không tới ký hợp đồng thì biện pháp chế tài là thu bảo lãnh dự thầu. Luật Đầu thầu chỉ cấm DN tham gia đấu thầu từ 3 năm đến 5 năm (và chịu phạt tối đa bằng 8% giá trị không thực hiện) nếu DN này đã ký hợp đồng mà không thực hiện hoặc không giao đủ số lượng theo hợp đồng đã ký.

Điều này khiến cho các DN từ chối ký hợp đồng chỉ mất tiền bảo lãnh dự thầu và vẫn có đủ “điều kiện pháp nhân” để tiếp tục tham gia đấu thầu trong đợt mở thầu lần 2 này. Bằng chứng là trong báo cáo của nhiều Cục dự trữ Nhà nước một số khu vực (tính đến 18/5), nhiều DN trúng thầu đợt 2 là những cái tên đã từ chối ký hợp đồng đợt 1. Đơn cử là Công ty TNHH Thủy Long Hà Nam, Công ty TNHH Phú Minh Hưng, Công ty Cổ phần lương thực Cao Lạng, Công ty TNHH Phát Tài...

Áp lực phải mua đủ lượng gạo dự trữ do diễn biến khó lường của dịch Covid-19, có lẽ, là tác nhân khiến Tổng cục dự trữ phải nhanh chóng mở thầu đợt 2. Giải pháp tình thế để ngăn chặn “vết xe đổ” của lần đấu thầu trước, hiện – chỉ có thể là – nâng mức bảo lãnh dự thầu.

Trong thời gian tới, Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết, đã kiến nghị sửa đổi Luật Đấu thầu, bổ sung các chế tài để có thêm ràng buộc với các nhà thầu, không riêng chỉ có mua gạo dự trữ quốc gia mà cho nhiều mặt hàng và các lĩnh vực khác.

Gạo, hay nói rộng hơn là lương thực, luôn là một trong 12 nhóm hàng thuộc Danh mục hàng dự trữ quốc gia – nhóm hàng chiến lược, thiết yếu, có tần suất sử dụng nhiều, có tác dụng ứng phó kịp thời trong các tình huống đột xuất, cấp bách; là mặt hàng đặc chủng, không thể thay thế.

Vậy, có nên chăng, cần có cả một bộ “khung pháp lý” đối với các DN tham gia đấu thầu. Ngoài áp dụng quy định của Luật Đấu Thầu (nếu được sửa đổi trong thời gian tới), các cơ quan Nhà nước thì có nên sửa đổi cả quy định trong Luật dự trữ Nhà nước, thậm chí là sử dụng cả “sức mạnh” của Luật Hình sự và Luật an ninh quốc gia dành cho các tổ chức, DN vi phạm những vấn đề liên quan đến trọng yếu của đất nước.

Tạo ra ràng buộc để có chế tài xử phạt khi DN không thực hiện đúng cam kết nhưng quan trọng hơn là phải để chế tài đó không tạo nên bất cứ cơ hội nào cho DN “từng vi phạm” lại tiếp tục được “có cơ hội” để có thể vi phạm. Đó mới là pháp trị.

Có thể bạn quan tâm