Rủi ro lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam đến từ đâu?

Theo các chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao hay thấp sẽ phụ thuộc vào việc doanh nghiệp và Chính phủ có chịu thay đổi hay không, chứ không phải bởi tác động của chiến tranh thương mại Mỹ
Rủi ro lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam đến từ đâu?

Các diễn giả trong buổi toạ đàm với chủ đề Tạo những chính sách tốt nhất để phát triển kinh doanh tại Diễn đàn kinh doanh 2018 do Forbes vừa tổ chức cũng cho rằng: chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam (chỉ cần nó không leo thang thêm nữa).

Tăng trưởng của nền kinh tế trong 6 tháng còn lại của năm 2018 sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào tiến trình cải cách thể chế - hành chính của Chính phủ, cũng như khả năng tận dụng cơ hội của các doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành – Giảng viên trường Fullbright, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ dẫn đến rủi ro về tỷ giá. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ có sự ứng biến phù hợp, sẽ không thả nổi như năm 2016.

Mỹ áp thêm 10% thuế lên 34 tỷ USD giá trị hàng của Trung Quốc không hề nhiều. Trung Quốc đã không can thiệp mà chủ động để đồng Nhân dân tệ rớt giá, nhằm tạo điều kiện cho xuất khẩu của quốc gia này. Hiện tại, tỷ giá đồng nhân dân tệ đã giảm xuống 8%, như năm 2016. Rút kinh nghiệm năm 2016, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh nhẹ nhàng, hạ tỷ giá VND xuống 1%.

Sắp tới, cho dù đồng nhân dân tệ có giảm giá xuống sâu hơn nữa, Chính phủ cũng chỉ điều chỉnh giảm xuống một cách nhẹ nhàng, làm sao để VND không vượt quá 3% so với USD, vì thấp hơn nữa sẽ không ổn.

Nếu Mỹ tiếp tục áp thêm 10% thuế suất lên 200 tỷ USD giá trị hàng của Trung Quốc, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam.

Hiện tại, với 34 tỷ USD, những mặt hàng Trung Quốc mà Mỹ nhắm đến bao gồm: thép, máy móc, thiết bị điện; nếu lên 200 tỷ USD sẽ thêm đồ nội thất, thủy sản nhưng không có may mặc và giày dép.

Nếu nhìn ở khía cạnh thuận lợi, những mặt hàng nội thất, thủy sản, may mặc và giày dép của Việt Nam sẽ bớt đối thủ cạnh tranh hùng mạnh khi xuất vào Mỹ; ngược lại, hàng Trung Quốc cũng sẽ vào Việt Nam nhiều hơn.

“Hiện vẫn có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp tư nhân trong việc tiếp cận nguồn lực vốn và đất đai. Doanh nghiệp tư nhân nào có hậu thuẫn phía sau sẽ thắng chứ không phải căn cứ vào tiềm lực phát triển, tình hình kinh doanh hay dự án. Nhà nước nên tập trung vào phát triển an sinh – xã hội để nâng cao năng lực lao động sản xuất hơn là tự tung tiền đi làm kinh tế. Thực tế cho thấy, Nhà nước tự đi làm kinh tế không hiệu quả”, ông Thành đề nghị.

Đồng quan điểm về vấn đề tỷ giá với vị chuyên gia đến từ Fullbright, ông Phạm Hồng Hải – CEO HSBC Việt Nam nhìn nhận, Trung Quốc cũng là một trong những quốc gia giữ vai trò mỏ neo của nền tiền tệ thế giới. Như năm 2016, nếu đồng tiền nào cũng phá giá hết thì thị trường sẽ quay trở lại điểm khởi đầu. Việt Nam sẽ không chấp nhận biến động giá mạnh, sẽ không có chuyện tỷ giá VND giảm từ 5% đến 10%.

Bên cạnh đó, chúng ta không thể cứ phát triển kinh tế dựa vào xuất khẩu, mà nên chuyển sang kích cầu nội địa. Chính phủ nên chấp nhận để thị trường tự chạy, chỉ đóng vai trò giám sát và điều chỉnh hợp lý, giúp thị trường ổn định, bình ổn tâm lý doanh nghiệp.

“Vấn đề vẫn là ở chỗ thi hành các chỉ đạo cải cách tại các bộ ngành. Nhiều quản lý bộ ngành rất ngại khi doanh nghiệp đệ trình xin cấp phép cái gì đó. Lý luận của họ thường thế này: ý tưởng của doanh nghiệp rất tốt, nhưng vì chưa có cơ sở pháp lý, thôi thì doanh nghiệp cứ chờ, chờ qua vài năm thì ý tưởng đó cũng đã không dùng được nữa.

Các công ty vừa và nhỏ (SMEs) chiếm 95% cơ cấu doanh nghiệp của Việt Nam – chủ thể chính của nền kinh tế đang hoàn toàn bị ngó lơ, tất cả đều đang tự bơi. Vì không được hỗ trợ vốn và công nghệ, nên họ không thể chen chân được vào chuỗi cung ứng toàn cầu hay phụ trợ cho các tập đoàn FDI”, ông Hải phân tích.

Trong khi đó, theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ lo lắng cho nền kinh tế Việt Nam khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang thêm; còn nếu như tình trạng hiện tại, chỉ cần Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam chịu thay đổi, tăng trưởng sẽ tốt.

“Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung với quy mô như hiện nay, sẽ không ảnh hưởng lớn đến Việt Nam, nhưng khi chiến tranh leo thang sẽ khác, vì nó sẽ gây ra tình trạng đổi chiều trong thương mại quốc tế. Ví dụ, nếu hàng Trung Quốc không nhập qua Mỹ được, có nguy cơ nó sẽ tràn vào Việt Nam, cạnh tranh ở thị trường nội địa sẽ khốc liệt hơn.

Ngoài ra, việc thị trường thế giới sắp xếp lại sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, quan trọng là các doanh nghiệp có nỗ lực để nắm bắt hay không”, ông Lộc bình luận.

Chính phủ vẫn đang nỗ lực cải cách thể chế - hành chính nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn. Lộ trình là phải có công tác thủ tục tiên tiến như các nước trong ASEAN. Rủi ro lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế không phải từ bên ngoài mà từ bên trong, nếu chúng ta không chịu thay đổi.

Hiện tại, năng lực cạnh tranh của chúng ta chỉ đứng thứ 5 và 6 trong ASEAN, vẫn chưa đạt đến chuẩn mực quốc tế. Chỉ cần chúng ta làm tốt việc cải cách thủ tục hành chính là có thể đẩy nền kinh tế đi lên. Chìa khoá phát triển của Việt Nam hiện tại vẫn là cải cách thể chế - hành chính.

Các chuyên gia đều cho rằng, trong tình hình xáo trộn như hiện tại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lẫn cơ hội. Nhiều khi, chính áp lực giúp doanh nghiệp phát triển nhanh hơn, do đó, các doanh nghiệp nên có những kịch bản khác nhau để kịp ứng phó với rủi ro, tận dụng tốt nhất cơ hội.

Theo The Leader

Có thể bạn quan tâm