Sau em là khoảng trống

Thiên hạ vẫn nói: “Phía sau sự thành đạt của người đàn ông luôn có bóng dáng một người phụ nữ”. Còn ngược lại thì sao?

Người đứng phía sau cho những thành đạt của người đàn ông chính là người vợ (hoặc người tình nếu ai đó chưa có vợ). Nàng chăm lo, ổn định “hậu phương”, gánh hết mọi trách nghiệm nuôi dạy con cái, ăn ở với hai bên nội ngoại… cho chồng rảnh rang, toàn tâm toàn ý dồn hết mọi trí lực cho việc kinh doanh. Như vậy là trong cái sự thành đạt của người chồng kia rõ ràng là có tới 50% công sức của người vợ.

Sự thành đạt của người phụ nữ là nhờ vào đâu?
Sự thành đạt của người phụ nữ là nhờ vào đâu?

Phía sau sự thành đạt của phụ nữ nói chung, doanh nhân nói riêng là ai? Có phải là một người đàn ông không? Câu trả lời là: Phía sau đó thường là một KHOẢNG TRỐNG. Khoảng trống này là vô cùng, vô tận, mênh mông, không dễ gì có thể khoả lấp. Nói “thường là” có nghĩa không phải là tất cả, là phổ biến, đa số. Không phủ nhận có những người chồng đã lui lại phía sau, lui vào “cánh gà”, sẵn sàng thay vợ gánh thiên chức phụ nữ muôn đời để vợ mình thoả sức phát huy tài năng. Nhưng hiếm, rất hiếm so với ngược lại: Không thông cảm, thậm chí còn ngáng trở, chẳng những không đóng góp, chia vui với thành công của vợ mà còn tỏ ra cay cú dẫn tới những hành xử cực đoan: Bất thuỷ chung, tìm thú vui khác ngoài cuộc sống gia đình. Không ít trường hợp đã “bỏ của chạy lấy người”, đã quay lưng lại quá khứ từng rất đẹp, đã vứt bỏ mọi kỷ niệm hai người từng tạo dựng từ những ngày tháng vất vả nhưng êm đềm. Họ trắng trợn phản bội vợ mình chỉ vì nàng quá thành công trong sự nghiệp. Cái điều đáng lý ra phải khiến người chồng tự hào với xã hội thì cay đắng thay, lại khiến họ như phải nuốt trái đắng.

Tất nhiên, dẫn tới hậu quả đáng buồn trên cũng có phần lỗi của bản thân các chị em. Quá say mê công việc, quá bận rộn đã khiến chị em không còn thời gian để chăm lo việc gia đình, sao nhãng trách nhiệm làm vợ và quên lãng việc chăm chút bản thân để hình hài xuống cấp, đã “phấn son trễ nải, lơ đãng tình nồng”. Mà đàn ông vốn luôn thích cái mới và rất nặng về hình thức bên ngoài. Họ luôn mê nhan sắc của phụ nữ trong khi ngược lại, phái yếu không nặng về hình hài bên ngoài của đàn ông mà chú trọng những phẩm chất thuộc về tính cách, tâm hồn. Câu chuyện có thật sau đây rất đáng để chị em thành đạt tham khảo, rút ra một điều gì đó có ích cho bản thân.

Tôi có một người bạn. Ông là GS,TS, có uy tín chuyên môn trong một ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội. Vợ ông đứng đầu một công ty Nhà nước, nay cổ phần hoá. Công ty của chị ăn nên làm ra ngay cả khi đại dịch xuất hiện rồi lây lan… Chị kém chồng nhiều tuổi và xinh đẹp trong khi ông chỉ tài giỏi chứ nhìn bên ngoài thì rất “cọc cạch” so với vợ. Nhưng chị rất yêu chồng, đã thuê ô-sin để thay mình chăm sóc chồng chu đáo do công việc mà luôn phải vào Nam, ra Bắc, rồi thường xuyên đi nước ngoài. Có khi chị vắng nhà đến cả tháng liền. Khi không đi đâu, chỉ ở Hà Nội nhưng nhiều ngày chị không ăn cơm bữa chiều, về nhà rất muộn do phải tiếp rồi chiêu đãi các đối tác đến tận khuya mới về. Hai người chỉ có một đứa con đi học ở nước ngoài. Phần lớn các bữa cơm chỉ có ông và ô-sin ăn cơm với nhau. Cô ta đáng tuổi con, gọi ông là “bác”, gọi người vợ là “cô”. Ông làm công tác nghiên cứu nên ít đến cơ quan, thi thoảng giảng dạy theo tiết, phần nhiều ở nhà.

Thế rồi sau một thời gian không liên lạc với nhau, đùng một cái, tôi nhận được tin ông bạn đã ly hôn và lấy vợ mới ngay sau đó. Người vợ mới không ai khác, chính là cô ô-sin chỉ đáng tuổi con ông, mới học hết THCS, không vào được THPT, không muốn ở nhà làm ruộng cùng bố, mẹ nên đã lên Hà Nội làm nghề giúp việc gia đình. Về mọi mặt (nhan sắc, trình độ học vấn, gia thế, đẳng cấp…), cô vợ mới đều thua xa người vợ cũ.

Biết tin, tôi tìm đến ông bạn để thăm thì thấy cặp vợ chồng mới vô cùng lệch về mọi phương diện nhưng sống hạnh phúc. Ông bạn tôi tỏ ra rất mãn nguyện. Người vợ khi ly hôn đã để lại toàn bộ ngôi nhà 3 tầng với mọi tiện nghi đắt tiền trong nhà cho ông. Chị dễ dàng mua ngay một căn hộ mới tại một khu chung cư cao cấp.

Nói chuyện với người vợ cũ là doanh nhân, chị cho biết bất hạnh đến với chị thật đột ngột khi một lần, chị đi công tác vào Sài Gòn nhưng trở ra đột ngột, sớm hơn dự định do công việc xong sớm. Người chồng hoàn toàn không lường tới khả năng này nên đã thoả sức ân ái với cô ô-sin. Chị về, bắt được quả tang. Quá sốc, chị chết lặng, không nói được gì. Đều là trí thức, hiểu biết, cả hai người đều xử sự có văn hoá. Người vợ không đánh ghen. Còn người chồng thì xin lỗi vợ.

Cô vợ đề nghị ly hôn. Người chồng chỉ chờ có thế. Cuộc chia tay diễn ra nhanh chóng sau đó.

Tất nhiên, bi kịch hạnh phúc của cặp vợ chồng trên cũng không phải là phổ biến tuy không quá hiếm. Nhiều hơn là sự cô đơn, trống rỗng trong tâm hồn của những người phụ nữ thành đạt trong cuộc sống lứa đôi mặc dù tổ ấm gia đình vẫn được duy trì. Nhìn bề ngoài, vẫn có vẻ bình yên, hạnh phúc nhưng sự thật là “Dù tin tưởng ở một đời một mộng / em là em, anh vẫn cứ là anh / Có thể nào qua vạn lý trường thành / của hai vũ trụ chứa đầy bí mật” (Xuân Diệu). Mái ấm gia đình không phá vỡ nhưng giữa hai người đã có hố sâu ngăn cách không thể vượt qua.

Người đàn ông thường hay bị rơi vào nghịch cảnh: Nếu cô vợ thành đạt - tức phải giỏi giang, thông minh, có trí tuệ, hiểu biết hơn người, có khi hơn hẳn mình nên tự ti, mặc cảm, tự mình lùi xa vợ. Và thế là người vợ thấy trống rỗng, cô đơn khi “đối tác tâm hồn” không hiểu được mình, không có khả năng đồng cảm, chia sẻ. Nếu bản thân người chồng tài giỏi nhưng không thích vợ cũng tài giỏi như mình. Anh ta cần nàng trở về vị trí người vợ truyền thống tức là lo tề gia, nội trợ. Nói huỵch toẹt ra là anh ta cần người vợ thấp kém hơn mình để dễ bề “cai trị”, gia trưởng. Mà những người vợ thành đạt lại không bao giờ chịu như vậy. Thà ly hôn để được tự do còn hơn bởi “tự do” luôn là hai tiếng ngọt ngào!

Phía sau sự thành công của người đàn bà thành đạt - đặc biệt là những nữ doanh nhân - thường là khoảng trống bởi thế!.

Có thể bạn quan tâm