Sẽ lấy thông tin giao dịch trên mạng xã hội làm đầu vào cho dữ liệu chống hàng giả

Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử…
Sẽ lấy thông tin giao dịch trên mạng xã hội làm đầu vào cho dữ liệu chống hàng giả
Lấy thông tin giao dịch trên mạng xã hội làm đầu vào cho dữ liệu chống hàng giả

Một trong những nội dung quan trọng được nêu trong quyết định là xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử (sàn giao dịch thương mại điện tử, hệ thống thông tin giao dịch điện tử, dữ liệu giao dịch điện tử, cơ chế kiểm soát hàng hóa trong giao dịch điện tử,...) và kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu liên quan của các lực lượng chức năng thuộc các bộ, ngành.

Để xây dựng được cơ sở dữ liệu quan trọng này, Chính phủ sẽ thu thập dữ liệu về giao dịch thương mại điện tử trên các nền tảng mạng xã hội để bổ sung nguồn dữ liệu đầu vào cho cơ sở dữ liệu tập trung về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng.

Ngoài ra, đề án cũng dự tính xây dựng cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử cho phép kết nối, chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm giữa các cơ quan, lực lượng chức năng có liên quan. Tăng cường hoạt động phối hợp, thanh tra, kiểm tra, phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trong hoạt động thương mại điện tử”, đề án nêu rõ.

Các hành động trên được đưa ra nhằm hiện thực hoá 4 mục tiêu chính mà đề án muốn hướng tới.

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nhãn hàng hóa trong hoạt động thương mại điện tử; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; đẩy mạnh hoạt động triển khai áp dụng mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

Thứ hai, phát triển hạ tầng, cải tiến công nghệ; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng để quản lý tập trung, xuyên suốt, đồng bộ phục vụ hiệu quả công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử.

Thứ ba, 100% đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử được đào tạo, trang bị kiến thức về thương mại điện tử, có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thứ tư, 100% các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn ký cam kết không kinh doanh hàng giả; 100% các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử lớn được tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về thương mại điện tử, pháp luật chuyên ngành đối với các hàng hóa do tổ chức, cá nhân kinh doanh; 100% người tiêu dùng được tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ quyền lợi của mình...

Hiện, theo Sách Trắng Thương mại điện tử Việt Nam ước tính hiện có khoảng 57-60 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị chi tiêu bình quân đầu người là 260-285 USD một năm. Quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2022 ước đạt 16,4 tỷ USD và đến năm 2025, có thể cán mốc 49 tỷ USD.

Tuy nhiên, cũng như một số quốc gia khác, người tiêu dùng tại Việt Nam đang dấy lên mối lo ngại về chất lượng sản phẩm và trách nhiệm cụ thể của những đơn vị trên các sàn thương mại điện tử.

Có thể bạn quan tâm