Sở GTVT TP. HCM đề xuất xây sân bay nhỏ ở Cần Giờ

Đại diện Sở GTVT TP. HCM đề xuất bổ sung sân bay cỡ nhỏ ở huyện Cần Giờ và nghiên cứu bổ sung 1 số sân bay trực thăng tại các điểm thuận lợi trên địa bàn TP. HCM như Củ Chi, Thủ Đức.
Sở GTVT TP. HCM đề xuất xây sân bay nhỏ ở Cần Giờ

Tại hội nghị góp ý về quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường sắt, sân bay vùng TP. HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Trưởng phòng Xây dựng Đường bộ Sở GTVT TP. HCM Vương Quang Hưng đề cập về các đơn vị tư vấn nghiên cứu bổ sung sân bay cỡ nhỏ (sân bay trực thăng) cho huyện Cần Giờ.

Sau khi tổng hợp ý kiến góp ý của các Sở, ngành, ông Vương Quang Hưng, Trưởng phòng Xây dựng Đường bộ Sở GTVT TP đề nghị đơn vị tư vấn thực hiện đồ án rà soát, xem xét tỷ lệ phân chia các phương thức vận tải để xác định thứ tự ưu tiên, từ đó xây dựng quy hoạch phù hợp.

Về mạng lưới sân bay, đại diện Sở GTVT TP. HCM đề xuất bổ sung sân bay cỡ nhỏ ở huyện Cần Giờ. Nguyên nhân, huyện này đã được quy hoạch là 1 trong 4 khu đô thị mới của thành phố, tương lai sẽ phát triển mạnh mẽ về dịch vụ, kinh tế, xã hội. Việc xây dựng sân bay sẽ hỗ trợ rất nhiều trong công tác triển khai hoạt động cứu hộ, cứu nạn, phòng cháy chữa cháy và phát triển kinh tế.

Ngoài ra, đơn vị này cũng đề xuất nghiên cứu bổ sung 1 số sân bay trực thăng tại các điểm thuận lợi trên địa bàn TP. HCM như Củ Chi, Thủ Đức; Nghiên cứu dời sân bay Tân Sơn nhất đến các điểm thuận lợi cho kết nối đô thị như Củ Chi...

Cập nhật quy hoạch xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn đến Cộng Hòa, cập nhật các tuyến metro kết nối sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành để làm cơ sở pháp lý nhanh chóng triển khai thực hiện ngay trong giai đoạn 2021 - 2030.

Theo đại diện Sở GTVT TP. HCM, huyện Cần Giờ ngoài lợi thế sở hữu khu du lịch lớn đến 2.800 ha, đây cũng là một trong 4 khu đô thị mới được đề xuất quy hoạch. Việc bổ sung sân bay sẽ tăng phương thức kết nối giao thông từ Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) đến khu du lịch Cần Giờ; đáp ứng nhu cầu dịch vụ, du lịch và phát triển kinh tế, xã hội khu vực.

Tương lai, khi hình thành cảng hàng không mới, khách du lịch quốc tế và trong nước có nhu cầu đến Cần Giờ sẽ trực tiếp ra vào cảng hàng không mà không cần đi qua vùng lõi TP. HCM. Điều này sẽ góp phần giảm bớt lưu lượng, mật độ xe cộ và ùn tắc giao thông.

Trước đó, tháng 6/2020, Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh diện tích Khu đô thị lấn biển Cần Giờ từ 600 ha lên 2.870 ha với tổng mức đầu tư hơn 217.000 tỷ đồng. Dự án nằm tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, do Công ty CP Đô thị Du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư. Trong đó, vốn chủ sở hữu hơn 32.500 tỷ đồng (chiếm 15% tổng mức đầu tư); còn lại là vốn vay thương mại. Thời hạn thực hiện dự án 50 năm. TP. HCM đang triển khai nhiều đầu việc để thực hiện dự án này.

Mới nhất, văn bản Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TP. HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 do Sở Quy hoạch và Kiến trúc vừa gửi UBND TP. HCM để trình HĐND thành phố tại kỳ họp sắp tới cũng đề xuất quy hoạch Thành phố thành 4 khu đô thị mới gồm cảng Hiệp Phước, khu đô thị Tây Bắc, khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa và khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.

Có thể bạn quan tâm