Sự thật phía sau nguyên nhân ra đời của ngày nghỉ cuối tuần

Ông chủ Henry Ford giúp 'phát minh' ra 2 ngày nghỉ cuối tuần, nhưng vì một lý do 'nguy hiểm' khiến người đi làm không ngờ tới!
Sự thật phía sau nguyên nhân ra đời của ngày nghỉ cuối tuần

Ai đi làm mà chả mong ước được nghỉ ngày cuối tuần. Tuy nhiên, năm 1926, khi Henry Ford giúp 'phát minh' và phổ biến khái niệm 'tuần làm việc 5 ngày' mà chúng ta được thừa hưởng, ông có một 'mưu tính' hoàn toàn khác trong đầu.

Câu chuyện bắt đầu vào năm 1914 khi một trong con người ảnh hưởng nhất nước Mỹ, Henry Ford nâng mức lương hằng ngày cho các công nhân của mình từ 2,34 đô lên 5 đô. Đây là một quyết định vô cùng táo bạo và tạo nên một làn sóng ủng hộ lớn trong dư luận.

Hàng nghìn người xuất hiện tại các nhà máy để hy vọng có việc làm, tạo ra một đám đông lớn đến mức sở cảnh sát phải xua đuổi họ bằng vòi cứu hỏa giữa mùa đông lạnh giá.

Nhưng sự kiện tăng lương không phải là hành động cảm thông của nhà tài phiệt đối với hàng nghìn nhân viên của mình. Ford chỉ bị thuyết phục chấp nhận tăng lương khi phó chủ tịch của ông, James Couzens, chỉ ra rằng hành động 'nghĩa hiệp' này không chỉ được lòng dân chúng, mà bởi lẽ: khi nhiều tiền, các công nhân sẽ có động lực chi tiêu mạnh tay hơn – và có thể lại quay sang mua chính xe Ford.

Năm 1926, Ford áp dụng nguyên lý tương tự khi ông giới thiệu tuần làm việc 5 ngày. (Trước đó, người đi làm ở hầu hết các nước vẫn đấu tranh kiên cường để được nghỉ ngày thứ bảy. )

"Mọi người khi có nhiều thời gian rảnh hẳn phải có nhiều quần áo hơn", ông lập luận, "Họ sẽ phải ăn nhiều loại thực phẩm hơn. Họ sẽ cần sử dụng nhiều phương tiện giao thông hơn".

Ford, có lẽ vô tình, đã tạo ra một nghịch lý mà mỗi người đi làm hiện đại ngày nay đều gặp phải: cuối tuần vừa là thời gian để nghỉ ngơi và vừa là thời gian để đi mua sắm, tiêu thụ.

Nói theo góc độ khác, cuối tuần chỉ là một trò ảo thuật của các công ty, một củ cà rốt khiến những người đi làm tưởng mình được nghỉ, nhưng thực ra họ chỉ đang làm một công việc khác: mua sắm.

Như nhà kinh tế học John Kenneth Galbraith chỉ ra, sứ mệnh của sản xuất – và doanh nghiệp – là "tạo ra những nhu cầu, rồi tìm cách thỏa mãn chúng" – và cuối tuần là thời gian hoàn hảo để người tiêu dùng thỏa mãn các nhu cầu đó.

Thử tượng tượng nếu không có hai ngày nghỉ cuối tuần, nền kinh tế sẽ ảm đạm ra sao. Các khu mua sắm, vui chơi, giải trí sẽ vắng bóng người, rạp chiếu phim cũng không thể tăng giá cuối tuần vì ít người đến xem, các nhà hàng cũng không có khách...vì tất cả mọi người vẫn đang ngồi làm việc. Nếu chỉ được nghỉ mỗi ngày chủ nhật, thì họ lại quá mệt mỏi, chỉ muốn nghỉ ở nhà mà không chịu ra đường...mua sắm và tiêu dùng.

Những người đi làm mất gần 100 năm đấu tranh để được nghỉ ngày cuối tuần, nhưng họ lại dành khoảng thời gian quý báu này để làm một công việc mới là: mua sắm và tiêu thụ.

Mặt tích cực của "phát minh" 2 ngày nghỉ cuối tuần này là: nền kinh tế sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, người dân tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ nhiều hơn, các công ty bán được hàng mạnh hơn. Nhưng mặt trái là con người cũng sẽ mãi không bao giờ thoát khỏi guồng quay "làm việc", chỉ là ở dưới một hình thức khác.

(Theo Tri Thức Trẻ - Tựa bài do DNSG Online đặt lại)

Có thể bạn quan tâm