Sức bật của nhiều thành phần kinh tế

Tổng cục Thống kê đã công bố, tốc độ tăng GDP cả nước trong Quý I/2018 đạt 7,38% - mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Đây là một tín hiệu đáng mừng của nền kinh tế. Hiện, Chính phủ đã thống nhất mục
Sức bật của nhiều thành phần kinh tế

Hai con số này đang đặt ra bài toán về công cuộc điều hành của Nhà nước và “sức bật” của nhiều thành phần kinh tế để đạt đúng tiêu chí đề ra. Thương Gia đã có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Đức Độ - Viện Kinh tế tài chính – Học viện Tài chính về vấn đề này.

Thưa ông, dù tốc độ tăng GDP cả nước trong Quý I/2018 đạt 7,38%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây nhưng Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, kết quả này được tiếp đà từ Quý cuối năm 2017 và tốc độ tăng trưởng những quý sau có thể chậm lại. Điều này có gây ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng GDP của cả năm 2018 đã được xác định là 6,7% hay không?

Theo quan điểm của tôi, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam bắt đầu đột phá từ Quý III/2017 khi cả Samsung và Formosa tăng mạnh sản lượng. Cho nên, nhìn vào quá trình và diễn biến tăng trưởng, tôi cho rằng, tốc độ tăng trưởng nhiều khả năng sẽ bắt đầu chậm lại từ Quý III/2018 vì phải so với mức sản lượng cao của cùng kỳ năm trước. Tương tự, sản lượng của Quý IV năm 2018 cũng phải so với mức sản lượng cao của quý IV/2017 nên khó có đột biến về tăng trưởng.

Tuy nhiên, với mức tăng trưởng cao trong Quý I và có thể cả trong Quý II của năm nay và nếu kinh tế thế giới vẫn tăng trưởng ổn định như hiện nay, vẫn có khả năng mục tiêu tăng trưởng năm 2018 có thể đạt 6,5-6,7%.

Nếu kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam vì những lĩnh vực liên quan như xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và lượng khách du lịch quốc tế bị sụt giảm khiến mục tiêu tăng trưởng gặp nhiều thách thức.

GS. Trần Thọ Đạt có nhận định, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam phải đạt từ 7-8% trong 2-3 năm thì mới có thể được coi là "đã bước sang quỹ đạo tăng trưởng mới". Ông có đồng tình với quan điểm này không?

Thống kê trong vòng 20 năm qua chỉ rõ, kinh tế Việt Nam tăng trưởng trung bình khoảng 6,5%/năm. Hơn nữa, những năm đạt tốc độ tăng trưởng trên 7% không nhiều và chủ yếu do đầu tư tăng đột biến nhờ vay nợ nước ngoài và bùng nổ tín dụng.
Đến nay, nợ công và nợ xấu đều đã ở mức cao nên khả năng tăng đầu tư để đạt tốc độ tăng trưởng cao trên 7% trong 2-3 năm là khó khả thi. Trong bối cảnh hiện nay, đạt được mục tiêu tăng trưởng trung bình 6,5%/năm trong 5-10 năm, theo quan điểm của tôi, đã là thành công rồi.

Từ góc nhìn của một chuyên gia kinh tế theo ông, kinh tế Việt Nam có những nhân tố tăng trưởng chủ chốt nào hiện nay? Và chúng ta cần làm gì để nắm chắc các nhân tố tăng trưởng đó?

Theo nhìn nhận của tôi, cho đến nay, mô hình tăng trưởng của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào vốn. Nhưng vì khả năng vay nợ của nền kinh tế đã đạt giới hạn và khó tăng mạnh nên để tăng vốn đầu tư cho nền kinh tế, Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như kiều hối. Nếu môi trường kinh doanh được cải thiện, kinh tế vĩ mô ổn định người dân cũng sẽ giảm nắm giữ các tài sản đầu cơ như vàng, USD để đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thật ra, việc khuyến khích người dân tiết kiệm luôn là một giải pháp quan trọng. Kinh tế Trung Quốc trước đây cũng đã từng có thời kỳ tăng trưởng 10%/năm nhờ tỷ lệ tiết kiệm lên đến gần 50% GDP. Với hiệu quả sử dụng vốn ở mức khoảng 5 đồng, vốn đầu tư sinh ra một đồng sản lượng thì tỷ lệ tiết kiệm chưa đến 30% GDP của Việt Nam hiện nay chỉ có thể tạo ra mức tăng trưởng kinh tế khoảng 6%/năm hoặc cao hơn một chút.

Muốn có tốc độ tăng trưởng 7% hoặc cao hơn nữa thì Việt Nam hoặc phải tăng tỷ lệ tiết kiệm hoặc phải dựa nhiều hơn vào các nguồn lực bên ngoài. Và tất nhiên đó không phải là các nguồn vốn vay vì quy mô nợ công và nợ tư nhân của nền kinh tế hiện nay đã ở mức tương đối cao.

Như ông đã nói, để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, cần đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng như kiều hối. Nhưng liệu đẩy mạnh tăng trưởng theo phương hướng này có gây áp lực nào khác cho các thành phần kinh tế của Việt Nam không trong khi đây vẫn luôn là vấn đề được quan tâm khi thu hút FDI?

Chúng ta phải nhìn nhận thế này, doanh nghiệp FDI mạnh hơn doanh nghiệp trong nước không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ gây tổn hại cho doanh nghiệp trong nước. Việc nền kinh tế phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI không có nghĩa là không cần thu hút thêm các dòng vốn FDI.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp FDI vào Việt Nam đã và đang tạo ra việc làm cho người lao động đồng thời lại xuất khẩu sản phẩm ra thế giới. Thị trường thế giới thì rất rộng lớn và luôn “đủ chỗ” cho cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước nếu đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu. Nói cách khác, chúng ta không nhất thiết phải coi các doanh nghiệp FDI là đối thủ cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước.

Câu hỏi cần được đặt ra ở đây chính là, nếu không có các doanh nghiệp FDI thì xuất khẩu của Việt Nam có tăng nhanh hơn không? Nếu câu trả lời là không thì có nghĩa là do những yếu kém của doanh nghiệp trong nước (về vốn, công nghệ, trình độ quản lý, khả năng tiếp thị, tạo lập kênh phân phối…) chứ không phải do lỗi của doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần có những quy định để hạn chế sự du nhập các công nghệ lạc hậu từ nước ngoài gây ô nhiễm môi trường, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp FDI đẩy mạnh chuyển giao các công nghệ phù hợp cho các đối tác trong nước.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Có thể bạn quan tâm