Sức bật trên thị trường chứng khoán đang bị tiêu diệt?

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong thời gian qua đã khiến các nhân tố cơ bản, dòng vốn và tâm lý thị trường trở nên yếu ớt. SSI cho rằng, các yếu tố này sẽ triệt tiêu sức bật của TTCK Việt Nam trong quý I/2020.
Sức bật trên thị trường chứng khoán đang bị tiêu diệt?

Sự trầm lắng của quý I có thể kéo dài sang quý II, thậm chí cả nửa cuối năm nếu như không có những diễn biến mới làm thay đổi cục diện. Bởi thông thường sóng đầu năm luôn là sự khởi đầu thuận lợi cho TTCK Việt Nam để tạo bàn đạp cho các tháng tiếp theo.

Thế nhưng, năm 2020 đã và đang đi ngược lịch sử thị trường do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên sẽ cần thêm rất nhiều thời gian để tích lũy. Theo những tính toán từ nhóm phân tích của SSI, nếu không gặp phải tình hình dịch bệnh, thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý I có thể đã khởi sắc nhờ thỏa thuận Mỹ - Trung và dòng vốn nước ngoài tăng cao.

Bởi thời điểm giữa tháng 1, các nhà quản lý quỹ trên toàn cầu còn rất lạc quan với tỷ trọng đầu tư cổ phiếu trong danh mục đạt mức cao nhất 17 tháng qua. Theo đó, dòng vốn vào các thị trường mới nổi liên tục tăng, cùng với đó là đà mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên, diễn biến thực tế kể từ cuối tháng 1 lại cho thấy xu hướng đảo chiều của dòng vốn trên toàn cầu. Dịch bệnh Covid-19 làm giảm mạnh các dự báo tăng trưởng của các nước Đông Á, đẩy các nhà quản lý quỹ phải thay đổi chiến lược.

Nhóm các thị trường mới nổi ở khu vực châu Á bị rút vốn mạnh do có mức độ liên thông về sản xuất và tiêu dùng lớn với Trung Quốc. Giá trị rút vốn khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu ở khu vực này vào tuần đầu tháng 2 đã tăng lên mức cao nhất 19 tuần. Tại Việt Nam, triển vọng thu hút vốn nước ngoài cho thị trường chứng khoán trong tháng 2 và các tháng tiếp theo vì vậy đã giảm xuống mức thấp,” báo cáo chỉ ra.

Tuy nhiên, SSI vẫn đưa ra kịch bản tích cực cho TTCK Việt trước khả năng có thể khống chế được dịch bệnh thành công ngay trong tháng 2, cùng với đó là sức cầu tiêu dùng và chuỗi sản xuất ít bị ảnh hưởng sẽ mang lại diễn biến khả quan hơn cho thị trường.

Ngoài ra, mức độ công bố thông tin và sự quyết tâm kiểm soát dịch bệnh của chính phủ các nước. Minh bạch thông tin có thể khiến tâm lý chịu sức ép ở giai đoạn đầu nhưng khi dịch bệnh được kiểm soát, tâm lý cũng sẽ được phục hồi nhanh.

Bên cạnh đó là làn sóng kích thích kinh tế, hạ lãi suất tại hàng loạt quốc gia. Ở Việt Nam, đó là tích cực giải ngân đầu tư công và hạ lãi suất cho vay. Thực tế, trong những ngày gần đây, các ngân hàng từ lớn đến nhỏ đều tuyên bố dành hàng nghìn tỷ đồng với các hình thức hỗ trợ như giảm lãi vay, miễn tiền phạt quá hạn đối với các khách hàng có mục đích vay để trồng các loại nông sản, trái cây như thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít…; giảm, miễn 100% phí thanh toán cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dược, thiết bị - vật tư y tế; đưa ra chương trình cho vay với một số lĩnh vực với lãi suất ưu đãi, bên cạnh mức 6%/năm dành cho lĩnh vực ưu tiên. Đến thời điểm này, có ngân hàng đã đưa ra mức lãi suất cho vay 3%/năm, thấp hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm.

Đồng thời, các ngân hàng cũng thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Một số ngân hàng giảm phí thanh toán chuyển khoản; tư vấn, hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử online banking, mobile banking…

Một động lực khác có thể hỗ trợ TTCK trong thời gian tới được SSI đưa ra là việc được FTSE cân nhắc nâng hạng dù khả năng là không lớn, nhưng những nỗ lực của Việt Nam chắc chắn sẽ được ghi nhận, từ đó mang lại tâm lý tích cực cho các nhà đầu tư.

Có thể bạn quan tâm