Tái lập kế hoạch sống hữu ích trong những ngày giãn cách

Dịch bệnh và giãn cách xã hội không những tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tâm thần.
Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy - Giám đốc Trung tâm tâm lý WELink
Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy - Giám đốc Trung tâm tâm lý WELink

Để “sống tốt” trong giai đoạn khó khăn này, chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy - Giám đốc Trung tâm tâm lý WELink cho rằng, nên tận dụng thời gian giãn cách xã hội để tái lập cho bản thân một kế hoạch sống hữu ích và có giá trị.

Theo một số nhận định, dịch bệnh và giãn cách xã hội đã khiến số người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần gia tăng. Ông có bình luận gì về nhận định này?

Tôi không nghĩ là một số người mà là rất nhiều người gặp phải vấn đề này. Các thống kê của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ cho thấy, tỉ lệ căng thẳng gia tăng rất cao đối với hầu hết mọi người khi dịch bệnh xảy ra. Thông thường, khi đối diện với tình huống vượt ra khỏi tầm kiểm soát, con người sẽ trở nên khủng hoảng và căng thẳng. Nếu tình trạng này nếu kéo dài và không có hướng giải quyết có thể khiến con người gặp các vấn đề rối loạn tậm lý như lo âu hay trầm cảm.

Nhìn chung, ngoài những tổn thất về vật lý, khi đối diện với Covid-19, con người còn bị tổn thất nặng nề về tâm thần, cả bình diện cá nhân lẫn trong tương quan với người khác và cộng đồng. 

Cụ thể những vấn đề mà mọi người đang gặp phải trong những ngày giãn cách là gì, thưa ông?

Theo một khảo sát nội bộ, chúng tôi nhìn thấy những vấn đề mà người Việt Nam đang gặp phải trong thời gian đại dịch (nhất là làn sóng thứ 4 hiện nay) là: Căng thẳng với những diễn tiến ngày càng nghiêm trọng của đại dịch và không dự báo được hết những hệ quả của nó; Lo lắng về tình hình tài chính cũng như công ăn việc làm trong và sau đại dịch; Lo lắng cho tương lai của gia đình và sự phát triển của con cái; Cảm thấy tuyệt vọng với những nguồn lực ngày càng cạn kiệt nhưng không thấy lối giải quyết vấn đề (một số trường hợp đã quyết định tự tử); Và việc thấy bản thân mình đơn độc khi bị ngắt kết nối với xã hội trong thời gian dài.

Vậy theo chuyên gia, để khắc phục những vấn đề trên chúng ta cần phải làm gì?

Gần đây tôi có nhấn mạnh, chính yếu không phải là khủng hoảng mà là thái độ phản ứng của con người đối với khủng hoảng. Có rất nhiều chuyên gia tâm lý hay tâm thần có những bài nói chuyện về cách khắc phục tình trạng căng thẳng và hoảng sợ do đại dịch Covid-19, tuy nhiên chính yếu là chúng ta giữ vững được sự điềm tĩnh của bản thân. Các bài tập hít thở có tính thiền định dường như mang lại hữu ích lớn trong lúc này. Ngày nay với sự hỗ trợ của công nghệ, quý vị có thể vào internet và chọn cho mình một bài tập hít thở phù hợp và kiên trì mỗi ngày. 

Các bài tập hít thở có tính thiền định dường như mang lại hữu ích lớn trong lúc này
Các bài tập hít thở có tính thiền định dường như mang lại hữu ích lớn trong lúc này

Thứ đến, cần giữ tương tác với người thân trong gia đình và bạn bè bằng các phương tiện công nghệ. Giữ tương tác giúp chúng ta giữ kết nối với cộng đồng, cập nhật tin tức quan trọng thay vì chìm đắm trong các câu chuyện tệ hại mỗi ngày. Giữ tương tác là cơ hội để bày tỏ tình yêu thương và sự lưu tâm lẫn nhau.

Chúng ta khó có thể làm cho hết dịch bệnh nhưng trên bình diện cá nhân chúng ta có thể học được cách kiểm soát chính mình, chẳng hạn tuân thủ nguyên tắc 5K và thực hiện bất kỳ hoạt động nào trong nhà của mình có tính chất thư giãn. Việc cảm thấy kiểm soát được bản thân giúp con người điềm tĩnh hơn trong các nguy cơ.

Ông có khuyến cáo gì thêm cho vấn đề này?

Hãy tận dụng thời gian giãn cách xã hội để tái lập cho bản thân một kế hoạch sống hữu ích và có giá trị.

Có những nghiên cứu cho thấy nhiều người cảm thấy hữu ích khi chú tâm đến các hoạt động phát triển bản thân. Sau đại dịch mọi chuyện không trở lại bình thường như trước nhưng sẽ là một trật tự mới và mỗi người cần điều chỉnh bản thân để thích ứng với trật tự mới đó. Như đã nói, quan trọng là thái độ của chúng ta với đại dịch.

Xin cảm ơn chuyên gia!

Có thể bạn quan tâm