Tại sao Trung Quốc ồ ạt bơm tiền vào nền kinh tế?

Trung Quốc đã và đang bơm rất nhiều tiền vào nền kinh tế để giúp nền kinh tế vận hành một cách trơn tru, giải tỏa tâm lý cho các nhà đầu tư trước những bất ổn hiện nay.
Tại sao Trung Quốc ồ ạt bơm tiền vào nền kinh tế?

Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC) đã bơm tổng cộng 810 tỷ nhân dân tệ (122,4 tỷ USD) trong tuần vừa qua. Đây là lần bơm tiền trong tuần lớn nhất kể từ tháng 1/2017 và cũng là một phần lý giải của Bắc Kinh trước lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức cao kỷ lục trong nhiều năm qua.

"Việc lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc tăng cao đã gây lo ngại cho các nhà hoạch định chính sách. Do đó, để ngăn chặn sự gia tăng hơn nữa của lợi suất trái phiếu, PBoC đã bơm tiền vào hệ thống tài chính ngân hàng để cải thiện tâm lý thị trường", ông Ken Cheung, chuyên gia chiến lược ngoại hối của Mizuho Bank cho biết.

Các chuyên gia phân tích của Nomura cho biết vào tuần trước rằng lợi suất trái phiếu Chính phủ Trung Quốc gia tăng là do lo ngại về việc thắt chặt quy định của Bắc Kinh. Lợi tức trái phiếu ở Trung Quốc đã chạm mức 4% lần đầu tiên trong vòng 3 năm qua.

Sự gia tăng lợi suất trái phiếu chính phủ có nguy cơ kéo theo gia tăng chi phí vay và có khả năng làm trầm trọng thêm tình hình nợ của nước này.

Ông Cheung kỳ vọng PBoC sẽ tiếp tục bơm tiền vào hệ thống để cải thiện tình trạng thanh khoản, góp phần trấn an tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường.

Việc bơm tiền mặt hàng ngày của PBOC được thực hiện thông qua thị trường mở. Theo đó, PBoC mua các giấy tờ có giá của các ngân hàng thương mại với thỏa thuận sẽ bán lại chúng trong tương lai với giá cao hơn.

PBoC dựa vào các hoạt động này để điều tiết thanh khoản, nhưng ông Cheung cho biết PBoC sẽ tiếp tục mở rộng các công cụ khác của mình trong tương lai.

Đánh giá về động thái nói trên của PBoC, các nhà phân tích của Nomure cho rằng: "Chúng tôi coi đây là một dấu hiệu cho thấy việc cắt giảm nợ sẽ là một chủ đề kéo dài trong nhiều năm của Bắc Kinh và những cải cách tài chính sâu rộng đang được tiến hành".

Trong thời gian gần đây, các quan chức Bắc Kinh đã thẳng thắn thừa nhận các rủi ro tài chính trong nước đang có xu hướng trầm trọng hơn bởi mức nợ công và nợ của các tổ chức, cá nhân đều ở mức cao.

Mặc dù nhiều nhà đầu tư tin rằng rủi ro tài chính ở Trung Quốc sẽ được kiểm soát chặt chẽ, nhưng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn phải chịu những rủi ro từ bên ngoài có thể gây ra khủng hoảng.

Một nhân tố khiến Trung Quốc dễ bị tổn thương hơn là nguồn cung tiền của nước này đang tăng lên với tốc độ rất nhanh trong khi dự trữ ngoại tệ của nước này về cơ bản vẫn giữ ổn định.

Nếu dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc giảm mạnh như những năm trước, sẽ gây khó khăn cho các nhà quản lý ngoại hối trong việc chống lại sự tháo chạy của dòng vốn đầu tư.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Có thể bạn quan tâm