Tâm thư của một doanh nghiệp: Em “ứ” muốn lớn đâu…

Em là doanh nghiệp, cuộc đời của em gắn liền với sổ sách và những con số. Nó khô khốc. Đến một ngày, bỗng dưng em muốn “nhõng nhẽo”, em không muốn làm người lớn… Ấy là khi em đã bắt đầu có chuyện.
Tâm thư của một doanh nghiệp: Em “ứ” muốn lớn đâu…

Các thầy ngoại quốc dạy em: Khi mở một doanh nghiệp, là khởi sự cho một con đường, một sự nghiệp, để thỏa mãn những khát khao. Dù đó là một doanh nghiệp nhỏ ở địa phương thì cũng phải có suy nghĩ mang tầm thế giới. Có nghĩ lớn thì mới thành công lớn! Donal Trump dạy thế.

Em vặn hết công suất để khởi sự cho một sự nghiệp lớn. Bước đi của em khá bài bản: Từ xây dựng ý tưởng, tìm kiếm nhân sự, tạo ra một bộ máy hoạt động khá chuyên nghiệp dưới sự hướng dẫn của chuyên gia nước ngoài. Doanh nghiệp của em được áp dụng công nghệ triệt để, vì thế cũng giảm thiểu được chi phí nhân sự…

Em có mối quan hệ rộng rãi với giới truyền thông, báo chí, được các phóng viên và đội ngũ truyền thông ủng hộ nhiệt tình. Dù mới xuất hiện nhưng tên của em đã lấp lánh ở chỗ này chỗ kia, dần dần thành quen thuộc với nhiều người. Sản phẩm của em – nói đúng ra thì chưa phải vượt trội, xuất sắc nhưng được cái nó nằm ở thị trường ngách, tập trung được đối tượng khách hàng trọng điểm lại được đội ngũ bán hàng, makerting rất chu đáo và khéo léo nên lượng khách tăng lên đều đặn.

Em không muốn đi sâu vào vấn đề, đó là sản phẩm, mặt hàng gì…. Vì điều em muốn chia sẻ với mọi người nó nằm ở chỗ khác cơ. Có thể gọi nó là mặt trái của tấm huy chương.

Khi bắt đầu có tên tuổi, hệ thống trơn tru chạy là em bắt đầu tìm cách đưa sản phẩm của mình ra khỏi biên giới quốc gia. Rất nhiều khó khăn ập đến với em. Từ luật pháp, thị trường, vận chuyển… và trăm thứ bà rằn khác. Em làm việc nhiều ngày thâu đêm với một niềm tin bất diệt là mình sẽ lớn mạnh, thương hiệu của mình sẽ vượt ra thế giới, trở thành niềm tự hào của quốc gia…

"Em còn khát vọng muốn lớn mạnh nhưng nếu cứ mãi đi trên cây cầu khỉ, lúc nào cũng cúi mặt xuống vì sợ ngã thì cái ngày đến được đích nó xa vời lắm. Em không phủ nhận rằng, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã lớn mạnh, kể cả họ đã có giai đoạn phải đi trên cây cầu khỉ, cũng từng sợ ngã như em… Họ tài ba, quan hệ giỏi hay họ gặp may, họ có nhóm lợi ích giúp sức?...

Khổ nỗi. Khi em tập trung toàn lực để “nhìn lên bầu trời” với niềm hy vọng tràn trề nhất thì em lại bị nghịch cảnh kéo xuống nhìn mặt đất. Khi thì tiếp mấy anh cán bộ chuẩn bị đi nghỉ mát. Lúc thì phải có mặt để mua mấy cặp vé xem nghệ thuật, ủng hộ đoàn nào đó. Lúc khác, tiếp một đoàn kiểm tra liên ngành, có cả công an tháp tùng… Khổ nhất là đoàn nào, khách nào cũng chỉ muốn gặp người chủ doanh nghiệp. Cấp phó là họ không chịu, cứ phải là cấp trưởng.

Rồi đến kiểm tra thuế. Chao ôi! Chưa bao giờ em thấy mình tội lỗi đến thế này. Áp các quy định, thông tư, điều khoản… thì thấy mình đen ngòm vì lỗi. Rất nhiều điều luật trong đó được ra đời từ khi nào, kế toán của em – ăn rồi ngóng chính sách cũng không sao nhớ được. Luật như rừng rậm. Luật thay đổi xoành xoạch. Năm nay vẫn đúng mà năm sau đã kịp sai hoặc ngược lại. Nhìn ra các doanh nghiệp bạn, hóa ra họ cũng vậy cả. Đồng nghiệp chỉ cho em cách ứng phó. Mọi việc rồi cũng qua nhưng của đau lắm, con xót lắm. Nghiêm trọng hơn nữa là em nản quá, em hoang mang quá, em thấy mình thật là dở hơi, lạc quan tếu và toàn là những mộng mơ hão huyền. Bao nhiêu nhựa sống, tâm huyết của em tự nhiên cạn dần, cạn dần như ngọn đèn leo lét. Không phải vì em ngại khó ngại khổ, ngại vượt qua thử thách mà là em thấy mình như một kẻ lạc loài ngẩn ngơ. Nhưng, không lẽ bỏ cuộc chỉ vì những đận bị kéo mặt xuống đất, không cho nhìn lên bầu trời?!

Người thì chỉ cho em cách xé nhỏ doanh nghiệp ra để thu mình lại, tránh hòn tên mũi đạn. Người bày cho cách đẩy thương hiệu lên chút nữa rồi bán cho doanh nghiệp nước ngoài. Người bảo thu vốn về, chuyển tiền ra nước ngoài mà mua nhà cho thuê. Người khác cao tay hơn, chỉ cho cách làm thế nào lên được sàn chứng khoán, rồi sử dụng “tổ lái”… mục đích cuối cùng là làm thế nào kiếm được một “mớ”, cất đâu đó thật kỹ rồi… buông!

Hu hu! Em không muốn ăn non, càng không muốn bỏ cuộc… Em còn các cộng sự, còn nhân viên. Sau mỗi tổn thương, em có “điên” một chút nhưng vẫn muốn quay về với những khát vọng ban đầu. Giờ thì em hiểu hơn về không gian chật hẹp của các doanh nghiệp tư nhân. Nói theo “giọng điệu” của bác Nguyễn Đình Cung thì, doanh nghiệp tư nhân thiếu không gian để phát triển. Lớn như bà Thái Hương (TH Trumilk) còn phải tìm đường sang Nga để đầu tư.

"Ông cũng dùng hình ảnh rất sinh động để miêu tả doanh nghiệp Việt thời hội nhập như sau: “Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đi trên cây cầu khỉ. Mắt nhìn xuống dưới vì sợ ngã. Không thể nhìn lên được thì làm sao có tầm nhìn xa”…

Hay như nữ anh hùng lao động ngành dệt may Ninh Thị Ty, tại hội thảo Phát triển kinh tế tư nhân trong tình hình mới rất “thật thà trong ngậm ngùi” thừa nhận: Doanh nghiệp Việt Nam 100% là vi phạm pháp luật. Cơ quan pháp luật muốn trị doanh nghiệp nào doanh nghiệp đó cứ tức tưởi mà chết. Tiếp câu chuyện của bà Ty, TS. Nguyễn Hồng Sơn cũng “góp vui”: Ông chủ tịch HĐQT của một công ty phân phối bán lẻ phải cho doanh nghiệp của mình “chết lâm sàng”. Một tuần tiếp 3 đoàn kiểm tra khiến ông không thể trụ được. Nghe mà hãi!

Bắt đầu có tên tuổi trên thị trường, nhưng em vẫn nằm trong 97% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ của Việt Nam - vốn ít, sức cạnh tranh thấp. Em còn khát vọng muốn lớn mạnh nhưng nếu cứ mãi đi trên cây cầu khỉ, lúc nào cũng cúi mặt xuống vì sợ ngã thì cái ngày đến được đích nó xa vời lắm. Em không phủ nhận rằng, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã lớn mạnh, kể cả họ đã có giai đoạn phải đi trên cây cầu khỉ, cũng từng sợ ngã như em… Họ tài ba, quan hệ giỏi hay họ gặp may, họ có nhóm lợi ích giúp sức?... Em không biết, cũng khó để mà biết, chỉ ngả mũ kính phục họ mà thôi.

Em nghe ông Võ Thành Đăng – Chánh Văn phòng Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài kể về kinh doanh ở Singapore mà thèm quá. Mở doanh nghiệp: 5 phút. Chính sách thuế, giao thương rành rẽ. Doanh nghiệp không sợ bị đi trên cầu khỉ. Có nhân viên nhà nước chỉ bảo tận tình về tất cả những gì được làm, không được làm, phổ biến chính sách mới... Cố tình sai thì bị xử phạt.

Trong lúc chờ đến ngày doanh nghiệp tư nhân phát triển, thực sự được “Tự do. Tự do. Tự do hơn. An toàn. An toàn. An toàn hơn” như tư tưởng và sự chỉ đạo của Nhà nước… thì, để bảo toàn lực lượng, em tạm xé nhỏ doanh nghiệp của em, đưa nó về các hộ gia đình với những chính sách đặc thù, đơn giản hơn và an toàn hơn.

Anh đừng trách em! Giai đoạn này em tạm “trăm cơn mơ không chống nổi một đêm dày/ta lại mặc cho mưa tuôn và gió thổi…”.

Để chống stress, anh cho em được “nhõng nhẽo” một tý thôi. Em “ứ” muốn lớn đâu. Ít nhất là trong lúc này.   

>> Vì sao doanh nghiệp tư nhân không muốn “lớn”?

Có thể bạn quan tâm