Tấn công WeChat, TT Trump đang nhắm mục tiêu vào “cầu nối” của Trung Quốc với thế giới

Không chỉ là một trong ứng dụng phổ biến nhất được người dân Trung Quốc sử dụng, WeChat còn là một sợi dây kết nối những Hoa kiều ở nước ngoài với quê hương của họ.
Tấn công WeChat, TT Trump đang nhắm mục tiêu vào “cầu nối” của Trung Quốc với thế giới

Tại Trung Quốc, WeChat có công dụng đa năng hơn bất kỳ ứng dụng công nghệ nào. Người dân dùng nó để nói chuyện, nhắn tin, chia sẻ hình ảnh, mua sắm, thanh toán hoá đơn, gửi tiền và cập nhật tin tức. Với phần lớn môi trường internet của Trung Quốc bị khoá chặt sau bức tường “kiểm duyệt” và “sàng lọc thông tin”, WeChat là một trong số ít những “cây cầu” kỹ thuật số kết nối Trung Quốc với phần còn lại của thế giới. Đó cũng là cách mà sinh viên quốc tế, Hoa Kiều tại nước ngoài trò chuyện với gia đình, người thân, họ hàng của họ tại quê nhà. 

Và nay, “cây cầu” đó đang đứng trước nguy cơ bị sụp đổ. 

Vào cuối ngày thứ 5 (6/8), chính quyền TT Mỹ Donald Trump đã ban hành lệnh hành pháp có thể loại bỏ ứng dụng công nghệ quan trọng nhất của Trung Quốc khỏi cửa hàng trực tuyến của Apple (iOS) và Google (Android) trên toàn thế giới và ngăn chặn việc các công ty Hoa Kỳ giao dịch kinh doanh với công ty mẹ của WeChat, Tencent. Nếu được thực thi một cách dứt khoát khi bắt đầu có hiệu lực sau 45 ngày tới, điều lệnh này sẽ “giáng những cú đòn hiểm hóc” vào sản phẩm internet đột phá nhất của Trung Quốc - WeChat - ứng dụng có tới 1,2 tỷ người sử dụng hàng tháng. Lệnh cấm tại Hoa Kỳ sẽ cắt bỏ hàng triệu cuộc trò chuyện giữa các nhà đầu tư, đối tác kinh doanh, thành viên gia đình và bạn bè ở hai đầu của thế giới. Và bản thân lời đe doạ từ phía Hoa Kỳ rất có thể sẽ bắt đầu một chương mới trong mối quan hệ đầy bế tắc của hai cường quốc kinh tế. 

Cùng với lệnh cấm tương tự nhằm vào ứng dụng chia sẻ video TikTok, Hoa Kỳ đang đánh dấu sự thay đổi trong cách phản ứng lại với Great FireWall - “bức tường lửa” mà Trung Quốc sử dụng để ngăn Facebook, Twitter hay Google hoạt động tại quốc gia tỷ dân. Việc hạn chế WeChat và TikTok có thể là bước đầu trong quá trình trả đũa của Hoa Kỳ. 

“Mặt trái của điều lệnh hành pháp này chính là việc nó mâu thuẫn với một trong những chính sách đối ngoại của chính phủ Hoa Kỳ: duy trì sự cởi mở và kết nối thân thiện với người dân Trung Quốc,” Sheena Greitens, phó giáo sư tại ĐH Texas nhận xét. 

Mặc dù WeChat và Tencent từ lâu đã tạo ra những “rào cản” ngăn cách internet của Trung Quốc với thế giới, nhưng bên ngoài quốc gia tỷ dân, thì WeChat lại là một sợi dây kết nối những người Trung Quốc ở hải ngoại về quê hương của họ. 

Tấn công WeChat, TT Trump đang nhắm mục tiêu vào “cầu nối” của Trung Quốc với thế giới ảnh 1

May Han là một người Mỹ gốc Hoa, chuyển đến Hoa Kỳ cùng gia đình khi mới lên 9 tuổi. Vì luôn cô đơn khi bắt đầu một cuộc sống mới, cha mẹ của May đã khuyến khích cô sử dụng một số các ứng dụng điện thoại như QQ, WeChat để có thể trò chuyện với họ hàng, bạn bè ở Trung Quốc cũng như hy vọng sẽ giúp cô giữ vững được vốn tiếng trung của mình. Đến nay, khi đã là một sinh viên tại ĐH California, May Han cho biết WeChat đã trở thành một phần quan trọng giúp đỡ cô gắn kết với cộng đồng người Hoa và quê hương của mình. “Nếu không thể dùng WeChat, kết nối của chúng tôi với Trung Quốc sẽ ngày một giảm đi và thậm chí có thể biến mất. Hầu hết chúng tôi, từ già trẻ lớn bé đều đã quen với việc sử dụng WeChat. Việc thay đổi các ứng dụng công nghệ sẽ không phải là dễ dàng với thế hệ lớn tuổi. TT Trump đang vi phạm vào quyền lợi được kết nối với gia đình, bạn bè và quê hương của chúng tôi. Nếu WeChat thực sự bị cấm, thì điều lệnh này dường như thật vi hiến và vi phạm Tu chính án Thứ Nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ (First Amendment),” May Han bức xúc chia sẻ. 

Không chỉ WeChat, điều lệnh mới sẽ hạn chế hàng loạt giao dịch giữa Hoa Kỳ và Tencent. Ví dụ, các công ty Mỹ có thể bị cấm quảng cáo trên các ứng dụng của Tencent, cắt đứt tiềm năng tiếp cận với thị trường tiêu dùng Trung Quốc rộng lớn. Thậm chí, điều lệnh còn có thể ngăn Tencent mua thiết bị công nghệ của Mỹ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh. “Đây sẽ là tình huống xấu nhất đối với Tencent”, David Dai, nhà phân tích của công ty đầu tư Sanford C.Bernstein cho biết. 

Tencent, công ty có mức vốn hoá thị trường trên 600 tỷ USD, cho biết vào thứ Sáu (7/8) rằng họ đang xem xét kỹ lưỡng điều lệnh để có thể “hiểu được vấn đề một cách toàn diện”. Cổ phiếu của công ty đã trượt giảm gần 10% trong phiên giao dịch cùng ngày trên Sàn chứng khoán Hồng Kông. 

Tại một cuộc họp báo hàng ngày vào thứ Sáu (7/8), người phát ngôn của Bộ ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin đã gọi điều lệnh này của Hoa Kỳ là “hành động bá quyền trần trụi”, nói rằng “với lý do an ninh quốc gia, Hoa Kỳ thường xuyên lạm dụng quyền lực và đán áp các DN nước ngoài một cách vô lý”. 

Theo ý kiến của bà Yaqiu Wang, một nhà nghiên cứu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết các mệnh lệnh hành pháp của chính quyền TT Trump thực sự còn ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh chính trị sâu xa hơn. “Đối với nhiều người Trung Quốc ở nước ngoài, sự phổ biến và đa chứng năng của WeChat khiến các ứng dụng khác trở nên không cần thiết. Điều đó đồng nghĩa với việc chính phủ Trung Quốc có thể kiểm soát một phần đáng kể thông tin mà người Hoa ở nước ngoài nhận được. Và tất nhiên, những điều này có thể có tác động tới chính trị trong nước, vì nhiều thành viên của cộng đồng Hoa kiều là cử tri bầu cử tại các quốc gia mà họ cư trú và đang, hoặc có thể được vận động chính trị.”

Nguồn: The New York Times

Có thể bạn quan tâm