Tân Hoàng Minh: Thâu tóm “đất vàng” để… trồng cỏ

Không tiếc tiền quảng cáo, trả phí hoa hồng cao, ưu đãi giảm giá, vay vốn… Tân Hoàng Minh đang “khuấy động” thị trường BĐS nhằm tăng tốc bán hàng, huy động vốn từ những khách hàng giàu có, thích phong
Tân Hoàng Minh: Thâu tóm “đất vàng” để… trồng cỏ

Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng: "Đầu tư dự án như tìm vải, cắt may áo..."

>> Giới siêu giàu khóc ròng, Tân Hoàng Minh vẫn "đủng đỉnh"

>> Soi tiến độ "rùa" của căn hộ đế vương Tân Hoàng Minh

Giá của cái mác “thượng lưu”

Thực tế, giới đầu tư bất động sản Hà Nội đã từng “chết đứng” vì mua nhà tại các dự án chung cư được quảng cáo là “đẳng cấp thượng lưu” của Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh. Có dự án mất 7 năm xin giấy phép, có dự án triển khai tới 8 năm vẫn chưa bàn giao nhà… cho thấy năng lực triển khai, khả năng tài chính có phần “đuối sức” của chủ đầu tư.

Gần đây, sau 6 năm im ắng, dự án D’.Palais de Louis (đường Nguyễn Văn Huyên, Hà Nội) lại tái xuất mở bán rầm rộ với những căn hộ “đế vương” dát vàng, nội thất xa xỉ, phong cách cổ điển Pháp… Giá bán công bố là 100 triệu đồng/m2, tức giảm tới 45% so với trước đây, tổng giá căn hộ từ 13-27 tỷ đồng. D’. Palais de Louis là dự án có số phận hẩm hiu nhất vì khởi công từ tháng 12/2009 vào đúng “tâm bão” thị trường bất động sản đóng băng, phải tạm dừng thi công, nhà đầu tư rút vốn tháo chạy…

Mãi đến cuối năm 2013, dự án D’. Palais de Louis mới hoàn thành xây thô, dự kiến bàn giao nhà vào đầu năm 2015. Nhưng, mốc hẹn giao nhà này tiếp tục lỡ hẹn. BIDV- ngân hàng cam kết tài trợ vốn cho Tân Hoàng Minh cũng “lặng lẽ” rút lui không rõ lý do. Đến năm 2014, khi ngân hàng SHB xuất hiện đồng hành cùng Tân Hoàng Minh thì dự án này mới được đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện.

Những căn hộ “đế vương” xa hoa của Tân Hoàng Minh có giá tới 27 tỷ đồng

Cùng với D’. Palais de Louis, Tân Hoàng Minh còn khởi động cả 2 dự án dở dang khác tại Hà Nội là dự án D’. Le Roi Soleil (bán đảo Quảng An, Tây Hồ) sau 7 năm “vật vã” xin giấy phép.

Dự án có diện tích đất 9.185 m2 nằm bên Hồ Tây (thiết kế ban đầu chỉ 4.046 m2), gồm hai khối tháp căn hộ cao 25 tầng, một tòa tháp dịch vụ 8 tầng và 5 tầng hầm để xe, cung cấp 498 căn hộ với mật độ xây dựng lên tới 44%.

Giá bán căn hộ hiện đã tăng mạnh lên tới 80- 100 triệu đồng/m2, mỗi căn hộ có giá khoảng từ 6 - 29 tỷ đồng. Còn dự án D’. Le Pont D’or (hồ Hoàng Cầu) đã xong thô và đang hoàn thiện với khối tháp 23 tầng nổi và 4 tầng hầm, có 308 căn hộ. Giá bán ban đầu là 40-45 triệu đồng/m2 (tổng giá khoảng 15-16 tỷ đồng/căn), nhưng hiện đã giảm xuốn 35 triệu đồng/m2 và tổng giá chỉ từ 5 tỷ đồng/căn…

Tân Hoàng Minh nổi tiếng nhờ các dự án chung cư siêu sang, song cũng gắn liền với nhiều tai tiếng về tiến độ thi công “rùa bò”, chậm bàn giao nhà, xây dựng sai phép, mật độ xây dựng dầy đặc, lãng phí đất “vàng” quây tôn không triển khai…

Chốn xa hoa để nuôi gà, trồng rau

Tân Hoàng Minh nổi tiếng nhờ các dự án chung cư siêu sang, song cũng gắn liền với nhiều tai tiếng về tiến độ thi công “rùa bò”, chậm bàn giao nhà, xây dựng sai phép, mật độ xây dựng dầy đặc, lãng phí đất “vàng” quây tôn không triển khai…

Theo tìm hiểu của Thuonggiaonline.vn, dự án D’El Dorado do Tân Hoàng Minh làm chủ đầu tư hiện vẫn nằm “đắp chiếu” suốt 3 năm qua. Dự án có vị trí đẹp tại ngã 4 Lạc Long Quân- Nguyễn Hoàng Tôn, có kiến trúc cổ điển với phù điêu mạ vàng và toà tháp 25 tầng căn hộ cao cấp hạng 6 sao.

Nhưng thực tế công trường dự án vẫn là bãi đất hoang quây tôn, cỏ dại, lau sậy um tùm, trở thành bãi trồng rau, nuôi gà của người dân cạnh dự án. Chỉ có một chòi canh bảo vệ, không hề có động thái triển khai.

Cận cảnh những dự án chậm tiến độ D’. Palais de Louis và dự án D’El Dorado quây tôn trồng rau, nuôi gà…

Dự án D’. Palais de Louis ở Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội) vẫn ì ạch ngày về đích sau 6 năm xây dựng

Ở D'. Le Pont D'or Hoàng Cầu, tháng 1/2016 Tân Hoàng Minh đã bị chính quyền địa phương đình chỉ thi công vì sai phạm chia tầng một thành hai tầng (tăng thêm 2.000m2), nâng tổng số tầng lên 24 tầng (vượt 1 tầng).

Công trình sai phạm vẫn ngang nhiên tồn tại, bất chấp lệnh phá dỡ vẫn “treo” lơ lửng suốt 6 tháng qua. Hơn nữa, Sở Xây dựng Hà Nội cũng kiểm tra phát hiện Tân Hoàng Minh còn tự ý thay đổi cơ cấu, “xây chui” thêm 7 căn hộ…

Đầu tư hàng loạt dự án “khủng” hàng nghìn tỷ, nhưng Tân Hoàng Minh công bôs chỉ có 3 dự án hiện triển khai là do ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội (SHB) hậu thuẫn vốn xây dựng và cho vay mua nhà.

Câu hỏi đặt ra là, vì sao SHB lại ưu ái cho vay đối với chủ đầu tư có nhiều tai tiếng sai phạm, chậm tiến độ như vậy? Liệu SHB đã đánh giá, thẩm định kỹ lưỡng năng lực tài chính của doanh nghiệp cũng như tính khả thi của dự án để cam kết cho vay hàng nghìn tỷ đồng?

Đáng chú ý, theo quy định tại Điều 13 Thông tư 36 về giới hạn cấp tín dụng, “tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng” và tỷ lệ đối với một khách hàng và người có liên quan không vượt quá 25%. Tại thời điểm 31/12/2015, vốn tự có của SHB đạt 11.254 tỷ đồng, do đó hạn mức tín dụng được phép cấp cho Tân Hoàng Minh tối đa chỉ khoảng 1.688 tỷ đồng, với nhóm công ty Tân Hoàng Minh tối đa 2.813 tỷ đồng.

Chỉ một dự án D’. Le Pont D’or Hoàng Cầu, SHB đã cam kết cho vay 1.000 tỷ đồng, thì ngân hàng sẽ không còn nhiều “room” để tài trợ cho 3 dự án “khủng” khác của Tân Hoàng Minh, như dự án D’. Le Roi Soleil cần vốn đầu tư tới 7.000 tỷ đồng…

Do đó, SHB cũng khó đảm bảo “bơm” vốn cùng lúc cho các dự án của Tân Hoàng Minh. Những chiêu quảng cáo bán hàng rầm rộ, tái khởi động dự án của Tân Hoàng Minh phải chăng nhằm “đánh bóng tên tuổi”, huy động vốn từ khách hàng để “bù đắp” khoảng trống thiếu vốn? Và nếu như chủ đầu tư không giỏi xoay sở đủ 30% vốn tự có thì hẳn sẽ không có ngân hàng nào dám liều lĩnh cấp tín dụng hay bảo lãnh dự án.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về những điều kỳ lạ trong hoạt động vay vốn của Tân Hoàng Minh, liệu ai đang thực sự "bơm" vốn cho các dự án siêu sang này? 

Thu Hằng

Có thể bạn quan tâm