Tăng cường “thế kiềng ba chân” cho “giấc mơ gấc Việt” cất cánh

“Giấc mơ gấc Việt” đã được các chuyên gia đánh giá là có khả năng “cất cánh” tới các thị trường lớn trên thế giới, và đóng góp đáng kể vào nhóm các thương hiệu nông sản tiêu biểu của Việt Nam.
Tăng cường “thế kiềng ba chân” cho “giấc mơ gấc Việt” cất cánh

Tuy nhiên, “giấc mơ gấc Việt” đang có nguy cơ bị chặn lại vì trên thị trường nội địa đã và đang xuất hiện nhiều sản phẩm làm giả, làm nhái gây hoang mang cho người tiêu dùng, ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín thương hiệu và giá trị kinh tế của các nhà sản xuất chân chính.

Tiềm năng xuất khẩu lớn

Tại toạ đàm truyền thông: “Tiềm năng phát triển các sản phẩm từ gấc trước vấn nạn vi phạm nhãn mác hàng hoá” do ấn phẩm Tư vấn Tiêu & Dùng thuộc Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng nay (23/11) tại Hà Nội, các đại biểu nhận định, gấc là trái cây phổ biến và bình dân ở Việt Nam, nhưng được thế giới gọi là “quả thiên đường” (fruit from heaven). Sở dĩ được mệnh danh như vậy là vì  trong trái gấc chứa Beta Caroten cao gấp 15 lần cà rốt và gấp tới 68 lần cà chua... Trong dầu gấc có khả năng làm vô hiệu hóa nhiều chất gây ung thư nói chung, nhất là ung thư vú, chống ôxy hóa, ngăn ngừa các bệnh về tim mạch... Mặt khác, trái gấc rất có tiềm năng phát triển thực phẩm, nước uống, mỹ phẩm và thuốc.

Thảo luận tại buổi toạ đàm

Khai thác tiềm năng này, một số doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư lớn cho dây chuyền sản xuất vào việc chiết xuất tinh chất và xuất khẩu cũng như cung cấp cho thị trường nội địa.

Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu, bà Hoàng Thị Lệ Hằng – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu rau quả Việt Nam, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNN) khẳng định, lượng gấc xuất khẩu của nước ta liên tục tăng và hiện chưa có đối thủ.

“Theo ghi nhận sơ bộ của chúng tôi, sản lượng gấc Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ đạt bình quân 500 - 1.000 tấn/năm, vào Ấn Độ khoảng 11 ngàn tấn/năm, vào Nhật 4,2 triệu tấn/năm, vào Thái Lan khoảng 1 triệu tấn/năm, vào châu Âu khoảng trên 2 triệu tấn/năm...” – Bà Hằng nói.

Bà Hoàng Thị Lệ Hằng – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu rau quả Việt Nam, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNN)

Tuy nhiên, điều ông Nguyễn Công Suất - Tổng Giám đốc Công ty VNPOFOOD lo lắng đó chính là vấn nạn vi phạm nhãn mác, hàng giả, hàng nhái ngày một diễn ra phức tạp và tinh vi hơn. “Chúng tôi đã và đang nỗ lực, nhưng cũng cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan chức năng và sự đồng hành của người tiêu dùng. Việc bảo vệ thương hiệu, đấu tranh với những vụ việc vi phạm nhãn mác, hàng giả, hàng nhái, không chỉ vì sự sống còn của VnPoFood mà còn là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng người tiêu dùng, những người đã tin tưởng và tiêu dùng sản phẩm của chúng tôi’ - Ông Suất kiến nghị.

Tăng cường thế “kiềng ba chân”

Chia sẻ tại toạ đàm, ông Đô Nguyên Khôi – Giám đốc Thương hiệu Công ty Richard Moore Associates cho rằng, doanh nghiệp muốn xây dựng và phát triển thương hiệu, góp phần làm giảm tình trạng hàng giả hàng nhái trước tiên cần phải xây dựng sản phẩm có nền tảng có cốt lõi, lấy khách hàng làm trung tâm. Thứ hai, doanh nghiệp cần có sự chính trực đó là đưa ra sản phẩm thực sự tốt. Thứ ba, cần đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, có chiến lược phát triển thương hiệu và quản trị thương hiệu của doanh nghiệp.

Đối với người tiêu dùng, ông Khôi khuyên “hãy là người tiêu dùng thông thái”. Theo ông Khối, trước khi mua sản phẩm người tiêu dùng cần phải tìm hiểu kỹ sản phẩm mình muốn mua, sau đó nên chọn lựa địa chỉ mua hàng uy tín, được nhiều người tin cậy. Ngoài ra cần xem kỹ tên và thông tin sản phẩm, để ý đến giá cả và chọn sản phẩm nguyên hộp, nguyên niêm phong và giấy bóng kính… 

Ông Đô Nguyên Khôi – Giám đốc Thương hiệu Công ty Richard Moore Associates

GS Nguyễn Lân Hùng cho rằng, ngoài việc doanh nghiệp, người tiêu dùng nêu cao nhận thức về vấn đề hàng giả hàng nhái, các cơ quan quản lý cũng cần tham gia mạnh mẽ hơn trong việc xử lý các doanh nghiệp vi phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng như làm hàng giả hàng nhái.

Ông Nguyễn Đắc Lộc – Chi Cục phó Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng khuyến nghị, khi doanh nghiệp phát hiện có đơn vị làm giả làm nhái sản phẩm của mình, cần đến thông báo với Chi Cục Quản lý thị trường để Chi cục biết để xử lý.

Các đại biểu có mặt tại toạ đàm cũng cho rằng, nếu “thế kiềng 3 chân” giữa cơ quan chức năng – doanh nghiệp – và người tiêu dùng được tăng cường thì công tác ngăn chặn và đẩy lùi vẫn nạn hàng giả, hàng nhái kém chất lượng sẽ sớm thành công.

Có thể bạn quan tâm