Tập đoàn FLC đặt mục tiêu lãi gấp 3 lần, sẽ tăng vốn gần 5.000 tỷ đồng

Sáng nay 12/4, Đại hội cổ đông thường niên năm 2021 của Tập đoàn FLC (mã: FLC) đã thông qua kế hoạch kinh doanh khả quan với lợi nhuận hơn 1.100 tỷ đồng, doanh thu hợp nhất hơn 15.000 tỷ đồng. FLC cũng sẽ phát hành 497 triệu cổ phiếu để tăng vốn.
Tập đoàn FLC đặt mục tiêu lãi gấp 3 lần, sẽ tăng vốn gần 5.000 tỷ đồng

Bất chấp dịch Covid-19, FLC vẫn lãi đột biến

Năm 2020, mặc dù dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp tới các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn FLC, song tập đoàn đã cho thấy sự hồi phục nhanh chóng kể từ quý 3/2020, đem lại kết quả kinh doanh khả quan.

Theo báo cáo của Ban giám đốc, doanh thu hợp nhất năm 2020 đạt hơn 13.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 421 tỷ đồng và sau thuế gần 308 tỷ đồng, vượt xa so với kế hoạch năm. Tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản của FLC đạt 38.460 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm trước.

Đặc biệt, ở lĩnh vực bất động sản, nhiều dự án trọng điểm cán đích như: khai trương khách sạn FLC Grand Hotel Quynhon quy mô lớn nhất Việt Nam; bàn giao Tổ hợp văn phòng, khách sạn FLC Sea Tower Quynhon… Đồng thời, tiếp tục khởi công giai đoạn 2 của Quần thể du lịch FLC Vĩnh Phúc, giai đoạn 2 của Quần thể du lịch FLC Quảng Bình.

Nhiều dự án của FLC tại Hạ Long, Sầm Sơn, Quy Nhơn có tỷ lệ hấp thụ trung bình 85% nguồn cung sản phẩm, có dự án đạt tỷ lệ thanh khoản đến 100%, góp phần đưa tổng doanh thu từ bán hàng BĐS năm 2020 tăng so với năm trước, và đóng góp khoảng 20% tổng doanh thu hợp nhất.

Lĩnh vực dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng và hàng không cũng ghi nhận nhiều điểm sáng, với doanh thu chiếm trên 35,4% tỷ trọng trong tổng doanh thu của cả Tập đoàn, tăng 31% so với 2019.

Trên đà hồi phục tích cực của năm qua, Ban lãnh đạo FLC đánh giá bối cảnh kinh tế vĩ mô nhiều điểm sáng cùng khả năng kiểm soát dịch bệnh hiệu quả sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều kế hoạch tăng trưởng của doanh nghiệp trên các lĩnh vực cốt lõi.

Chia sẻ với cổ đông, ông Lã Quý Hiển cho biết nguồn thu chính năm 2021 của Tập đoàn FLC chủ yếu từ lĩnh vực bất động sản. Năm 2020- 2021 tập đoàn FLC triển khai tương đối nhiều dự án đang trong giai đoạn hoàn thành tại Hạ Long, Quy Nhơn, Quảng Bình.... và đẩy mạnh các dự án tại Kontum, Gia Lai, Đồng Tháp…hứa hẹn đem lại doanh thu lớn. Ước tính doanh thu năm nay sẽ đạt hơn 15.250 tỷ đồng (nếu tính cả Bamboo Airways thì tổng doanh thu ước đạt khoảng 30.000 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế khoảng 900 tỷ đồng.

Riêng lĩnh vực hàng không, Bamboo Airways sẽ nâng đội bay lên ít nhất 40 chiếc, mở rộng lên 70 – 80 đường bay và chiếm lĩnh khoảng 30% thị phần hàng không nội địa. Tập đoàn đang làm thủ tục xin cấp phép, để nâng đội tàu bay lên 100 chiếc cùng với việc tuyển dụng thêm nhân sự.

Chia sẻ về kế hoạch IPO cổ phiếu BAV của Bamboo Airways lên sàn chứng khoán, Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, cho biết thời điểm niêm yết vào quý 3 năm nay. Mức giá dự kiến chào sàn là 60.000 đồng/CP, gấp 6 lần mệnh giá. Với kế hoạch bài bản, đầu tư mạnh cho lĩnh vực hàng không và định vị chất lượng dịch vụ 5 sao, tăng mạnh thị phần… thì cổ phiếu Bamboo Airways sẽ trở thành cổ phiếu hấp dẫn nhà đầu tư. Về cơ cấu sở hữu, ông Quyết cũng công bố cá nhân ông và Tập đoàn FLC sở hữu hơn 80% vốn điều lệ của hãng hàng không Bamboo Airways. Còn lại hơn 10% cổ phần thuộc sở hữu của các công ty thành viên của FLC, cán bộ nhân viên, một số cổ đông nhỏ lẻ bên ngoài...

Phát hành tăng vốn gần 5.000 tỷ đồng, chia cổ tức 10%

Theo ông Lã Quý Hiển, trong bối cảnh doanh nghiệp ưu tiên đẩy mạnh kinh doanh sau đại dịch, HĐQT trình phương án giữ lại lợi nhuận chưa phân phối của năm 2020 để tái đầu tư, mà sẽ chia cổ tức của năm 2021 là 10% (cổ tức bằng cổ phiếu hay tiền mặt sẽ do HĐQT quyết định).

Với hàng trăm dự án lớn đòi hỏi nhu cầu vốn rất lớn, Tập đoàn FLC trình ĐHCĐ thông qua kế hoạch phát hành 496 triệu cổ phiếu, tương ứng 4.970 tỷ đồng theo mệnh giá cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn lên trên 12.000 tỷ đồng trong năm 2021.

Trên sàn chứng khoán, từ 2020 đến nay, cổ phiếu FLC có sự tăng trưởng ngoạn mục vượt mệnh giá, hiện giao dịch ở mức 12.000 đồng/CP, gấp 4 lần giá đáy, thanh khoản mỗi phiên luôn đứng đầu sàn giao dịch của HOSE.

Nguồn vốn thu về sẽ được sử dụng đầu tư vào 8 dự án bất động sản (4.500 tỷ đồng) và bổ sung vốn lưu động (gần 470 tỷ đồng). Một số dự án tiêu biểu như Đô thị Cao Xanh – Hà Khánh (Quảng Ninh); giai đoạn 2 quần thể FLC Quảng Bình; dự án nhà ở mật độ cao Hiệp Thành - Vĩnh Trạch…

Bên cạnh đó, Đại hội cũng thông qua phương án phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi, kỳ hạn 3 năm, nhằm bổ sung vốn cho các dự án Khu đô thị mới Hồ Nước Ngọt, thành phố Sóc Trăng; Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái núi Mỏ Neo tại thành phố Hà Giang; Khu đô thị mới Vị Thanh, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang…

Có thể bạn quan tâm