Tay ngang lấn sân làm ôtô: Vingroup có viết nên lịch sử ôtô Việt Nam?

Ông chủ Vinaxuki đã từng rất quyết tâm sản xuất ôtô cho người Việt song không làm được do yếu tiềm lực kinh tế. Còn giờ tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẵn có tiềm lực tài chính mạnh, chiến lược bài bản, ngân
Tay ngang lấn sân làm ôtô: Vingroup có viết nên lịch sử ôtô Việt Nam?

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ làm nên lịch sử ôtô Việt? 

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đã chia sẻ như vậy khi được hỏi về tính khả thi của dự án sản xuất ôtô Vinfast do Tập đoàn Vingroup đầu tư tại Hải Phòng.

Là ngành kinh doanh cốt lõi thứ 7 mà Vingroup tham gia, tập đoàn này đặt mục tiêu đưa VINFAST trở thành nhà sản xuất ôtô hàng đầu Đông Nam Á với công suất thiết kế lên đến 500.000 xe/năm vào năm 2025. Sản phẩm chủ lực là ôtô động cơ đốt trong, ôtô sử dụng động cơ điện và xe máy điện thân thiện với môi trường.

Giai đoạn 1, nhà máy của VINFAST đặt tại TP Hải Phòng sẽ xuất xưởng 1 mẫu sedan 5 chỗ; 1 mẫu SUV 7 chỗ và xe máy điện theo tiêu chuẩn chất lượng hàng đầu Châu Âu, công suất dự kiến đạt 100.000 – 200.000 xe/năm. Những sản phẩm “made in Vietnam” đầu tiên sẽ ra mắt trong vòng 12 tháng tới là xe máy điện và sau 24 tháng là ôtô.

Toàn bộ quy trình sản xuất được đặt tại Nhà máy VINFAST Hải Phòng, quy mô 335 ha, gồm 5 phân xưởng chính: Phân xưởng ép; Phân xưởng thân xe; Phân xưởng sơn; Phân xưởng sản xuất động cơ; Phân xưởng lắp ráp. Trong đó, các cấu phần quan trọng như động cơ và hệ thống kết cấu chính sẽ được mua thiết kế từ những nhà thiết kế hàng đầu châu Âu và Mỹ. Kiểu dáng xe được sáng tạo bởi các studio danh tiếng của Italy - nơi sáng tạo nên những thiết kế sang trọng cho Alfa Romeo, Aston Martin, Audi, Bentley, BMW, Cadillac, Ferrari, Jaguar, Lamborghini, Mercedes-Benz, Porsche, Rolls-Royce …

Nhằm hỗ trợ chiến lược mới này, VINFAST đã ký kết Biên bản ghi nhớ với Credit Suisse AG, một trong những tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới, theo đó Credit Suisse sẽ thu xếp cho VINFAST khoản vay lên tới 800 triệu USD.

Đánh giá về kế hoạch tham vọng của tỷ phú Phạm Nhật Vương, ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng Việt Nam hiện chưa có thương hiệu ôtô riêng của mình, chỉ mới đi làm lắp ráp cho các hãng xe thế giới. Trong khi đó, hiện nay, thu nhập người dân đã ở trên mức trung bình, ôtô đã phổ biến, vì vậy việc sản xuất xe ô tô là hoàn toàn phù hợp.

Hơn nữa, các nước trong khu vực đã có mẫu xe riêng mà Việt Nam chưa có là quá chậm. Do đó, đáng ra việc sản xuất ôtô của Việt Nam phải được làm từ nhiều năm trước.

Tuy nhiên, do các khó khăn vướng mắc về mặt tài chính, cũng như cơ chế nên đến nay mới có một DN (doanh nghiệp) – tập đoàn chính thức công bố sản xuất ôtô mang thương hiệu Việt.

Dẫn chứng trường hợp ông chủ hãng Vinaxuki, cũng từng rất tự hào và từng quyết tâm làm bằng được ôtô cho người Việt. Song do tiềm lực kinh tế không có nên kế hoạch này đến giờ vẫn còn bỏ ngỏ…

“Điều quan trọng nhất là DN cần có vốn để đầu tư thiết bị hiện đại nhất của thế giới, con người giỏi nhất. Và chỉ có các DN tư nhân mới dám làm và đủ sức để kiểm định”, ông Thanh nhấn mạnh.

Còn với Vinfast, hiện ông Vượng là người giàu nhất Việt Nam, dự án lại được ngân hàng ở Thụy Sỹ bảo lãnh. Từ tiềm lực trên, DN sẽ tìm được các chuyên gia đầu ngành tập hợp đầu tư bài bản, nghiêm túc, dồn dập và chỉ cần chọn đúng thị phần, nghiên cứu ra sản phẩm phù hợp với người dân Việt Nam thì sẽ thành công.

Thứ hai là cơ chế, Nhà nước cần tạo điều kiện như đất đai, cơ chế chính sách, các thủ tục trong nước…. Quan trọng nhất là chính sách cần tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển.

Điển hình như việc điều chỉnh chính sách thuế đã đưa giá xe cũ nhập vào đắt hơn xe mới, “Chúng ta cần đánh vào xe nhập khẩu nguyên chiếc thuế cao, còn phụ kiện và sản xuất trong nước giảm tạo lợi thế cho DN nội”, ông Thanh cho biết.

Tuy nhiên, chính sách, cơ chế và điều kiện kinh tế vẫn chỉ là điều kiện khách quan. Chính bản thân Vinfast phải có đáp ứng 2 tiêu chí: giá thành phải chăng và chất lượng đảm bảo mới có thể đảm bảo cạnh tranh được với thị trường.

“Ở đây, giá phải chăng chứ không phải giá rẻ. Bởi Trung Quốc thất bại với việc lợi dụng người dân nghèo khó đưa sang hàng giá rẻ. Thế nhưng giờ này không ai ưa hàng Trung Quốc nữa”, ông Thanh chỉ ra yếu tố cạnh tranh về giá mà các DN nội thường khó cạnh tranh với hàng hoá từ Trung Quốc.

“Tại sao các nước khác làm xe rẻ, chất lượng tốt mà chúng ta không làm được? DN sản xuất chất lượng kém mà giá cao thì sạt nghiệp là chuyện đương nhiên”, ông Thanh kết luận.

>> Khởi công tổ hợp sản xuất ôtô tiêu chuẩn châu ÂU VINFAST

Có thể bạn quan tâm