TGĐ SAP Việt Nam: “Tôi thấy được sự thôi thúc, sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn của các doanh nhân Việt”

Bên lề “Asian Innovators Summit 2019” diễn ra tại TP.HCM, bà Josephin Galla, Tổng giám đốc SAP Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thương Gia về những cơ hội và thách thức của các doanh nghiệp Việt trong
TGĐ SAP Việt Nam: “Tôi thấy được sự thôi thúc, sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn của các doanh nhân Việt”

Bà Josephin Galla đảm nhận chức Tổng giám đốc SAP Việt Nam từ tháng 8/2018

- Trong năm nay với chương trình "Made in Vietnam 4.0", SAP đặt trọng tâm hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam trở thành những doanh nghiệp thông minh. Xin bà chia sẻ cụ thể những hỗ trợ đó là như thế nào?

- Chiến lược của SAP trên toàn cầu là cung cấp cho các khách hàng doanh nghiệp những công cụ để trở thành doanh nghiệp thông minh, giúp doanh nghiệp tập trung phát triển mảng kinh doanh cốt lõi của mình.

Để đạt được mục tiêu trên, doanh nghiệp cần tối ưu hoá nền tảng thông tin vận hành, quy trình sản xuất, chuỗi giá trị, đồng thời lắng nghe thị trường để nắm bắt những nhu cầu của khách hàng nhằm nâng tầm doanh nghiệp và hướng tới cung cấp đại trà nhưng sản phẩm và dịch vụ được cá nhân hoá cho từng đối tượng khách hàng.

Với nền tảng SAP kết hợp giữa công nghệ Internet vạn vật (IoT) và nền tảng điện toán đám mây, chúng tôi giúp cho những nhà sản xuất kết nối dây chuyền sản xuất với hệ thống hỗ trợ vận hành, giúp tăng hiệu quả và giảm chi phí.

Chiến lược của SAP tại Việt Nam là tiếp tục hỗ trợ hơn nữa những ngành công nghiệp đang dẫn dắt sự phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam. Chúng tôi cũng đang làm việc chặt chẽ với chính quyền để nghiên cứu và đề ra những nền tảng quy định, chính sách hoặc những thảo luận liên quan hướng tới những tiêu chuẩn chung cho các ngành công nghiệp.

- Theo bà, sự trỗi dậy của thế hệ người tiêu dùng mới sẽ tác động như thế nào tới quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp?

- Người tiêu dùng ngày nay có khả năng kết nối và nắm bắt thông tin tốt hơn. Họ không chỉ kỳ vọng một sản phẩm bình thường, được sản xuất hàng loạt, mà mong muốn có những sản phẩm được cá nhân hoá theo nhu cầu của bản thân. Người tiêu dùng có xu hướng tìm kiếm một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt khi tiếp xúc với những sản phẩm và dịch vụ của các thương hiệu.

Điều này đẩy các doanh nghiệp vào một tình thế khó khăn khi họ có thể chưa sẵn sàng đáp ứng được những nhu cầu mới này. Hiện các ngành công nghiệp vẫn vận hành theo mô hình dây chuyền lắp ráp. Để đáp ứng tốt hơn những nhu cầu mới của khách hàng, doanh nghiệp phải vượt qua nhiều thách thức như làm chủ chuỗi cung ứng trong thời gian thực, nhạy bén, đổi mới sản phẩm và thay đổi mô hình sản xuất.

CMCN 4.0 đang thay đổi ngành sản xuất từ những nhóm quy trình, hệ thống và nguồn lực rời rạc, lỗi thời để chuyển sang những quy trình tích hợp xuyên quốc gia trong chuỗi giá trị của từng ngành công nghiệp. Điều này tạo ra cơ hội để đổi mới và tăng sự hài lòng của khách hàng. Do đó, các doanh nghiệp trên toàn cầu đang ngày càng quan tâm ứng dụng những công nghệ thông minh để tránh bị tụt hậu.

Bà Josephin Galla phát biểu tại sự kiện “Asian Innovators Summit 2019” tại TP.HCM

- Tôi được biết bà nhận chức Tổng giám đốc SAP Việt Nam từ tháng 8/2018, qua gần 1 năm đảm nhiệm chức vụ này, bà đánh giá những trở ngại của doanh nghiệp Việt Nam khi áp dụng những giải pháp của SAP như thế nào?

- Đầu tiên tôi rất vui và hạnh phúc về hành trình gần 1 năm vừa qua tại Việt Nam. Tôi thấy rõ doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực hết sức để nhanh chóng hoà nhập vào hành trình chuyển đổi số. Tôi cũng thấy được khát vọng đổi mới, sáng tạo, quyết tâm học hỏi những cách làm tốt nhất trên thế giới của các doanh nghiệp Việt và SAP đang cố gắng để chia sẻ những kinh nghiệm này.

Tôi mong rằng các ngành, các trường đại học và Chính phủ cần tiếp tục phối hợp để tạo ra một nguồn nhân lực lớn hơn, đồng thời giúp cho giới trẻ ngày càng quan tâm hơn đến quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.

Đối với tôi, giới hạn là bầu trời!

- Tuy nhiên, bà cũng có thể thấy, đa số các doanh nghiệp Việt có quy mô nhỏ và vừa, họ rất muốn áp dụng công nghệ của SAP nhưng liệu rằng chi phí có quá sức?

- Trong số 500 khách hàng hiện tại của chúng tôi, phần lớn là doanh nghiệp Việt Nam 100%, với trụ sở và vận hành đặt tại Việt Nam. Về tốc độ phát triển, Việt Nam đang là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á và có thể là châu Á Thái Bình Dương & Nhật Bản.

Để thực sự nhanh chóng tiếp cận quá trình chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0, SAP đã đưa ra những chiến lược và giải pháp không chỉ cho các tập đoàn lớn mà còn phù hợp cho cả doanh nghiệp vừa và nhỏ.

- Một số ý kiến cho rằng, với hành trình chuyển đổi số, vai trò của các giám đốc cấp cao như CIO, CMO và thậm chí là CEO đang bị xoá nhoà. Ý kiến của bà đối với nhận định trên như thế nào?

- Vai trò của những lãnh đạo cấp cao như CIO, CMO theo tôi sẽ không bị thay thế. Hiện đang có một sự chuyển đổi lớn trong các vai trò trên từ chỗ là nơi giải quyết các vấn đề ngắn hạn chuyển sang vai trò chiến lược trong hành trình chuyển đổi số.

Khi tôi làm việc với các CMO, CIO tại Việt Nam, tôi thấy được rất nhiều người đầy tính sáng tạo và sẵn sàng nghĩ khác và làm khác. Cái mà họ cần là những công cụ, công nghệ tốt và phù hợp hơn để lựa chọn chiến lược phát triển cho doanh nghiệp.

Tôi cảm nhận được sự thôi thúc, đam mê và sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn của họ. Tóm lại, tôi tin rằng 2 vai trò trên sẽ ngày càng trở nên quan trọng trong thời gian tới.

Có thể bạn quan tâm