Thanh Hóa xin dừng nhập xăng vì Lọc dầu Nghi Sơn: Lạ!

Trong kinh tế thị trường, không thể đề ra cái gọi là dừng hay hạn chế nhập khẩu, nó trái với các hiệp định Việt Nam ký kết.
Thanh Hóa xin dừng nhập xăng vì Lọc dầu Nghi Sơn: Lạ!

Tại Hội nghị Chính phủ với các Bộ, ngành và địa phương về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng qua, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, mặc dù chưa vận hành thương mại chính thức song thời gian qua xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã phải gửi tại một số kho tại miền Trung.

Nếu hiện tượng này tiếp tục xảy ra, sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp và thu ngân sách của tỉnh.

Từ đây, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đề xuất Chính phủ, Bộ Công thương xây dựng cơ chế để tiêu thụ hết sản phẩm sản xuất ra, trong đó nghiên cứu hạn chế nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài để nhà máy sản xuất đến đâu, tiêu thụ đến đó.

Đề xuất trên của Thanh Hóa nhận được nhiều ý kiến trái chiều của các chuyên gia.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam ủng hộ đề xuất của Thanh Hóa dù thừa nhận đây là một hình thức bảo hộ sản phẩm.

Theo ông, sản phẩm sản xuất ở trong nước mà đạt tiêu chuẩn kỹ thuật thì phải ưu tiên sử dụng trước, khi không đáp ứng đủ nhu cầu trong nước thì mới nhập ngoại.

"Việc này hết sức quan trọng vì giải quyết được 2 việc. Thứ nhất, sản phẩm không bị ứ đọng, tồn kho. Thứ hai, sản phẩm được tiêu thụ thì ngân sách nhà nước được tăng thêm, doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, có động lực phát triển. Doanh nghiệp đã đầu tư vào nhà máy thì phải cho họ có cơ hội tiêu thụ sản phẩm.

Giờ ra sản phẩm rồi, không cho tiêu thụ thì người ta đầu tư xây dựng làm gì, mà đây là mấy tỷ USD đổ vào chứ không phải mấy tỷ đồng.

Thanh Hoa xin dung nhap xang vi Loc dau Nghi Son: La!
Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Ảnh: Lao động
Thanh Hóa đề xuất rất đúng và Hiệp hội Năng lượng Việt Nam hết sức ủng hộ. Đề nghị Chính phủ tạo điều kiện để khai thác, sử dụng tối đa sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.

Việc vận hành thương mại chính thức hay chưa chính thức không cần thiết, mà ra sản phẩm rồi, cho kiểm định đạt chất lượng cả tiêu chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn về công nghệ thì cứ đưa ra thị trường", ông Trần Viết Ngãi nói.

Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng lưu ý, khi sản phẩm của Nghi Sơn bán ra thị trường thì về nguyên tắc, giá bán không được cao hơn giá nhập khẩu, nếu thấp hơn thì càng tốt vì sản phẩm được sản xuất trong nội địa, tránh được thuế nhập khẩu. Dĩ nhiên, có thể giá thành phải chịu một phần khấu hao của nhà máy nhưng việc này có chu kỳ nên không đáng lo ngại.

Trong khi đó, thể hiện một quan điểm khác, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, đề xuất của Thanh Hóa là không thể làm được dù xét cho cùng có thể hiểu được vì sao họ đề nghị như vậy.

Việt Nam đã đi theo con đường phát triển kinh tế thị trường vì thế, các lĩnh vực Nhà nước không cấm nên để các doanh nghiệp chủ động kinh doanh theo thị trường để có được một nền kinh tế thị trường thực sự, kể cả trong lĩnh vực xăng dầu - lĩnh vực tương đối nhạy cảm và ở Việt Nam, trong chừng mực nào đó, lĩnh vực này vẫn được quản lý theo cơ chế bao cấp mà trước đây Việt Nam vẫn sử dụng.

Đối với Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn có nhiều vấn đề phải nói, trong đó cam kết giữa Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài ở dự án này có thể coi là một sự lạ mà theo ông Thịnh, có lẽ chỉ có xăng dầu Nghi Sơn và Việt Nam mới có kiểu cam kết như thế.

Đó là cam kết sẽ bao tiêu, mua hết xăng dầu mà Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sản xuất ra. Lạ hơn nữa là cam kết đảm bảo giá bán cho nhà đầu tư theo một mức giá nhất định mà nếu thấp hơn mức giá đó, Việt Nam sẽ phải bù lỗ.

"Điều này lạ quá, có lẽ trên thế giới chẳng có nước nào cam kết như vậy với nhà đầu tư nước ngoài.

Về nguyên tắc, nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào một quốc gia nào đó trước hết trước hết phải chấp nhận điều kiện sản xuất kinh doanh ở quốc gia đó và các cơ chế chính sách về mặt luật pháp cũng như về mặt quản lý kinh tế, xã hội ở nước sở tại chứ không được đưa ra các điều kiện để đầu tư.

Tất nhiên, cũng không hoàn toàn như vậy, vì ở một phương diện nào đó, các doanh nghiệp lớn - những doanh nghiệp có thể quyết định đến một nhân tố nào đó trong thị trường của một quốc gia, thường họ vẫn có những kiến nghị thay đổi về mặt chính sách, luật pháp hoặc thay đổi những điều khoản tự do thương mại hay tự do tiếp cận thị trường...

Nhưng đó cũng chỉ là đề nghị còn việc có được chấp thuận hay không phải do cơ quan quản lý của nước sở tại. Nếu họ xét thấy nó phù hợp với thông lệ quốc t ế và điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của nước họ thì lúc đó họ chấp thuận thay đổi chính sách. Khi ấy, không chỉ riêng doanh nghiệp lớn đó mà tất cả những doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực đó đều được hưởng lợi từ yêu cầu này.

Trong nhiều ngành nghề của Việt Nam, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng có đề nghị về tiếp cận thị trường, thuế xuất khẩu, nhập khẩu... mà thực ra doanh nghiệp Việt Nam cũng được hưởng lợi từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài này.

Nhưng phải khẳng định lại rằng, việc có thay đổi hay không trước hết phụ thuộc vào cơ quan quản lý nước chủ nhà", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.

Theo Báo Đất Việt

Có thể bạn quan tâm