Thao túng, "thổi giá" trong đấu giá đất: Cần có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn

Để ngăn chặn tình trạng thao túng, "thổi giá" đất chuyên gia pháp lý cho rằng cần thiết phải sửa đổi Luật Đất đai, đồng thời sớm sửa đổi các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong đấu giá đất.

Sớm hoàn thiện hệ thống luật pháp

Như đã phân tích ở bài trước, thực thế hiện nay vấn đề đấu giá quyền sử dụng đất đang có rất nhiều bất cập, hạn chế làm ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về đất đai, thiệt hại ngân sách, gây mất ổn định thị trường bất động sản. Và để có giải pháp ngăn chặn tình trạng trên, Tiến sĩ - Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng chúng ta cần nhanh chóng xây dựng chính sách pháp luật đấu giá tài sản phù hợp với nền kinh tế thị trường hiện tại, có một khung pháp lý thống nhất, ổn định về đất đai; khắc phục được các vướng mắc, bất cập, bảo đảm sự thống nhất giữa các luật có liên quan.

Theo Tiến sĩ - Luật sư Đặng Văn Cường, cần quy định trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất chặt chẽ để tránh tình trạng cá nhân, tổ chức thông đồng trong quá trình tổ chức đấu giá, gây thất thu cho ngân sách. Ngoài việc quy định về xử lý đối với các hành vi vi phạm xảy ra liên quan đến việc mở, điều hành, tham gia phiên đấu giá tài sản; cần quy định về các hành vi vi phạm cả trong quá trình trước và sau phiên đấu giá quyền sử dụng đất. Đồng thời, cần sớm sửa đổi các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong đấu giá tài sản, trong đó có đấu giá quyền sử dụng đất theo hướng nâng cao mức xử phạt, đảm bảo đủ sức răn đe.

"Sửa đổi Luật Đất đai về chế định đấu giá quyền sử dụng đất, đảm bảo phù hợp với Luật Đấu giá tài sản và các văn bản hướng dẫn để đảm bảo tính công khai, minh bạch, khắc phục hiện tượng đấu giá, đấu thầu có “quân xanh, quân đỏ”, Tiến sĩ - Luật sư Đặng Văn Cường kiến nghị.

Đặc biệt, để tạo được sự minh bạch giữa các chủ thể tham gia đấu giá, góp phần giảm tiêu cực, thì việc công khai thông tin trong hoạt động đấu giá là điều cần thiết. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền tiếp cận thông tin, giúp tất cả người dân được cập nhật thông tin kịp thời, chính xác và đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.

Đồng thời cụ thể hoá những quy định về đấu giá quyền sử dụng đất, đảm bảo sự tương thích, thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật; bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức đấu giá, cơ cơ chế kiểm soát quá trình tổ chức thực hiện đấu giá; nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên tham gia đấu giá; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, Luật sư Cường nói.

Tiến sĩ - Luật sư Đặng Văn Cường
Tiến sĩ - Luật sư Đặng Văn Cường

Nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật

Phân tích về những lỗ hổng trong quá trình thực hiện việc đấu giá tài sản nói chung và đấu giá đất nói riêng, Tiến sĩ - Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng thực tế việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện đấu giá còn chưa khách quan, tình trạng “sân sau” còn phổ biến, thậm chí tổ chức đấu giá có hành vi vi phạm pháp luật vẫn được lựa chọn; việc người có tài sản giám sát quá trình tổ chức đấu giá không thường xuyên, thậm chí là “buông lỏng” nên không kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. Năng lực hoạt động của một số đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản còn hạn chế; còn có hiện tượng chạy theo lợi nhuận, “cạnh tranh” không lành mạnh, vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp.

Bên cạnh đó là tình trạng “thông đồng, dìm giá”, “quân xanh, quân đỏ” giữa những người tham gia đấu giá, người có tài sản, tổ chức đấu giá tài sản; hiện tượng cá nhân, doanh nghiệp dưới sự “bảo kê” của băng nhóm “xã hội đen” có hành vi “đe dọa, cưỡng ép” những người tham gia đấu giá nhằm thao túng cuộc đấu giá tuy có giảm nhưng vẫn còn phức tạp, gây thất thoát tài sản, ảnh hưởng an ninh, trật tự tại địa phương.

Theo Luật sư Cường, tài sản đấu giá ở Việt Nam hầu hết là tài sản công (đấu giá quyền sử dụng đất chiếm hơn 90%) nhưng chưa có đầu mối chung để xử lý như mô hình của một số nước phát triển (ở Hàn Quốc, việc xử lý tài sản công được giao cho công ty trực thuộc Bộ Tài chính. Ở một số nước, việc xử lý tài sản công do một cơ quan nhà nước hoặc đấu giá viên tư pháp do Tòa án chỉ định thực hiện). Do đó, dễ dẫn đến nguy cơ trục lợi.

Từ thực tế nói trên, để ngăn chặn tốt nhất tham nhũng trong quá trình đấu giá tài sản nói chung và đấu giá đất nói riêng, Luật sư Cường khuyến nghị các cơ quan cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, xử lý theo thẩm quyền những trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, không để xảy ra trục lợi. Đồng thời xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường; hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản; phát hiện, đấu tranh với các tổ chức, nhóm lợi ích cấu kết với người có thẩm quyền nhằm chi phối các cuộc đấu giá, hoạt động mang tính xã hội đen (đe dọa, khống chế, hành hung người tham gia đấu giá…)

Song song đó là nâng cao chất lượng đội ngũ đấu giá viên định hướng xây dựng chính sách phát triển nguồn đấu giá viên, ưu tiên phát triển đội ngũ đấu giá viên chuyên sâu trong từng loại tài sản, có chất lượng bảo đảm nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời tạo điều kiện giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm thông qua các lớp tập huấn nghiệp vụ, toạ đàm, hội thảo về đấu giá tài sản. Tăng cường chuyên môn, đạo đức hành nghề của đội ngũ đấu giá viên.

Có thể bạn quan tâm