Thị trường chia ba và cơ hội cho ô tô Made in Viet Nam

Công nghiệp ô tô Việt Nam đã được xác lập với 3 nhân tố chính, là Trường Hải, Thành Công và VinFast, hình thái ấy cũng đã tạo đà phát triển nền công nghiệp sản xuất ô tô lớn mạnh của Hàn Quốc và Nhật
Thị trường chia ba và cơ hội cho ô tô Made in Viet Nam

Toyota, Honda, Nissan vẫn là 3 hãng xe hàng đầu Nhật Bản

Nhật Bản và Hàn Quốc là hai cường quốc trong ô tô không những ở Châu Á, mà còn trên toàn thế giới. Với những lợi thế riêng, các hãng ô tô của 2 quốc gia này đã phát triển vượt bậc, cạnh tranh thành công và khiến cường quốc ô tô như Mỹ lao đao, đe dọa ngôi vị của Đức.

Nhật Bản, Hàn Quốc đã "dựng" công nghiệp ô tô như thế nào?

Chiếc xe đầu tiên của Nhật Bản có tên Takkuri, do Uchiyama Komanosuke, kỹ sư ôtô đầu tiên của xứ mặt trời mọc sản xuất vào năm 1907. Tuy nhiên, số lượng ít, giá thành cao khiến xe Nhật không thể cạnh tranh được với xe nhập từ Mỹ. Trong suốt chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật chỉ sản xuất ôtô phục vụ cho chiến tranh.

Từ năm 1952, sau chiến tranh, Nhật Bản bắt đầu vươn lên mạnh mẽ với ba hãng xe hàng đầu thế giới là Toyota, Honda, Nissan. Đây là 3 hãng xe đã đặt nền móng cho công nghiệp ô tô  Nhật Bản, và đã tồn tại phát triển đến nay.

Xe Nhật được cả thế giới ưa chuộng bởi nhỏ gọn, ít tốn nhiên liệu, giá cả hợp lý và đặc biệt bền, ít trục trặc. Đây là đặc trưng, giá trị của xe sản xuất từ Nhật được gìn giữ và giành được cảm tình của người tiêu dùng thế giới.

Chậm chân hơn Nhật, công nghiệp ô tô Hàn Quốc ra đời vào năm 1962. Tuy nhiên, chính phủ Hàn Quốc đã có hàng loạt chính sách mạnh mẽ để khuyến khích, sau đó ra cả đạo luật bảo vệ ngành ngành công nghiệp ô tô non trẻ.

Ban đầu, chỉ có 3 công ty thành lập trong năm 1962, bao gồm "Kyeongseong Precision Industry" - tiền thân của KIA, "Dongbang" - tiền thân của SsangYong, công ty sản xuất ô tô lớn thứ 4 của Hàn Quốc hiện nay và "Saenara" hãng xe được thành lập dựa trên sự hợp tác công nghệ với Nissan Motor.

Năm 1965, chính phủ Hàn Quốc công bố "Kế hoạch nội địa hóa 3 năm ngành ô tô" với mục tiêu tới năm 1967 sẽ có 90% xe tại Hàn Quốc được sản xuất bởi các công ty nội địa. Đến năm 1968, nhà sản xuất xe số 1 Hàn Quốc hiện nay là Hyundai mới được thành lập.

Để bắt kịp với các nhà sản xuất hàng đầu thế giới, chính phủ Hàn Quốc lúc đó đã buộc các tập đoàn nước ngoài gia nhập thị trường thông qua con đường liên doanh liên kết. Nhờ đó mà các tập đoàn ô tô Hàn Quốc từng bước nắm bắt công nghệ cao của các quốc gia hàng đầu như Mỹ, Nhật và Châu Âu.

Sự kết hợp đã tạo lên thương hiệu trường tồn và phát triển đến tận ngày nay là KIA liên kết của Kyeongseong và Mazda năm 1964, còn Hyundai hợp tác với Ford năm 1968.

Năm 1975, sự ra đời của chiếc Hyundai Pony- xe đầu tiên 100% xuất xứ tại Hàn Quốc đã đánh dấu một trang sử mới cho nền công nghiệp ô tô của nước này.

Hyundai Pony - xe đầu tiên 100% xuất xứ tại Hàn Quốc

Khác với xe Nhật, ưu điểm riêng và tuyệt đối của xe Hàn là phát triển mạnh vào các tiện ích đi kèm, tiết kiệm nguyên liệu, kiểu dáng hiện đại. Nhưng cũng phải thừa nhận nền công nghiệp ô tô của Nhật Bản và Hàn Quốc đã có lịch sử có căn cơ và phát triển từ trợ lực mạnh mẽ từ chính phủ.

Công nghiệp ô tô của Việt Nam có gì?

Về thực tế, hình thái thị trường ô tô Việt Nam đang khá giống với Nhật và Hàn khi mới khởi tạo. Đặt trong thời điểm hiện tại, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đang có gì và cơ hội nào cho Việt Nam trên bản đồ ngành công nghiệp ô tô của thế giới?

Giống công nghiệp ô tô Nhật, Hàn khi khởi tạo, thị trường ô tô của Việt Nam dường như đã hình thành thế “chân vạc”, với 3 thương hiệu Trường Hải, Thành Công và VinFast.

Trong Hyundai Thành Công được đảm bảo về công nghệ và quy trình sản xuất của Tập đoàn Huyndai của Hàn Quốc. Liên doanh giữa Hyundai Motor và Tập đoàn Thành Công đã tiến hành lắp ráp, phân phối các dòng xe buýt, xe tải Hyundai tại Việt Nam.

Đua “song mã” với Hyundai Thành Công trong nhiều năm qua là Trường Hải Thaco cũng được biết đến là một doanh nghiệp lớn sản xuất, lắp ráp độc quyền phân phối độc quyền nhiều thương hiệu lớn như Mazda, Peugeot, Kia Motors, BMW... tại thị trường Việt Nam.

Từ liên danh, liên kết trong sản xuất kinh doanh, Trường Hải và Thành Công đang nâng dần tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm qua nhận chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, thực tế cách làm này đã được triển khai từ hàng chục năm qua, nhưng việc nâng tỷ lệ nội địa hóa không mấy hiệu quả.

Theo một hướng đi khác, VinFast phát triển luôn một dòng xe mang thương hiệu Việt, bằng việc mua lại những công nghệ của các hãng xe nước ngoài, đồng thời xây dựng nhà máy, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu.

VinFast đã có phát triển siêu tốc khi chỉ trong vòng một năm từ khi công bố dự án đã kịp cho ra đời mẫu ô tô đầy đủ đầu tiên. Mẫu xe này sẽ tiến hành chạy thử tại châu Âu chứ không phải ở Việt Nam.

Theo VinFast, hãng vừa hoàn thành công đoạn sản xuất thân vỏ và đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành mẫu xe ô tô thương hiệu Việt đầu tiên vào tháng 3/2019, trước khi chính thức bán ra thị trường vào quý II năm nay. 

VinFast tham gia thị trường đã thổi một làn gió mới vào nền công nghiệp ô tô nước nhà, mới mẻ hơn, năng động hơn và kỳ vọng hơn. Chính điều này đã làm Trường Hải, Thành Công không thể ngồi im và đã có những bước đi nhất định nhằm bảo toàn và nâng cao thị phần.

VinFast sẽ chính thức bán ra thị trường vào quý II năm nay

Cơ hội nào?

Hướng đi của Trường Hải, Thành Công và VinFast là không giống nhau nhưng đều hướng đến một nền công nghiệp sản xuất ô tô mang thương hiệu Việt Nam và cũng nhận được sự quan tâm rất lớn từ Chính phủ với nhiều biện pháp hỗ trợ.

Ngày 22/2 vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp Phó Chủ tịch Tập đoàn Hyundai Tập đoàn Hyundai.

Tại buổi gặp mặt, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng mong muốn Tập đoàn Hyundai đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, mở rộng đầu tư tại Việt Nam và khẳng định các chính sách mới sẽ được xây dựng với các nguyên tắc đề cao tính nhất quán, ổn định, minh bạch để đảm bảo phát triển nền công nghiệp sản xuất ô tô bền vững.

“Các chính sách mới sẽ được xây dựng với các nguyên tắc đề cao tính nhất quán, liên tục, minh bạch, dễ dự báo, cạnh tranh và hấp dẫn, đảm bảo phát triển nền công nghiệp sản xuất ô tô bền vững”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Hyundai tiếp tục hợp tác, chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý với các đối tác, xác định Việt Nam là cơ sở sản xuất chiến lược. Đồng thời, nâng tỉ lệ nội địa hóa đạt mức tối thiểu 40%.

Phó Chủ tịch Tập đoàn Hyundai Jin Haeng Chung khẳng định, tập đoàn đánh giá rất cao quyết tâm và những chính sách phát triển công nghiệp ô tô của Chính phủ Việt Nam và khẳng định, Tập đoàn đang có những kế hoạch nghiêm túc, quy mô để đầu tư, chuyển giao công nghệ, phát triển sản xuất ô tô tại Việt Nam.

Đến thời điểm hiện nay, châu Á vẫn là nơi sản xuất nhiều ôtô trên thế giới nhất với sự nổi lên của Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan... Đây cũng là thị trường hấp dẫn với bất cứ hãng xe nào trên thế giới bởi kinh tế đang trên đà phát triển nóng, dân số đông và lượng xe chưa đạt mức bão hòa.

Xu hướng hiện nay ngoài vấn đề tiết kiệm,chất lượng tốt thì người tiêu dùng còn hướng tới yếu tố thiết kế ấn tượng và tính tiện dụng cao. Vì thế sự cạnh tranh về mức giá dần mất ý nghĩa, thay vào đó là thỏa mãn và gợi mở nhu cầu khách hàng.

Hơn nữa, tại thị trường nội địa Việt Nam đang được đánh giá có nhu cầu rất lớn. Đây chính là cơ hội lớn cho cả Trường Hải, Thành Công và VinFast trong cuộc đua để tạo lên sức mạnh của công nghiệp sản xuất ô tô nước nhà.

Có thể bạn quan tâm